Hệ thống và kết cấu của ngôn ngữ
Việt ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt
Hệ thống và kết cấu của ngôn ngữ
Tác giả: Nguyễn Thiện Giáp
- Khái niệm hệ thống và kết cấu
Theo cách hiểu chung, “hệ thống” là một thể thống nhất bao gồm các các yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau. Mỗi đối tượng trọn vẹn làm một hệ thống, chẳng hạn: một cái cây, một con vật, một gia đình v.v… Nói đến hệ thống, cần phải nói đến hai điều kiện: a) Tập hợp các yếu tố; b) Những mối quan hệ và liên hệ lẫn nhau giữa các yếu tố đó. Cần phân biệt hệ thống với những tập hợp ngẫu nhiên các yếu tố không có quan hệ tất yếu nào đối với nhau. Một đống củi cũng gồm rễ cây, thân cây, cành cây, lá cây… không tạo thành cái cây (hệ thống) mà chỉ là đống củi. Vài ba người ghép lại ở với nhau cũng không thành gia đình, bởi vì họ thiếu những quan hệ thuộc về gia đình.
Khái niệm hệ thống gắn bó chặt chẽ với khái niệm “kết cấu“. Nếu hệ thống là một thể thống nhất bao gồm các yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau thì kết cấu là tổng thể các mối quan hệ và liên hệ giữa các yếu tố của thể thống nhất đó. Như vậy, kết cấu không nằm ngoài hệ thống. Đã là hệ thống thì phải có kết cấu.
Trong thực tế, các yếu tố của hệ thống không phải là những điểm trừu tượng mà là những hệ thống phức tạp. Mỗi yếu tố cũng có nhiều nhiều mặt, nhiều thuộc tính, khi tác động lẫn nhau với các yếu tố khác của hệ thống không phải tất cả các mặt, các thuộc tính của nó đều tham gia mà chỉ một số mặt, một số thuộc tính nào đó mà thôi. Vì vậy, tính chất và phẩm chất của các liên hệ phụ thuộc vào đặc điểm của các mặt nào đó của các yếu tố tham gia tác động lẫn nhau. Như vậy, những mặt và thuộc tính của các yếu tố tham gia tác động lẫn nhau càng lớn thì két cấu của hệ thống càng phức tạp. Cùng một số yếu tố, khi tác động lẫn nhau bằng những mặt khác nhau có thể tạo nên các hệ thống khác nhau. Ví dụ: một gia đình có ba người: vợ (A), chồng(B), con (C). Trong gia đình, ba người đó đối xử với nhau theo quan hệ A là vợ của B và là mẹ của C; B là chồng của A và là bố của C; còn C là con của A và B. Giả dụ cả ba người cùng làm trong một nhà máy, ở đó, C là giám đốc còn A và B chỉ là công nhân thì quan hệ giữa C với A và B lại là quan hệ lãnh đạo. Rõ ràng, ba người người đã nằm trong một hệ thống khác là hệ thống tổ chức của nhà máy.
Như vậy, khái miệm kết cấu phản ánh hình thức sắp xếp của các yếu tố và tính chất của sự tác động lẫn nhau của các mặt và các thuộc tính của chúng. Nhờ có kết cấu mà chúng ta hiểu được vì sao phẩm chất của hệ thống nói chung không giống với tổng số phẩm chất của các yếu tố tạo thành.
Ngôn ngữ là một hệ thống bởi vì nó cũng bao gồm các yếu tố và các quan hệ giữa các yếu tố đó. Các yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ chính là các đơn vị của ngôn ngữ.
