Hiệu quả kinh doanh (Business Efficiency) là gì?
Hiệu quả kinh doanh (tiếng Anh: Business Efficiency) là một khái niệm mà mọi chủ doanh nghiệp nên hiểu và theo dõi. Nó có thể được đo lường bằng nhiều cách khác nhau, như tính tỉ suất lợi nhuận, tỉ lệ hoàn vốn đầu tư và doanh thu trên mỗi nhân viên.
Hình minh họa. Nguồn: rickhoff
Hiệu quả kinh doanh (Business Efficiency)
Hiệu quả kinh doanh – danh từ, trong tiếng Anh gọi là Business Efficiency.
Hiệu quả kinh doanh là phạm trù phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu kinh doanh xác định. Chỉ các doanh nghiệp kinh doanh mới nhằm vào mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và vì thế mới cần đánh giá hiệu quả kinh doanh. (Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)
Trong kinh doanh, hiệu quả liên quan đến việc sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ bằng cách sử dụng số lượng hoặc tài nguyên nhỏ nhất, như vốn, lực lượng lao động, tiêu thụ năng lượng,…
Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có thể tạo ra các sản phẩm, cung cấp dịch vụ và hoàn thành các mục tiêu chung của họ với nỗ lực tối thiểu chi phí.
Tiếp đó, sản lượng cuối cùng của một doanh nghiệp là tạo ra doanh thu, nên hiệu quả kinh doanh đề cập đến số tiền (doanh thu hoặc lợi nhuận) mà doanh nghiệp có thể tạo ra với một nguồn lực đầu vào nhất định.
Vì tài nguyên là hữu hạn và tốn kém, mục tiêu cuối cùng của chủ doanh nghiệp là xây dựng công ty hiệu quả và tạo doanh thu tối đa từ những đầu vào mà họ có.
Để đạt được điều đó, doanh nghiệp phải phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho nghiên cứu và phát triển, tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp, chi nhiều hơn cho tiếp thị và bán hàng hoặc tăng tỉ suất lợi nhuận.
Mặt khác, một doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả sẽ sử dụng tài nguyên một cách lãng phí, do đó hạn chế khả năng phát triển và có nguy cơ bị đánh bại bởi các đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn.
Vì doanh nghiệp là một hệ thống rất phức tạp, việc tăng hiệu quả của nó phụ thuộc vào cả việc tăng hiệu quả của các mô hình con khác nhau (ví dụ: marketing, dịch vụ chăm sóc khách hàng,…) và sự tương tác giữa chúng (ví dụ: kết hợp giữa marketing và bán hàng).
Ví dụ về đo lường hiệu quả kinh doanh
Giả sử hai công ty A và B (trong cùng một ngành) có các đặc điểm sau:
Công ty ACông ty BDoanh thu (đô la)17.000.0006.000.000Lợi nhuận (đô la)1.200.000-700.000Nhân viên (người)120100
Công ty A tạo ra 17 triệu đô la doanh thu hàng năm với tổng cộng 120 nhân viên, với con số doanh thu trên mỗi nhân viên vào khoảng 142.000 đô la.
Mặt khác, công ty B tạo ra 6 triệu đô la doanh thu hàng năm với 100 nhân viên, chia ra doanh thu 60.000 đô la cho mỗi nhân viên.
Như vậy có thể thấy, công ty A hiệu quả hơn gấp 2,5 lần và đạt được mức lợi nhuận khoảng 7% trong khi công ty cạnh tranh là công ty B báo lỗ 700.000 đô la.
Ngoài ra, giả sử mức lương trung bình hàng năm là 45.000 đô la và một nhân viên có thể có mức lương bằng 1,3 mức lương cơ bản, như vậy có chi phí hàng năm là 58,5 nghìn đô la cho mỗi nhân viên.
Điều này có nghĩa là lợi nhuận của công ty B chỉ vừa đủ để trang trải tiền lương và cần phải đánh giá nghiêm túc lại mô hình kinh doanh của mình và có thể thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp.
