Hiệu quả trồng cây gai xanh trên vùng đất dốc
Hiệu quả trồng cây gai xanh trên vùng đất dốc
Nhằm khai thác lợi thế đất đồi dốc và khu vực ven triền núi, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi của tỉnh đã cải tạo, chuyển đổi trồng cây gai xanh nguyên liệu cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình cây gai xanh trên vùng đất dốc tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao.
Tháng 4-2018, huyện Lang Chánh phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp An Phước trồng thử nghiệm trên 16 ha cây gai xanh trên vùng đất dốc tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương và thị trấn Lang Chánh. Để khuyến khích người dân trồng cây gai, ngoài chính sách hỗ trợ của công ty, huyện Lang Chánh còn có chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, thành viên HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia trồng cây gai xanh nguyên liệu tập trung, với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/1 ha.
Trước đây, diện tích đất dốc ven đồi của gia đình chị Vi Thị Nga, xã Tân Phúc chuyên trồng các loại cây nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Hơn 3 năm trở lại đây gia đình chuyển sang trồng cây gai xanh nguyên liệu. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh phát triển tốt và đang cho thu hoạch. Theo chị Nga, trồng cây gai xanh hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác vì cây gai xanh dễ trồng, đầu tư 1 lần cho thu hoạch kéo dài nhiều năm. Giá thu mua nguyên liệu bình quân của nhà máy từ 45.000 đồng đến 47.000 đồng/1kg. Như vậy, với năng suất vỏ khô từ 3.000 – 3.500kg/ha cho doanh thu từ 132 – 164,5 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 64 – 93 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm thu hoạch được Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước (Cẩm Thủy) thu mua nên các hộ nông dân yên tâm sản xuất.
Thực hiện mục tiêu phát triển vùng trồng cây gai xanh nguyên liệu, nhiều hộ dân của huyện Cẩm Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên các triền đất dốc sang trồng cây gai xanh. Nhiều hộ đã đầu tư trồng từ 10 đến 20 ha cây gai xanh nguyên liệu trên đồi đất dốc ở các xã Cẩm Tú, Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Thạch… cho năng suất, sản lượng cao. Anh Nguyễn Đình Hùng, đội 8, xã Cẩm Tú, cho biết: Trước đây diện tích đất canh tác đồi dốc của gia đình trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày hiệu quả thấp, do thiếu nguồn nước, đất bạc màu… Năm 2018, huyện Cẩm Thủy có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh nên anh đã chuyển đổi diện tích đất đồi sang trồng cây gai xanh và được địa phương hỗ trợ tiền chuyển đổi cây trồng. Đồng thời, Công ty CP Nông nghiệp An Phước cung ứng cây giống, vật tư theo hình thức trừ dần trong 5 năm đầu và ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Với diện tích trồng 2 ha cây gai xanh, mỗi năm thu hoạch 4 – 5 lứa, sản lượng đạt 1,4 tấn vỏ khô/lứa, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Sau mỗi lần thu hoạch thì tổ chức làm cỏ và bón 3 tạ phân NPK/ha/lứa, gốc cây tiếp tục đâm chồi, đẻ nhánh và phát triển.
Ông Nguyễn Phương Việt, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp An Phước, cho biết: Qua thực tế cho thấy, cây gai xanh giống AP1 dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm, trồng một lần thời gian khai thác đến 10 năm; thu hoạch 4 – 5 lứa/năm. Giống gai xanh AP1 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng nông nghiệp mới và được phép phát triển ở Việt Nam. Nhiều hộ trồng cây gai xanh trên vùng đất đồi dốc cho thu nhập trung bình từ 90 đến 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng các cây nông nghiệp khác trên cùng diện tích đất canh tác. Cây gai xanh phù hợp trên nhiều loại đất khác nhau và đất có độ dốc cao trung bình từ 15 – 200 để trồng thay thế các loại cây kém hiệu quả trên đất đồi và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Việc chuyển đổi các loại cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các vùng đất đồi dốc gắn với chế biến, bao tiêu sản phẩm, các địa phương trong vùng quy hoạch nguyên liệu cây gai xanh đang tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp về chủ trương, mục tiêu, chính sách phát triển cây gai xanh của tỉnh đến đông đảo quần chúng Nhân dân.
Bài và ảnh: Hải Đăng