Hiệu lực hồi tố là gì ? Áp dụng hồi tố giải quyết vụ án khi nào?

Thưa luật sư, Luật sư có thể giải đáp cho tôi về hiệu lực hồi tố là gì? Hiệu lực hồi tố được áp dụng như thế nào và trong những trường hợp nào thì sử dụng hồi tố để giải quyết vụ án dân sự hoặc hình sự ? Cám ơn luật sư.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

 

1. Cơ sở pháp lý về hồi tố:

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

– Nghị quyết 103/2015/QH13 thi hành Bộ luật tố tụng dân sự.

 

2. Hiệu lực hồi tố là gì ?

Như chúng ta đã biết những nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật là:

– Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.

– Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

– Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

Theo đó, một khi văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì nó sẽ không được vận dụng để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nó vốn điều chỉnh trong quá khứ nữa. Những hành vi, những mối quan hệ xã hội diễn ra trong thời gian nào, thì sẽ áp dụng những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đang có hiệu lực để điều chỉnh.

Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định như cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân thì dù các hành động đã diễn ra trong quá khứ trước khi có pháp luật điều chỉnh thì vẫn có thể áp dụng pháp luật hiện hành. Việc áp dụng này được gọi là Hồi tố.

Như vậy, hiệu lực Hồi tố được hiểu là hiệu lực trở về trước của một hoặc nhiều quy phạm pháp luật hình sự. Đối với hành vi được pháp luật hình sự quy định. Là tội phạm so với quy phạm pháp luật hình sự tại thời điểm có hiệu lực thi hành.

Thực ra, hồi tố là một dạng hiệu lực pháp luật của văn bản quy phạm pháp luật. Nó được coi là tính bắt buộc thi hành của văn bản trong một giai đoạn nhất định. Trên một không gian nhất định và với những chủ thể pháp luật nhất định.

 

3. Khi nào thì được áp dụng hiệu lực hồi tố trong giải quyết vụ án ?

Theo Khoản 1 Điều 152 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định như sau:

Điều 152. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.

Như vậy theo quy định trên thì Hồi tố chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương.

 

3.1 Quy định về hiệu lực hồi tố trong Tố tụng dân sự:

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định rõ hiệu lực hồi tố tại Nghị quyết 103/2015/QH13. Cụ thể như sau:

– Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết

– Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.

– Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.

– Đối với những vụ việc hôn nhân và gia đình đã được Tòa án thụ lý giải quyết trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết.

– Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

– Khi giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, Tòa án tiếp tục áp dụng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án, chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì áp dụng mức án phí thấp hơn so với mức án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường.

 

3.2 Quy định về hiệu lực hồi tố trong Tố tụng hình sự:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

Từ các quy định trên có thể thấy, pháp luật pháp luật hình sự Việt Nam mang tính nhân văn, nhân đạo, luôn điều chỉnh theo hướng có lợi cho người phạm tội.

Ví dụ:

1. Bãi bỏ tội Tảo hôn:

Một phần của điều 148 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: Người nào cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái luật với người chưa tới tuổi kết hôn dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó… đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Từ ngày 1/1/2018, người có hành vi tảo hôn sẽ không bị xử lý. Luật mới chỉ quy trách nhiệm hình sự với người có hành vi tổ chức tảo hôn bằng việc quy định tội Tổ chức tảo hôn tại điều 183. Theo đó, người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2. Bãi bỏ tội kinh doanh trái phép:

Điều 159 Bộ luật Hình sự 1999 quy định hành vi cấu thành tội này là kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép.

Bộ luật Hình sự 2015 bãi bỏ tội danh này.

 

4. Không được áp dụng hiệu lực hồi tố khi nào ?

Tại khoản 2,3 điều 152 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định:

2. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:

a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;

b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

3. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.

Như vậy, không quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:

– Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;

– Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

– Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.

Ngoài ra, trong pháp luật hình sự hiện hành, không quy định hiệu lực hồi tố đối với điều luật mới không có lợi cho người phạm tội. Riêng đối với điều luật mới có lợi cho người phạm tội thì áp dụng hiệu lực hồi tố. Cụ thể tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự quy định như sau:

Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

Như vậy, với trường hợp Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng hiệu lực hồi tố mà vẫn xử lý theo pháp luật có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.