Hiệu quả công tác cải cách hành chính ở thị trấn Lâm Thao

img6950-1509931121

Thực hiện cải cách hành chính gắn với công tác “dân vận khéo” nên công trình đường cầu Phong Châu đi Đền Hùng giải tỏa 17 hộ dân và gần 10ha đất nông nghiệp, đất vườn đều được nhân dân đồng thuận bàn giao lại mặt bằng cho công trình thi công đúng tiến độ.

PTĐT- Nhận thức việc cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực.

Điều dễ nhận thấy là, công tác giải quyết thủ tục hành chính của thị trấn đã có nhiều cải cách, đổi mới; quy trình giải quyết các thủ tục được rút gọn, thời gian giải quyết nhanh hơn; các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính được niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch, giảm thời gian và chi phí khiến người dân, tổ chức hài lòng. Từ năm 2016 đến nay, thị trấn đã tiếp trên 70 lượt công dân, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng; trong đó đã giải quyết trực tiếp 62 lượt, chuyển sang giải quyết đơn 11. Cùng với giải quyết những thắc mắc của người dân, bộ phận “một cửa” còn tiếp nhận và trả kết quả trên 6.700 việc của các tổ chức, cá nhân… không để tồn đọng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phát sinh điểm nóng ở cơ sở.

Chủ tịch UBND thị trấn Lâm Thao Nguyễn Thành Đông cho biết: Thị trấn đã chỉ đạo triển khai đồng bộ sáu nội dung của công tác CCHC, trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2017, tổng giá trị sản xuất ước đạt 250 tỷ đồng. 

Mặc dù đất nông nghiệp của thị trấn dần thu hẹp do Nhà nước thu hồi chuyển mục đích sử dụng, ngay từ đầu năm, Ban chấp hành Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ thị trấn đến khu dân cư, tổ khuyến nông, HTX dịch vụ nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn bà con, xã viên thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ; cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo nước tưới, tiêu cho nông nghiệp. Thị trấn cũng đã triển khai các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh; chuyển giao và hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa các giống cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương vào canh tác nên năng suất bình quân đạt 63,4 tạ/ha. Tổng đàn trâu, bò, thỏ, chó, rắn, ngan, ngỗng, lợn trên 30 nghìn con. Cùng với sản xuất nông nghiệp, thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp – xây dựng, dịch vụ  chiếm 90% tổng giá trị của toàn thị trấn. Các ngành dịch vụ phát triển ổn định và duy trì ở mức tăng cao; trong đó toàn thị trấn có 758 cơ sở sản xuất cá thể kinh doanh ăn uống, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, dịch vụ vận tải, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong thị trấn còn  2,84%; 96% gia đình đạt gia đình văn hóa.

CCHC đã được Đảng bộ, chính quyền thị trấn vận dụng linh hoạt vào các công việc chuyên môn nhằm đến mục tiêu đem lại lợi ích cho dân. Các kế hoạch, chủ trương của thị trấn đều công khai cho dân biết, dân bàn, dân làm và dân đồng thuận như công tác giải phóng mặt bằng các công trình: Cải tạo nâng cấp 800m tuyến đê thị trấn, tuyến dốc đình Phiêu đi khu Lâm Nghĩa và Huyện đội dài 2km, đường cầu Phong Châu đi Đền Hùng giải tỏa 17 hộ dân và gần 10ha đất nông nghiệp, đất vườn, nhà ở của dân đều được nhân dân đồng thuận bàn giao lại mặt bằng cho công trình thi công hoàn thành đúng tiến độ.

Kinh nghiệm hay, cách làm linh hoạt của địa phương khi triển khai CCHC là khởi nguồn từ việc triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện công tác “Dân vận khéo”. Qua đó góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, công tác điều hành, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, mang lại không khí dân chủ, cởi mở, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; tạo động lực mới góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã góp phần giải quyết những bức xúc trong dân, mọi thắc mắc của dân dần được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, qua hội nghị đối thoại, mức độ hài lòng của nhân dân với cấp ủy, chính quyền cao, củng cố thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, tạo nền tảng cho việc thực hiện CCHC ngày càng đồng bộ, thuận lợi cho dân…                                                                                                                              Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử