Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) quy định gì?
TTO – * Hiệp định chung về thương mại dịch vụ trong WTO quy định những gì? Có thể dẫn lược sơ bộ các quy định đó? ( kid_nhatlinh@yahoo …)
– Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) là tập hợp đầu tiên và duy nhất những quy định đa biên điều chỉnh thương mại dịch vụ thế giới. Được đàm phán trong vòng Uruguay, hiệp định được soạn thảo trong bối cảnh ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng nhanh chóng trong vòng 30 năm qua và đang có thêm nhiều tiềm năng phát triển nhờ cuộc cách mạng thông tin.
Dịch vụ là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới; chúng chiếm 60% sản xuất trên toàn thế giới, tạo ra 30% việc làm và chiếm gần 20% thương mại.
Khi ý tưởng đưa các quy định về dịch vụ vào hệ thống thương mại đa biên được nêu ra vào đầu và giữa những năm 80, một số nước đã tỏ ra nghi ngại, thậm chí còn phản đối. Họ cho rằng một hiệp định như vậy có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng các chính phủ theo đuổi những mục tiêu chính sách quốc gia và hạn chế khả năng điều tiết của chính phủ. Tuy vậy, hiệp định đã được soạn thảo một cách hết sức mềm dẻo, cả về mặt quy định chung lẫn những cam kết cụ thể về tiếp cận thị trường.
Giải thích hiệp định GATS
Hiệp định chung về thương mại dịch vụ bao gồm ba phần: văn bản chính của hiệp định nêu ra những nghĩa vụ và quy định chung, phần phụ lục bao gồm các quy định được áp dụng cho các lĩnh vực khác nhau và các cam kết cụ thể của các nước nhằm đảm bảo mở cửa thị trường nội địa, kể cả những chỉ dẫn đối với trường hợp các nước tạm thời từ bỏ nguyên tắc không phân biệt đối xử, nền tảng của điều khoản tối huệ quốc.
Các nghĩa vụ và quy định chung
Hiệp định điều chỉnh thương mại tất cả các loại dịch vụ. GATS được áp dụng cho tất cả các loại dịch vụ được trao đổi trên thế giới, chẳng hạn như các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, du lịch, các dịch vụ chuyên nghiệp… Hiệp định cũng định nghĩa 4 phương thức trao đổi dịch vụ:
– Một nước cung ứng dịch vụ cho một nước khác (chẳng hạn các cuộc gọi quốc tế), được gọi tên chính thức là “cung ứng dịch vụ qua biên giới” (hay “phương thức 1” theo ngôn từ của WTO)
– Người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tại một nước khác (ví dụ như du lịch), được gọi tên chính thức là “tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài” (“phương thức 2”)
– Doanh nghiệp nước ngoài lập chi nhánh hoặc công ty con tại một nước nhằm cung ứng dịch vụ tại nước đó (chẳng hạn các giao dịch của ngân hàng nước ngoài tại một nước), được gọi tên chính thức là “hiện diện thương mại” (“phương thức 3”)
– Các cá nhân rời khỏi một nước để sang cung ứng dịch vụ tại một nước khác (ví dụ như hoạt động của người mẫu thời trang hoặc nhà tư vấn), được gọi tên chính thức là “hiện diện của tự nhiên nhân” (“phương thức 4”)
Đối xử tối huệ quốc (MFN): Ưu đãi nào đã được dành cho một nước thì phải được dành cho tất cả các nước khác. Nguyên tắc MFN có nghĩa là tất cả các đối tác thương mại được đối xử công bằng, theo đúng nguyên tắc không phân biệt đối xử.
Trong khuôn khổ của GATS, nếu một nước mở cửa một lĩnh vực cho cạnh tranh nước ngoài thì nước đó sẽ phải dành cơ hội đồng đều cho các nhà cung ứng dịch vụ của tất cả các nước thành viên WTO. (Nguyên tắc này được áp dụng ngay cả khi một nước không đưa ra cam kết cụ thể nào về mở cửa thị trường của mình cho các công ty nước ngoài trong khuôn khổ WTO).
Điều khoản tối huệ quốc được áp dụng cho tất cả các loại dịch vụ, nhưng các nước được phép tạm thời miễn áp dụng điều khoản này đối với một số ngành đặc biệt. Khi GATS có hiệu lực, một số nước đã ký trước đó với các đối tác thương mại những hiệp định ưu đãi về dịch vụ, trong khuôn khổ song phương hoặc giữa một nhóm nước nhất định.
Các thành viên của WTO cho rằng cần duy trì các ưu đãi này trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, các nước tự dành quyền tiếp tục đối xử ưu đãi hơn đối với một số nước nào đó trong một lĩnh vực dịch vụ nhất định bằng cách liệt kê các “ngoại lệ đối với nghĩa vụ MFN” đồng thời với các cam kết ban đầu của mình. Để bảo vệ nguyên tắc tối huệ quốc, các nước đã quyết định ngoại lệ chỉ được chấp nhận một lần duy nhất và không được bổ sung thêm. Hiện nay các ngoại lệ đang được xem xét lại như đã quy định và về nguyên tắc thời hạn của chúng là 10 năm.
