Hiểu những quy tắc chính tả và cách dùng dấu câu trong tiếng Việt
Bạn có biết rằng dù là người Việt thì bạn vẫn đang dùng sai các quy tắc chính tả và cách dùng dấu câu không? Hôm nay Monkey sẽ hướng dẫn các bạn áp dụng những quy tắc này một cách chi tiết nhất.
10 triệu++ trẻ em tại 108 nước đã giỏi tiếng Anh như người bản xứ & phát triển ngôn ngữ vượt bậc qua các app của Monkey
Có một sự thật đau lòng rằng dù cho bạn có thành thạo tiếng việt trong nói và viết thì chưa chắc bạn đã biết đến những quy tắc chính tả và cách dùng dấu câu sao cho chuẩn nhất. Việc viết đúng và chuẩn là cực kỳ quan trọng trong các văn bản hành chính, báo cáo nghiên cứu,… Những quy tắc này sẽ là thước đo xem thử “tay nghề” của những người làm các công việc gắn liền với con chữ đang ở đâu.
Đối với các bé nhỏ mới tập học chữ, việc dạy bé ngay từ đầu quy tắc chính tả và cách dùng dấu câu chuẩn sẽ giúp bé hình thành thói quen viết đúng, viết tốt. Dưới đây là những quy tắc mà Monkey tổng hợp được, mời bạn tham khảo.
Mục Lục
Quy tắc chính tả
Quy tắc chính tả sẽ bao gồm các quy tắc về cách viết hoa, không viết hoa và cách viết tắt sao cho đúng.
1. Quy tắc viết hoa
-
Ta sẽ viết hoa những danh từ riêng (như tên họ, địa điểm,…): Hà Nội, nhà thơ Xuân Diệu.
-
Chữ đầu của các tổ chức, cơ quan cấp cao nhất của Đảng đều được viết hoa: Đảng, Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, khi những từ này giữ vai trò tính từ thì sẽ không được viết hóa, ví dụ: điều lệ đảng, thẻ đảng, chuyên trách quốc hội, thành viên chính phủ.
-
Các từ, cụm từ chỉ chức vụ, chức danh sẽ được viết hoa chữ đầu nếu đi kèm với danh từ riêng, ví dụ: Tổng bí thư Trần Phú, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,…
-
Với các từ chỉ tính chất đặc trưng của cơ quan, đơn vị thì viết hoa chữ đầu của từ thứ nhất và chữ đầu của từ tiếp theo, ví dụ: Ban Tổ chức chính quyền, Đoàn Thanh niên cộng sản, Bộ Giáo dục.
-
Với tên cơ quan, đơn vị thì ta sẽ viết hoa chữ đầu của từng thành phần hợp lại, ví dụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
-
Ngoài ra, ta cũng cần viết hoa các chữ của tên năm âm lịch như Canh Dần, Tân Tỵ. Các ngày tết phải được viết hoa chữ đầu tên như tết Trung thu, tết Nguyên đán. Chữ đầu tên các bộ luật, luật cũng được viết hoa như luật Nghĩa vụ quân sự, bộ luật Lao động. Viết hoa chữ đầu và tên thương hiệu của doanh nghiệp như Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Đại Phát.
2. Quy tắc không viết hoa
-
Không viết hoa danh từ chung chỉ địa điểm, nơi chốn như xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố. Ví dụ: thôn Hiệp Hòa, xã Phú Nhuận, huyện Ninh Phước, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm
-
Những từ chỉ ngành nghề, cấp độ khi đứng sau một danh từ khác đều sẽ không được viết hoa: ngành hải quan, bộ đội biên phòng, lực lượng cảnh sát nhân dân,…
-
Không viết hoa những từ chỉ mùa, vụ, ví dụ: lúa xuân, khoai vụ đông, vụ hè thu
-
Không viết hoa những từ chỉ phương hướng, ví dụ: đông, tây, nam, bắc, đông nam. Nếu các từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ khác chỉ địa danh thì viết hoa, ví dụ: Đông Nam bộ, Tây nguyên,…
-
Không viết hoa những từ chỉ cấp bậc, học vị, chức danh: tiến sĩ, thạc sĩ, tú tài, cử nhân, bác sĩ, kỹ sư,… Ví dụ: bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, thượng sĩ Phan Lê Sơn,…
-
Không viết những từ chỉ đoàn thể, tổ chức xã hội khi kết hợp với từ khác thành từ ghép như Huyện đoàn Quảng Trạch, đoàn viên, hội viên, chi đoàn,…
-
Không viết hoa những từ có gốc tiếng nước ngoài như vitamin, internet, fax, karaoke, web,…
3. Quy tắc viết tắt
-
Viết tắt những tên riêng nếu chỉ có một nhất thể. Ví dụ: T.Ư Đảng, T.Ư Đoàn
-
Viết tắt những từ được dùng nhiều lần trong một hoặc bài sau khi đã có một lần viết đầy đủ. Ví dụ: Công ty liên doanh Hưng Lâm Phát (HLP).
