Hiểu đúng về quy định: Tiếng Hàn là môn học “bắt buộc” từ lớp 3 đến lớp 12
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký quyết định 712/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức – Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/2/2021.
Ở phần đặc điểm môn học, quyết định nêu: Môn Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.
Vì chưa nắm rõ các quy định, nên hiện nhiều người có cách hiểu chưa đúng với nội dung của quyết định 712/QĐ-BGDĐT. Trong đó, không ít ý kiến thắc mắc tại sao không đưa môn tiếng Nga, tiếng Trung, hay các ngoại ngữ khác là môn học bắt buộc mà lại là tiếng Hàn?
Về điều này, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay, đây là quyết định về việc thí điểm tiếng Hàn trở thành một trong những Ngoại ngữ 1. Còn chương trình Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 thì đã được Bộ GD-ĐT ban hành trước đây.
Văn bản mới đây của Bộ GD-ĐT có nêu đặc điểm môn học: Tiếng Hàn và tiếng Đức được xem xét trở thành môn học bắt buộc
Cần phải hiểu, “Ngoại ngữ 1” là ngoại ngữ bắt buộc. Sau khi ban hành quyết định 712, với việc ban hành thêm 2 thứ tiếng (tiếng Hàn và Đức), hiện Ngoại ngữ 1 sẽ có 7 thứ tiếng gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức. Các trường sẽ bắt buộc chọn dạy 1 trong 7 thứ tiếng trên.
Còn “Ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Tức là: Học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào thuộc nhóm Ngoại ngữ 1 mà không cần cứng nhắc bắt buộc phải học Tiếng Hàn.
Căn cứ vào Ngoại ngữ 1, học sinh có thể chọn 1 trong 7 ngoại ngữ nói trên là Ngoại ngữ 2. Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là Ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Hàn hoặc tiếng Đức như Ngoại ngữ 2.
Cũng theo ông Thành, việc thí điểm ít nhất cũng phải diễn ra trong vài năm để xem xét, đánh giá tính khả thi, chất lượng của việc dạy học và đào tạo. Sau quá trình thí điểm, nếu việc đưa vào trở thành chính thức bằng việc ban hành thông tư, khi đó tiếng Hàn và tiếng Đức sẽ trở nên “bình đẳng” như tiếng Anh – tiếng Pháp – tiếng Trung Quốc ở chương trình phổ thông.
Tổng hợp