Các cam kết mở cửa thị trường và đãi ngộ quốc gia: Cam kết của các nước về mở cửa thị trường nội địa – và mức độ mở cửa – trong các lĩnh vực cụ thể chính là kết quả của các cuộc đàm phán. Các cam kết này được liệt kê lại trong các “danh mục” các ngành sẽ được mở cửa, mức độ mở cửa đối với mỗi ngành (những hạn chế đối với sự tham gia của đối tác nước ngoài được nêu rõ nếu cần) và các hạn chế có thể có đối với nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (tức khi một số ưu đãi được dành cho các công ty trong nước nhưng không dành cho các công ty nước ngoài).
Ví dụ: nếu cho phép các ngân hàng nước ngoài hoạt động trên thị trường nội địa, chính phủ một nước nào đó đã đưa ra cam kết về mở cửa thị trường. Nếu chính phủ đó hạn chế số lượng giấy phép được cấp thì đó chính là hạn chế mở cửa thị trường. Cuối cùng, nếu chính phủ đó tuyên bố các ngân hàng nước ngoài chỉ có thể lập một chi nhánh duy nhất trong khi các ngân hàng trong nước lại có thể lập nhiều chi nhánh thì đó được coi là một ngoại lệ của nguyên tắc đãi ngộ quốc gia.
Những cam kết này được qui định rõ ràng và được “ràng buộc”: cũng giống như các mức thuế quan “trần” trong thương mại hàng hoá, các cam kết trong thương mại dịch vụ chỉ có thể được thay đổi sau khi đã thương lượng với các nước liên quan. Do rất khó bị phá vỡ, các cam kết này chính là sự đảm bảo đối với điều kiện hoạt động của các nhà xuất khẩu nước ngoài, các nhà nhập khẩu trong nước cũng như các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Các dịch vụ công được loại khỏi hiệp định và không có qui định nào của GATS buộc các cơ quan công quyền phải tư nhân hoá các ngành công nghiệp dịch vụ. Trên thực tế, thuật ngữ “tư nhân hoá” thậm chí cũng không tồn tại trong văn bản của GATS. GATS cũng không cấm độc quyền của nhà nước và độc quyền của tư nhân.
Ngoại lệ này tạo thành một cam kết rõ ràng từ phía các chính phủ thành viên WTO cho phép dùng quỹ công tài trợ cho các dịnh vụ trong những lĩnh vực cơ bản thuộc trách nhiệm của các chính phủ. Trong hiệp định, các dịch vụ công được định nghĩa là các dịch vụ được cung ứng không mang tính thương mại hay cạnh tranh với các nhà cung ứng dịch vụ khác. Các dịch vụ này không chịu sự điều chỉnh của GATS, chúng không được đưa ra đàm phán, và các cam kết về mở cửa thị trường và đãi ngộ quốc gia (tức đối xử như nhau đối với các công ty trong và ngoài nước) không được áp dụng cho các loại dịch vụ này.
Theo cách tiếp cận của GATS đối với các cam kết, các nước thành viên không bị buộc phải đưa ra cam kết về tất cả các ngành dịch vụ. Một chính phủ có thể không muốn cam kết về mức độ cạnh tranh nước ngoài trong một ngành nhất định, bởi họ cho rằng đó là một chức năng cơ bản của chính phủ hoặc vì bất cứ lý do gì khác. Trong trường hợp này, các chính phủ chỉ tuân thủ những nghĩa vụ tối thiểu như đảm bảo sự minh bạch trong cách thức điều tiết ngành dịch vụ này và không được phân biệt đối xử giữa các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài với nhau.
Tính minh bạch: Theo GATS, các chính phủ phải công bố tất cả các luật, quy định xác đáng và thiết lập các điểm thông tin trong các cơ quan hành chính của mình. Từ các điểm thông tin này, các công ty và chính phủ nước ngoài có thể lấy thông tin liên quan đến các qui định điều chỉnh ngành dịch vụ này hay ngành dịch vụ khác. Các nước thành viên cũng phải thông báo cho WTO tất cả những thay đổi về qui định điều chỉnh các ngành dịch vụ là đối tượng của các cam kết cụ thể.
Các qui định:
Khách quan và hợp lý: Do qui định trong nước chính là công cụ tác động và kiểm soát đối với thương mại dịch vụ, Hiệp định quy định chính phủ các nước phải điều tiết các ngành dịch vụ một cách hợp lý, khách quan và công bằng. Khi đưa ra một quyết định hành chính tác động đến dịch vụ thì chính phủ cũng phải lập cơ chế công minh cho phép xem xét lại quyết định này (như thông qua toà án chẳng hạn).
GATS không buộc các nước phải dỡ bỏ mọi quy định trong bất cứ ngành dịch vụ nào. Các cam kết tự do hoá không làm phương hại đến quyền của các nước được ấn định những chuẩn mực về chất lượng, độ an toàn hay giá cả cũng như quyền được đưa ra các qui định nhằm theo đuổi bất cứ mục tiêu chung nào mà họ cho là phù hợp. Chẳng hạn một cam kết về đối xử quốc gia chỉ có nghĩa là các quy định được áp dụng như nhau cho các nhà cung ứng trong nước và nước ngoài. Đương nhiên là các nước vẫn có quyền đưa ra các quy định về trình độ chuyên môn của các bác sĩ hay luật sư và ấn định các chuẩn mực nhằm đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn cho người tiêu dùng.