-
Viết tắt những từ chỉ đơn vị đo lường, tiền tệ, thời gian: m (mét), m2 (mét vuông), ha (héc ta), kWh (ki lô wat/giờ), đ (đồng), USD (đô la Mỹ),…
-
Viết tắt những chỉ nơi chốn có tần suất sử dụng cao: quận (Q), huyện (H), thành phố (TP), sau chữ viết tắt phải dùng dấu chấm. Ví dụ: Q. Tân Bình, H. Từ Liêm, TP. Thanh Hóa.
Xem thêm: Cẩm nang dạy trẻ viết chính tả lớp 4 chuẩn mà chữ đẹp: Lưu về và áp dụng ngay
Cách dùng dấu câu
Trong văn bản hành chính, bài tập trên lớp, trong các văn bản được xuất bản cho nhiều người đọc… thì dùng đúng dấu câu là điều vô cũng quan trọng. Nếu thiếu dấu câu, một số trường hợp sẽ dễ gây ra hiểu lầm cho người đọc. Học cách dùng dấu câu đúng sẽ giúp cho văn bản được “mượt mà” hơn và sẽ tránh khỏi những hiểu lầm không đáng có.
Cách sử dụng dấu chấm [.]: dấu chấm dùng ở cuối câu tường thuật, câu miêu tả. Ví dụ: Hôm nay tôi đi học. Trường học cách nhà tôi khoảng 10km.
Cách sử dụng dấu phẩy [,]: dấu phẩy được dùng với nhiều chức năng như ngắt các vế trong câu ghép, chú thích, khởi ý,… Ví dụ: Tôi được 10 điểm, bạn tôi thì được 8 điểm
Cách sử dụng dấu chấm hỏi [?]: dấu chấm hỏi có công dụng là kết thúc một câu hỏi, nghi vấn. Ví dụ: Họ tên của bạn là gì?
Cách sử dụng dấu chấm than [!]: dấu chấm than dùng khi kết thúc câu cầu khiến hoặc câu cảm thán (để tỏ thái độ ngạc nhiên, châm biếm)
Cách sử dụng dấu chấm phẩy [;]: cách dùng phổ biến là để phân biệt các vế của câu ghép phức tạp. Ngoài ra, sử dụng dấu chấm phẩy còn để phân biệt trong trường hợp liệt kê phức tạp.
Cách sử dụng dấu chấm lửng […]: thường được sử dụng với các chức năng liệt kê, diễn tả cảm xúc ngập ngừng
Cách sử dụng dấu hai chấm [:]: thường dùng để liệt kê, để thông báo sắp có thông tin được trích dẫn hoặc được dùng trước lời thuật lại trực tiếp hoặc gián tiếp.
Cách sử dụng dấu gạch ngang [-]: thường dùng để làm ranh giới giữa phần chú thích và phần còn lại của câu, đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật
Cách sử dụng dấu ngoặc đơn ( ): thường được sử dụng với chức năng để chú thích
Cách sử dụng dấu ngoặc kép “ “: thường được dùng để trích dẫn nguyên văn, ranh giới với lời nói được thuật lại trực tiếp
Như vậy, Monkey đã liệt kê những quy tắc chính tả và cách dùng dấu câu chuẩn. Những quy tắc trên là phổ biến và đúng trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm những cách dùng đặc biệt. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, đón chờ nhiều bài chia sẻ hay về giáo dục của Monkey nhé!