Hiểu biết thêm về sản xuất thực phẩm hữu cơ
– Những năm gần đây, chất lượng thực phẩm ngày càng giảm sút khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn nguồn thực phẩm đầy đủ dưỡng chất mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Với ưu điểm nổi bật là độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thực phẩm hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng tất yếu của người tiêu dùng thông minh.
Thực phẩm hữu cơ là những sản phẩm chỉ được phép sử dụng nguyên liệu đầu vào là hữu cơ hoặc có nguồn gốc hữu cơ, an toàn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường. Thực phẩm hữu cơ được phân ra hai loại là thực phẩm động vật hữu cơ và thực vật hữu cơ.
Động vật hữu cơ là động vật được nuôi ở nơi riêng biệt, thức ăn nước uống không có hóa chất, như thuốc trừ sâu bọ trên đồng cỏ, hóa chất bón cỏ; không được nuôi lớn vật nuôi bằng kích thích tăng trưởng nhân tạo, các loại kích thích khác và không được nuôi bằng các bộ phận của động vật khác.
Còn Thực phẩm hữu cơ thực vật là các loại rau, củ, quả được tưới bón bằng phân thiên nhiên, diệt trừ sâu bọ bằng cách tự nhiên như sử dụng sâu bọ, chim hoặc con người tự bắt, tuyệt đối không dùng hóa chất. Đây là sản phẩm đáp ứng được mong mỏi của người dân, vừa có chất lượng tốt, đảm bảo được VSATTP, môi trường…
Định danh thực phẩm hữu cơ
Thực phẩm hữu cơ (organic food) còn được gọi là tự nhiên (natural food) hay lành mạnh (healthy food) là những thực phẩm có được từ “nông nghiệp hữu cơ” (organic farming).
Nông nghiệp hữu cơ theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) định nghĩa là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không xử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, diệt cỏ; nông nghiệp hữu cơ giúp giữ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho con người và vật nuôi.
Với nguồn gốc, quy trình sản xuất như thế thực phẩm hữu cơ rõ ràng là rất vệ sinh, an toàn và thân thiện môi trường hơn nhiều so với thực phẩm thông dụng của chúng ta từ trước tới nay vốn là những thực phẩm hóa học (chemical foods) vì sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình sản xuất, bảo quản và chế biến.
Những khác biệt giữa canh tác thường và canh tác hữu cơ
CANH TÁC THÔNG THƯỜNG
CANH TÁC HỮU CƠ
Dùng phân bón hóa học
Dùng phân bón tự nhiên
Dùng thuốc bảo vệ thực vật
Dùng thiên địch như chim, côn trùng..
Dùng thuốc diệt cỏ để quản lý hạt
Sàng, quạt, lựa bằng tay….hạt giống
Cho động vật dùng thuốc kháng sinh, hóc môn tăng trưởng, cho thuốc hóa chất khi cần chữa bệnh..
Nuôi trồng bằng thực phẩm hữu cơ, nuôi “ngoài vườn” phòng bệnh bằng phương tiện tự nhiên…
Hiện nay, thực phẩm hữu cơ được xếp thành 4 lớp tùy theo số % lượng chất hữu cơ chứa trong đó:
(1) “100% organic” không thêm tí chất nào khác,
(2) “Organic” có trên 95% hữu cơ,
(3) “Made with organic ingredients” có ít nhất 70% hữu cơ và
(4) “ Some organic ingredients” có dưới 70% hữu cơ
Việc quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Do việc phân công, phân cấp nhiệm vụ chưa rõ ràng, rành mạch, chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản xuất và kinh doanh chưa đồng bộ, vì thế việc kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, quy trình cho cà chua, rau ăn lá, củ, cá, trâu, bò… phải khác nhau chứ không thể đồng nhất được.
Hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với sản phẩm hữu cơ chưa thực sự thỏa đáng, do đó các chính sách để hỗ trợ phát triển Thực phẩm hữu cơ dường như chưa có mà mới chỉ hỗ trợ cho mô hình VietGAP, rau an toàn… Nhưng số laượng này còn khá khiêm tốn. Hiện chúng tôi chưa thống kê cụ thể số lượng các trang trại và sản lượng Thực phẩm hữu cơ, song theo ước đoán, số lượng này vẫn khá ít.