Công nhận: Khi hai (hay nhiều) chính phủ ký các hiệp định công nhận hệ thống chất lượng của nhau (chẳng hạn trong việc cấp giấy phép hoặc chứng nhận cho các nhà cung ứng dịch vụ), thì GATS quy định rằng họ phải tạo điều kiện cho các thành viên khác được đàm phán với họ về các thoả thuận tương tự. Việc công nhận hệ thống chất lượng của các nước không được mang tính phân biệt đối xử cũng như mang tính bảo hộ trá hình. Các hiệp định phải được thông báo cho WTO.
Thanh toán và chuyển tiền quốc tế: Một khi đã cam kết mở cửa một ngành dịch vụ cho cạnh tranh nước ngoài thì về nguyên tắc chính phủ không được hạn chế việc chuyển tiền ra nước ngoài dưới danh nghĩa chi trả cho các dịch vụ đã tiêu dùng (“giao dịch vãng lai”) trong ngành này. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ duy nhất được quy định trong hiệp định đó là một nước có thể áp dụng các hạn chế khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán, nhưng ngay cả trong trường hợp này thì các hạn chế chỉ có thể được áp dụng tạm thời và phải tuân thủ những hạn chế và điều kiện khác.
Tự do hoá từng bước: Vòng đàm phán Uruguay chỉ là bước khởi đầu. GATS quy định rằng các nước sẽ tiến hành các vòng đàm phán mới. Các vòng đàm phán này đã được khởi động từ đầu năm 2000 và từ nay chúng nằm trong chương trình đàm phán phát triển Doha. Mục tiêu chính là thúc đẩy hơn nữa tự do hoá bằng cách tăng mức độ cam kết ghi trong các danh mục.
Các phụ lục: Các ngành dịch vụ không giống nhau
Thương mại hàng hoá quốc tế là một khái niệm khá đơn giản: đó là một sản phẩm được vận chuyển từ nước này sang nước khác. Thương mại dịch vụ thì đa dạng hơn. Các công ty điện thoại, ngân hàng, các công ty hàng không và các văn phóng kế toán cung ứng dịch vụ của họ theo các cách rất khác nhau. Các phụ lục của GATS sẽ giúp chúng ta hiểu được đôi chút sự đa dạng này.
Các quy định về di trú đối với tự nhiên nhân: Phụ lục này liên quan đến kết quả đàm phán về quyền của các cá nhân được tạm thời lưu lại một nước để cung ứng một dịch vụ. Phụ lục nêu rõ hiệp định không áp dụng cho những người đang tìm kiếm một việc làm thường xuyên cũng như không được sử dụng như một điều kiện đã được đáp ứng để xin quy chế công dân, lưu trú hoặc một công việc thường xuyên.
Dịch vụ tài chính: Sự bất ổn của hệ thống ngân hàng có thể làm phương hại tới toàn bộ nền kinh tế. Theo phụ lục về dịch vụ tài chính thì các chính phủ có toàn quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn để bảo vệ các nhà đầu tư, người gửi tiền và người mua bảo hiểm, để đảm bảo tính thống nhất và ổn định của hệ thống tài chính. Phụ lục cũng quy định rõ hiệp định không áp dụng đối với các dịch vụ được cung cấp nhằm thực thi quyền lực của chính phủ đối với hệ thống tài chính, ví dụ như các dịch vụ do các ngân hàng trung ương cung cấp.
Viễn thông: Ngành viễn thông đóng một vai trò kép, nó vừa là một ngành hoạt động kinh tế riêng biệt vừa là một thành tố của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động kinh tế khác (chẳng hạn như việc chuyển tiền điện tử). Theo phụ lục này, chính phủ các nước phải đảm bảo cho các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài được sử dụng các mạng viễn thông công cộng mà không phải chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
Các dịch vụ vận tải hàng không: Theo như phụ lục này quy định, các quyền không lưu và các hoạt động đi kèm với chúng không thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS. Chúng được điều chỉnh bởi các hiệp định song phương. Tuy nhiên phụ lục cũng nêu rõ GATS sẽ được áp dụng cho các dịch vụ sửa chữa và bảo trì máy bay, cho việc thương mại hoá các dịch vụ vận tải hàng không và cho các dịch vụ của hệ thống đặt vé qua mạng. Hiện nay các nước thành viên đang xem xét lại phụ lục này.
Trên đây, chúng tôi tổng hợp sơ lược thông tin về GATS, bạn có thể tham khảo và tìm thêm tư liệu tại: www.wto.org, hay www.niciec.gov.vn (Trang web của UBQG về hợp tác kinh tế quốc tế). Thân chúc bạn vui!
Nguồn: www.wto.org, www.niciec.govn, sách Tìm hiểu về WTO, Những trang vàng WTO