Nguyên nhân dẫn đến kinh doanh không hiệu quả
Vậy, làm thế nào lại có sự khác biệt lớn như vậy xảy ra và nguyên nhân của việc kinh doanh không hiệu quả là gì? Dưới đây là những nguyên nhân có thể xảy ra khiến công ty B gặp thất bại:
– Thiếu các qui trình và thủ tục nội bộ cần thiết để hợp lí hóa hoạt động.
– Thất bại trong việc đầu tư vào công nghệ và thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết.
– Văn hóa của công ty chưa thực sự tốt và do đó vô tình đào thải những người có năng lực.
– Không cung cấp sự đào tạo cần thiết cho các nhân viên của mình, những người hiện đang tụt hậu so với đối thủ về kiến thức kĩ thuật.
Kết luận
Hiệu quả kinh doanh là một khái niệm mà mọi chủ doanh nghiệp nên hiểu và theo dõi. Nó có thể được đo lường bằng nhiều cách khác nhau, như tính tỉ suất lợi nhuận, tỉ lệ hoàn vốn đầu tư và doanh thu trên mỗi nhân viên.
Cải thiện hiệu quả kinh doanh là một cuộc đua dài hạn và tất cả phải đi vào chi tiết. Bằng cách cải thiện doanh nghiệp của bạn chỉ một chút mỗi ngày, cuối cùng bạn sẽ xây dựng được một cỗ máy được bôi dầu trơn tru, tạo ra doanh thu mà chỉ cần một lượng tài nguyên nhỏ nhất. (Theo wealthtriumph, What is Business Efficiency and Why it is a Matter of Life and Death for your Company)
Hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh doanh
Để tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần tiến hành song song nhiều hoạt động khác nhau:
– Có những hoạt động đảm bảo sự phát triển bình thường trước mắt, đó là các hoạt động tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Chỉ trên cơ sở tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ và tiêu thụ được các sản phẩm hoặc dịch vụ tạo ra doanh nghiệp mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ với nguồn lực sử dụng càng thấp bao nhiêu, doanh nghiệp càng có cơ hội phát triển bấy nhiêu.
– Có những hoạt động đầu tư cho tương lai. Chỉ trên cơ sở đầu tư có hiệu quả, doanh nghiệp mới có tương lai phát triển lâu dài.
Cũng chính vì lẽ đó, một doanh nghiệp bất kì bao giờ cũng phải đánh giá cả hai loại hiệu quả là hiệu quả kinh doanh và hiệu quả đầu tư.
Hiệu quả đầu tư là phạm trù phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu đầu tư xác định. Hiệu quả đầu tư gắn liền với từng hoạt động đầu tư rất cụ thể. Chẳng hạn, hiệu quả đầu tư một tài sản dài hạn nào đó như một chiếc cầu, một ngôi nhà, một thiết bị,… nào đó.
Hiệu quả đầu tư xem xét mối quan hệ giữa toàn bộ kết quả mà tài sản dài hạn đó đạt được trong suốt quá trình sử dụng tài sản đó với chi phí kinh doanh phát sinh gắn với việc sử dụng tài sản đó. Như thế, hiệu quả đầu tư gắn với đối tượng là một tài sản đầu tư dài hạn với thời gian tính từ khi đưa vào sử dụng đến khi thanh lí tài sản dài hạn đó.
Cần chú ý rằng, việc đánh giá hiệu quả đầu tư theo quan niệm này không đơn giản vì luôn gắn với toàn bộ quá trình sử dụng tài sản cố định đã đầu tư. Khi xem xét để quyết định đầu tư người ta hay xem xét bằng các chỉ tiêu dạng kế hoạch như xét thời gian thu hồi vốn đầu tư, giá trị thu nhập thuần,…của từng dự án đầu tư.
Hiệu quả kinh doanh là phạm trù phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu kinh doanh xác định. Hiệu quả kinh doanh gắn liền với toàn bộ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kì cụ thể nào đó. Hiệu quả kinh doanh không xét đến kết quả của một mà của nhiều tài sản dài hạn và ngắn hạn thực hiện được nhưng trong một thời kì rất cụ thể (thường là một năm).
Như thế, khi đầu tư và gắn với một hoạt động đầu tư, doanh nghiệp cần đánh giá hiệu quả đầu tư (theo đối tượng đầu tư, không theo thời gian). Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp phải đánh giá hiệu quả kinh doanh theo thời gian. (Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)