Hiệu quả mô hình “Ứng dụng đồng bộ công nghệ xử lý cận và sau thu hoạch đối với quả vải thiều Bát Trang”
Mục lục
Vải thiều là một trong những loại cây trồng đặc sản được trồng ở nhiều tỉnh thành phía Bắc nước ta, nhiều hàm lượng dinh dưỡng, kim ngạch xuất khẩu cao. Trong đó, xã Bát Trang huyện An Lão cũng góp phần với 60ha vải duy trì từ nhiều năm nay. Tuy diện tích không lớn song nó cũng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây từ bao đời trước và giờ đây nó là đặc sản vùng miền của người dân xã Bát Trang.
Tuy nhiên, quả vải có nhược điểm là thời gian thu hoạch ngắn lại không để được lâu do dễ bị thối hỏng, thường xuyên bị nứt vỏ quả nên mẫu mã rất xấu và dễ bị nâu hóa sau thu hoạch 24- 36 giờ dẫn đến quả vải bị giảm giá trị thương phẩm và cạnh tranh. Sản phẩm có tính thời vụ, chín ồ ạt nên giá thành rẻ khó tiêu thụ, hay bị tư thương ép giá. Mặc dù đã có một số biện pháp cải thiện chất lượng, đưa vào sấy khô, chế biến nước quả ép nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Để có thể giải quyết phần nào những thực tế tồn đọng trên, cán bộ Trạm Khuyến nông An Lão kết hợp với Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xây dựng mô hình: “Ứng dụng đồng bộ công nghệ xử lý cận và sau thu hoạch đối với quả vải thiều Bát Trang”, với qui mô thử nghiệm 0.5ha/2 hộ. Tiến bộ kỹ thuật mới ứng dụng vào mô hình đó là sử dụng phân bón lá Multipholate và chất điều hòa sinh trưởng Retain(AVG). Multipholate là dòng phâm bón lá cung cấp các chất dinh dưỡng đa vi lượng cần thiết cho cây trồng, giúp tăng khả năng sinh trưởng và sức đề kháng, tiền đề dẫn tới kết quả tăng năng suất và phẩm chất nông sản. AVG là chất điều hòa sinh trưởng có tác dụng ức chế hoạt động của enzym ACCsynthetaza, giữ vai trò quan trọng trong việc xúc tác quá trình hình thành ethylen, làm chậm quá trình chín và tăng cường độ chắc cho trái, do đó tăng khả năng chống chịu sự va đập của rau quả trong quá trình vận chuyển.
AVG là sản phẩm được chiết xuất từ thực vật bằng phương pháp lên men đậu nành nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và có tên thương mại là Retain.
Mô hình thực hiện từ tháng 2/2022 đến tháng 6/2022. Mô hình được cán bộ Trạm Khuyến nông hướng dẫn cho hộ nông dân phun Multipholate nồng độ 2,0 g/l (phun hai lần vào thời điểm sau đậu quả 30-35 ngày và 40-45 ngày) và Retain (AVG) nồng độ 0,83 g/l (phun 1 lần vào thời điểm sau đậu quả 65-70 ngày).
– Thời điểm thu hoạch thích hợp của quả vải thiều vào khoảng ngày thứ 90-95 sau khi đậu quả.
Gia đình anh Thịnh phấn khởi được mùa
Sau 4 tháng triển khai và thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả rất khả quan. Đó là kéo dài được thời gian chín của quả vải thiều từ 10-15 ngày, khắc phục được tình trạng chín ồ ạt gây khó khăn cho khâu thu hoạch và tiêu thụ. Do thu hoạch chậm lại nên bán được giá 25.000đ/kg cao hơn so với thời kì cao điểm chỉ bán được với giá 15.000đ/1kg. Ông Phạm Văn Thịnh chủ hộ tham gia mô hình phấn khởi phát biểu: “Nhà tôi có có 4 cây vải thiều trong mô hình, cây nào cây nấy sai trĩu quả, quả to đều, mã quả sáng, đẹp, mọng nước, ăn rất ngọt. Trung bình mỗi cây cho 100kg quả, với giá bán 25.000đ/kg đã thu về 40 triệu đồng. Trừ các chi phí cũng thu lãi 30 triệu đồng cao gấp đôi so với những hộ ngoài mô hình”.
Qua kết quả khả quan ban đầu từ mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ xử lý cận và sau thu hoạch đối với quả vải thiều tại xã Bát Trang đã khẳng định việc áp dụng biện pháp kỹ thuật giúp tăng năng suất, chất lượng quả vải, góp phần tăng hiệu quả kinh tế , cải thiện đời sống cho người sản xuất. Đồng thời làm thay đổi nhận thức, tăng niềm tin vào cây vải thiều của người dân trồng vải tại địa phương, tin tưởng rằng với sự quan tâm của chính quyền, ngành chuyên môn, thời gian tới sẽ có thêm nhiều diện tích vải thiều của người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từng bước khẳng định năng suất, chất lượng quả vải và nâng giá trị vải thiều Bát Trang lên một tầm cao mới.
Ks. Đỗ Thị Nhung – Trạm Khuyến nông An Lão