Hết thời hiệu xử phạt hành chính về xây dựng thì có bị xử phạt không?
Tôi muốn hỏi văn phòng một vấn đề như sau: năm 2009 tôi có mua đất và xây dựng nhà trên đất, tuy nhiên lại không xin giấy phép xây dựng (vì tôi không biết). Nay chính quyền địa phương mới phát hiện và xử lý vi phạm của tôi. Vậy trường hợp này tôi vi phạm đã gần 10 năm rồi thì có bị phạt không?
Mục Lục
1. Căn cứ pháp lý
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
Thông tư 03/2018/BXD
2. Luật sư tư vấn
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm về xây dựng được quy định như sau:
Điều 6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Thời điểm tính thời hiệu với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Với trường hợp công trình xây dựng đã thi công xong từ năm 2009 thì hành vi vi phạm đã kết thúc tính đến thời điểm năm 2018 đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế cơ quan không thể xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của bạn.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 139/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/BXD thì đối với trường hợp có vi phạm về xây dựng: xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà pháp luật quy định phải có giấy phép xây dựng mà hết thời hiệu xử phạt thì không ra quyết định xử phạt hành chính nhưng vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệtcho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng. Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là gì?
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là thời hạn (khoảng thời gian) mà theo đó các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện xử phạt vi phạm hành chính với cá nhân, tổ chức, được quy định chi tiết đó là 01 năm, trừ các trường hợp vi phạm trong các lĩnh vực liên quan đến mảng kế toán, thuế, phí, lệ phí, quản lý giá, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, …
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo các điều kiện quy định của pháp luật. Và thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.
Khách hàng chú ý với xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi là trốn thuế, chậm nộp thuế, Kê khai thiếu nghĩa vụ thuế thì xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về thuế.
Thời điểm để tính thời hiệu xử lý vi phạm hành chính được quy định dựa trên việc vi phạm hành chính đã kết thúc hay còn đang thực hiện. Với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm. Còn với hành vi hành chính đang thực hiện thì tính từ thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính.
Riêng với trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm theo các thời hạn ở trên mà cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
4. Ví dụ về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính?
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn Thanh có hành vi xây dựng sai so với giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền từ tháng 04/2015. Song đến tháng 07/2018 cơ quan có thẩm quyền mới phát hiện và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
Tuy nhiên khi căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính cùng Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng thì hành vi của Nguyễn Văn Thanh đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Bởi hành vi sai phạm này đã quá 02 năm kể từ ngày ông Thanh chấm dứt hành vi vi phạm nên ông Thanh sẽ không bị xử phạt tiền, tuy nhiên vẫn bị áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả theo quy định đó là buộc phải phá dỡ phần công trình xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp từ cơ quan có thẩm quyền.
5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế sẽ có những khác biệt lớn với thời hiệu xử phạt thông thường quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong nội dung xử phạt về thuế thì Khách hàng có thể tham khảo Thông tư 166 năm 2013 của bộ tài chính quy định về thời hiệu cũng như mức xử phạt hành chính về thuế như sau:
Đối với hành vi vi phạm khi thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế thì thời hiệu xử phạt là 02 năm tính từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt.
Ngày thực hiện hành vi vi phạm trong thủ tục thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế hiện hành.
Lưu ý: Trường hợp làm thủ tục thuế trên cổng thông tin điện tử thì ngày thực hiện hành vi vi phạm là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn làm thủ tục thuế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với hành vi khai sai dẫn đến tình trạng thiếu số tiền thuế phải nộp cho cơ quan thuế hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thuế, số thuế được miễn, giảm hoặc thực hiện các hành vi trốn thuế, gian lận nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời hiệu xử phạt là 05 năm.
Thời hiệu đối với các hành vi trên tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Ngày thực hiện hành vi vi phạm về thuế được tính là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế của kỳ tính thuế mà người nộp thuế vi phạm.
Đối với trường hợp hồ sơ thuế do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính áp dụng theo quy định là từ 2-5 năm tùy theo hành vi vi phạm.
Trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt theo đúng thời hiệu nêu trên thì không áp dụng thời hiệu quy định như cũ mà thời hiệu thuế được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 121/2013/NĐ-CP, thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng như sau:
Thứ nhất, Khi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện có vi phạm hành chính mà vi phạm hành chính này đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng.
Cụ thể, thời điểm bàn giao, đưa vào sử dụng được xác định theo quy định tại Điều 1 Thông tư 02/2014/TT-BXD như sau:
-
Đối với công trình sử dụng vốn nhà nước là ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng để đưa vào sử dụng hoặc ngày chủ đầu tư ký biên bản bàn giao công trình cho chủ quản lý, chủ sử dụng công trình;
-
Đối với công trình sử dụng vốn khác là ngày công trình, hạng mục công trình được đưa vào sử dụng.
-
Đối với dự án có nhiều công trình, hạng mục công trình thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính đối với từng công trình, hạng mục công trình.
Thứ hai, khi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện có vi phạm hành chính mà vi phạm hành chính này đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Thứ ba, trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do cơ quan có thẩm quyền chuyển đến thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định nêu trên. Thời gian cơ quan có thẩm quyền thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Lưu ý: trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nói trên, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ – CP bao gồm:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này;
- Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;
- Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;
- Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;
- Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;
- Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai;
- Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định;
- Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định;
- Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;
- Buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai;
- Buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp quy định tại Điều 24 của Nghị định này.
- Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại Điều 35 của Nghị định này;
- Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả để thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định này;
- Thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp phải thu hồi đất quy định tại các Điều 15, 18, 19, 22, 26, 29, 30 và 32 của Nghị định này.
Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê về Hết thời hiệu xử phạt hành chính về xây dựng thì có bị xử phạt không? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai- Công ty luật Minh Khuê