Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả?
Bên cạnh những hình thức xử phạt vi phạm hành chính thì người vi phạm còn có thể phải áp dụng thêm những biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính. Vậy theo quy định của pháp luật thì khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không?
1. Các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính là?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu: Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thực hiện.
– Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép: Cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm hành chính sẽ phải dỡ bỏ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyên thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện;
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh: Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện;
– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái nhập nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật. Hay biện pháp khắc phục hậu quả này cũng được áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyên thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
– Buộc tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và mô trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hại: Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu huỷ theo quy định của pháp luật; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thực hiện.
– Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn: Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lãn đã được công bố, đưa tin trên chính phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử đã công bố, đưa tin; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyên thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
– Buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, vật phẩm: Cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá hoặc sử dụng phương tiện kinh doanh, vật phẩm thì phải loại bỏ các yếu tố vi phạm đó; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện;
– Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm chất lượng: Cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá không bả đảm chất lượng đã đăng ký hoặc công bố và hàng hoá khác không bảo đảm chất lượng, điều kiện lưu thông thì phải thu hồi các sản phẩm, hàng hoá vi phạm đang lưu thông trên thị trường; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu hụ, tẩu tán, tiêu huỷ trái quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt; phải nộp lại số tiền bằng với giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện đó đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu huỷ trái quy định của pháp luật; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
– Các biện pháp khắc phục hậu quả khác sẽ do Chính phủ quy định.
2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
Khi áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả thì căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định đến nguyên tắc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu huỷ tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy đinh của pháp luật. Quyết định sẽ phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu huỷ; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau. Biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng độc lập trong trường hợp sau: Thuộc trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính; Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định về vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án mà có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc thuộc những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hay cá nhân vi phạm hành chính chết, bị Toà án tuyên bố mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt.
3. Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020); Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau:
– Trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện hành vi hành chính trong tình thế cấp thiết; Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiến bất khả kháng; Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;
– Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
– Hết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt;
– Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
– Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật;
Đối với trường hợp theo quy định theo quy định thì người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật; phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó. Quyết định sẽ phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện. Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, khi hết thời hạn xử lý vi phạm hành chính thì mặc dù không thể ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng người có thẩm quyền vẫn có thể ra Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Trên đây là tư vấn mà công ty Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay có câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6162 để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!