Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của Luật An ninh mạng
Phổ biến giáo dục pháp luật
Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của Luật An ninh mạng
Cập nhật ngày: 25-12-2019 | 10:39:37 GMT +7, lượt xem: 3184
Từ tính chất quan trọng đối với an ninh quốc gia, Luật An ninh mạng 2018 đã dành một chương, cụ thể là Chương II quy định rõ khái niệm và nội dung công tác bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Cụ thể như sau:
Điều 10 Luật An ninh mạng quy định: “Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng”.
Theo đó, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm: Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu; Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng; Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái; Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia; Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương; Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí; Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng trong việc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Thực tiễn cho thấy, việc đặt ra quy định bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, hiện nay, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin còn chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót dẫn đến nguy cơ và tình trạng mất an ninh, an toàn thông tin, lộ lọt bí mật nhà nước. Ở nhiều cơ quan, ban, ngành, đơn vị nắm giữ thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, ý thức, kỹ năng bảo vệ bí mật, an toàn thông tin còn khá hạn chế. Trong khi đó, những thông tin quan trọng về an ninh quốc gia luôn là mục tiêu đánh cắp, phá hoại của đối tượng xấu. Đặc biệt, đã phát hiện các trường hợp nhóm gián điệp mạng nước ngoài tấn công, kiểm soát hệ thống thông tin và chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước ở những cơ quan, đơn vị quan trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, chính trị của đất nước.
Ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội. Tại Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT), năm 2017 có 9.964 vụ tấn công mạng nhắm vào các Website của Việt Nam và năm 2018 là hơn 9.300 vụ. Những cuộc tấn công này đã gây ra những thiệt hại không nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Những nguy cơ tiềm ẩn từ tấn công mạng mang đến nhu cầu cấp thiết phải xây dựng, ban hành quy định bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Nội dung công tác bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm 05 mặt công tác chính, được quy định từ Điều 11 đến Điều 15 theo thứ tự tương ứng: Thẩm định an ninh mạng; đánh giá điều kiện an ninh mạng; kiểm tra an ninh mạng; giám sát an ninh mạng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng. Ở từng công tác, Luật quy định rõ khái niệm, đối tượng, nội dung và thẩm quyền của mỗi lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Việc phổ biến, quán triệt và nắm vững các quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có ý nghĩa rất lớn trong chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với hành vi xâm phạm hệ thống thông tin này, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Phan Minh Thuận