- Các loại đơn vị chủ yếu của ngôn ngữ
2.1. Âm vị
Âm vị là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất mà người ta có thể phân ra được trong chuỗi lời nói[1]. Ví dụ: Các âm [b], [t], [v]… hoàn toàn không thể chia nhỏ chúng ra hơn nữa. ÂM vị có chức năng nhận cảm và chức năng phân biệt nghĩa. Bản thân các âm vị là vật chất (âm thanh), cho nên nó có thể tác động đến giác quan (tai) của con người. Nhờ đó con ngưới có thể lĩnh hội được. Âm vị không biểu thị ý nghĩa nào cả nhưng nó lại có tác dụng phân biệt ý nghĩa. Ví dụ: “bào” có nghĩa là một dụng cụ của thợ mộc để làm mòn, nhẵn gỗ, còn “vào” có ý nghĩa là một thành động đi từ ngoài tới trong. Cái gì làm cho ta phân biệt được hai nghĩa đó? Chắc chắn không phải do bộ phận ngữ âm trùng nhau giữa hai từ là vần [-aw] và thanh 2. Vậy thì sự phân biệt này phải do sự đối lập giữa âm /b-/ và /v-/ tạo nên. Tương tự, “bàn” khác nghĩa với “tàn” là do đối lập /b/ ↔ /t/; “bát” khác nghĩa với “bút” là do đối lập /a/ ↔ /u/ tạo nên.
2.2. Hình vị
Hình vị là một hoặc chuỗi kết hợp một vài âm vị, biểu thị một khái niệm. Nó là đơn vị nhỏ nhất có ý nghĩa. Chức năng của hình vị là chức năng ngữ nghĩa. Ví dụ, kết hợp “quốc gia” trong tiếng Việt gồm hai hình vị: “quốc” là nước, “gia” là nhà; “паровоз” của tiếng Nga gồm ba hình vị “пар” là hơi nước, “воз” là sự chuyên chở, còn “-о” là hình vị nối.
2.3. Từ
Từ là chuối kết hợp của một hoặc một vài hình vị mang chức năng gọi tên và chức năng ngữ nghĩa. Ví dụ: Các từ “tủ”, “ghế”, “đi”, “cười”…
2.4. Câu
Câu là chuỗi kết hợp của một hay nhiều từ, chức năng của nó là chức năng thông báo.
- Những kiểu quan hệ chủ yếu trong ngôn ngữ
3.1. Quan hệ tuyến tính
Khi ngôn ngữ được hiện thực hoá thì những yếu tố của nó hiện ra lần lượt cái này tiếp theo cái kia làm thành một chuỗi. Khi biểu hiện bằng chữ viết, người ta đã thay thế sự kế tiếp trong thời gian của các yếu tố ngôn ngữ bằng tuyến không gian của các con chữ. Đặc điểm này của ngôn ngữ được gọi là tính hình tuyến của cái biểu hiện và mối quan hệ giữa các yếu tố trong hình tuyến được gọi là quan hệ tuyến tính hay quan hệ ngang. Tất cả các loại đơn vị ngôn ngữ đều xuất hiện trên trục ngang, nhưng chỉ có thể nói tới quan hệ ngang giữa các đơn vị cùng loại mà thôi (quan hệ âm vị với âm vị, hình vị với hình vị, từ với từ…).
3.2. Quan hệ liên tưởng
Quan hệ ngang thể hiện trong lời nói như quan hệ thực tại giữa các đại diện của các loại đơn vị. Nghĩa là cùng một chỗ hay vị trí trong chuỗi lời nói có thể thay thế bằng cả một loạt các yếu tố đồng loại. Những yếu tố đồng loại có thể thay thế nhau trong cùng một vị trí của chuỗi lời nói nằm trong quan hệ liên tưởng đối với nhau, hay còn gọi là quan hệ dọc. Ở vị trí của từ “nhân dân” trong chuỗi “nhân dân ta rất anh hùng” có thể thay thế bằng “quân đội”, “phụ nữ”, “thanh niên”…; ở vị trí của từ “ta“, có thể thay bằng “Lào”, “Campuchia”,…; ở vị trí “anh hùng” có thể thay thế bẵng “dũng cảm”, “cần cù”, “thông minh”… Mỗi vị trí được quy định bởi chức năng và quan hệ của yếu tố đó với yếu tố khác. Cho nên vị trí nào càng có nhiều hạn chế bao nhiêu thì số yếu tố có thể dùng ở vị trí đó càng ít bấy nhiêu. Ngược lại, vị trí càng ít bị hạn chế bởi các điều kiện khác nhau bao nhiêu thì số yếu tố có thể dùng ở vị trí đó càng nhiều bấy nhiêu.
Tóm lại, toàn bộ hoạt động của hệ thống ngôn ngữ được thể hiện trên hai trục: trục tuyến tính (trục ngang) và trục liên tưởng (trục dọc).
Nguồn Ngonngu.net