Hệ thống tài khoản kế toán Hành chính sự nghiệp mới nhất 2023
Hệ thống tài khoản kế toán là phương tiện để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo từng đối tượng kế toán riêng biệt. Vậy hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính sự nghiệp mới nhất 2023 được pháp luật quy định như thế nào?
Mục Lục
1. Quy định về tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính sự nghiệp
Căn cứ vào Điều 22 Luật Kế toán năm 2015 thì tài khoản kế toán được dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính theo nội dung kinh tế. Hệ thống tài khoản kế toán gồm các tài khoản kế toán cần sử dụng. Mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán cho mục đích kế toán tài chính theo quy định của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính quy định chi tiết về tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán sau: Đơn vị kế toán có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước; Đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước; Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước; Đơn vị kế toán là doanh nghiệp; Đơn vị kế toán khác.
Hoạt động lựa chọn áp dụng hệ thống tài khoản theo Điều 23 Luật Kế toán năm 2015 quy định như sau:
– Đơn vị kế toán phải căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn hệ thống tài khoản kế toán áp dụng ở đơn vị mình.
– Đơn vị kế toán được chi tiết các tài khoản kế toán đã chọn để phục vụ yêu cầu quản lý của đơn vị.
Theo quy định tại Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp thì tài khoản kế toán trong đơn vị hành chính sự nghiệp phải đảm bảo tính thường xuyên, liên tục và có tính hệ thống về tình hình tài sản, tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí được ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác. Đồng thời tài khoản kế toán này còn phản ánh tình hình thu – chi, hoạt động – kết quả hoạt động và các khoản khác của đơn vị hành chính sự nghiệp.
Hệ thống tài khoản kế toán hành chính sự nghiệp được áp dụng cho các đối tượng: Cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập ngoại trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thông thường và áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp trong trường hợp đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật; tổ chức, đơn vị khác có hoặc không sử dụng ngân sách Nhà nước.
2. Phân loại hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp
Hệ thống tài khoản kế toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp được phân loại theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 107/2017/TT-BTC, cụ thể như sau:
– Các loại tài khoản trong bảng gồm tài khoản từ loại 01 đến loại 09, được hạch toán kép (hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản).
Tài khoản trong bảng dùng để kế toán tình hình tài chính (gọi tắt là kế toán tài chính), áp dụng cho tất cả các đơn vị, phản ánh tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thặng dư (thâm hụt) của đơn vị trong kỳ kế toán.
– Loại tài khoản ngoài bảng gồm tài khoản loại 0, được hạch toán đơn (không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản).
Các tài khoản ngoài bảng liên quan đến ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước (TK 004, 006, 008, 009, 012, 013, 014, 018) phải được phản ánh theo mục lục ngân sách nhà nước, theo niên độ (năm trước, năm nay, năm sau (nếu có)) và theo các yêu cầu quản lý khác của ngân sách nhà nước.
– Trường hợp một nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh liên quan đến tiếp nhận, sử dụng: nguồn ngân sách nhà nước cấp; nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài;
Nguồn phí được khấu trừ, để lại thì kế toán vừa phải hạch toán kế toán theo các tài khoản trong bảng, đồng thời hạch toán các tài khoản ngoài bảng, chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước và niên độ phù hợp.
3. Danh mục hệ thống tài khoản kế toán dùng trong đơn vị hành chính sự nghiệp
3.1. Các loại tài khoản trong bảng
Tài khoản loại 1: phản ánh số tiền hiện có và tình hình biến động của các loại tiền, các khoản đầu tư tài chính, các khoản phải thu và hàng tồn kho của đơn vị hành chính sự nghiệp.
Tài khoản loại 2: là nhóm tài khoản phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời về số lượng, giá trị và hiện trạng của tài sản cố định (TSCĐ) tại đơn vị. Đồng thời, các tài khoản thuộc nhóm này còn giúp kiểm soát tình hình tăng, giảm và việc quản lý, sử dụng TSCĐ. Từ đó, giám sát chặt chẽ việc đầu tư, mua sắm và sử dụng TSCĐ của đơn vị.
Tài khoản loại 3: phản ánh các nghiệp vụ thanh toán nợ phải trả của đơn vị đối với các tổ chức, cá nhân bên ngoài.
Ngoài ra, loại tài khoản này còn phản ánh các quan hệ thanh toán giữa đơn vị với Nhà nước về số thuế phải nộp; Các khoản phải nộp, phải cấp hoặc chi hộ, thu hộ đơn vị cấp trên, đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới với nhau; Các khoản tiền công, tiền lương của người lao động; Các khoản tạm thu về phí, lệ phí, thu viện trợ phát sinh tại đơn vị; các khoản tạm ứng từ ngân sách Nhà nước; Các khoản nhận trước chưa ghi thu; các quỹ đặc thù được hình thành theo quy định và các khoản đơn vị nhận đặt cọc, ký quỹ, ký cược của đơn vị khác.
Tài khoản loại 4: phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của nguồn vốn kinh doanh; chênh lệch tỷ giá hối đoái; thặng dư hoặc thâm hụt lũy kế, các quỹ, nguồn cải cách tiền lương của đơn vị.
Tài khoản loại 5: là nhóm tài khoản phản ánh giá trị hiện có, tình hình biến động của các khoản thu hoạt động được ngân sách Nhà nước cấp; thu viện trợ, vay nợ nước ngoài; thu phí được khấu trừ, để lại theo quy định của pháp luật; doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; doanh thu từ hoạt động tài chính.
Tài khoản loại 6: phản ánh các khoản chi của đơn vị hành chính sự nghiệp về chi hoạt động thường xuyên hoặc không thường xuyên; chi viện trợ, vay nợ nước ngoài; chi quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chi tài chính; chi phí chưa xác định được đối tượng chịu chi phí; giá vốn hàng bán,…
Tài khoản loại 7: phản ánh các khoản thu nhập khác, không phát sinh thường xuyên và không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đơn vị và chưa được phản ánh vào tài khoản loại 5.
Tài khoản loại 8: phản ánh các khoản chi phí phát sinh từ nghiệp vụ tách biệt với hoạt động của đơn vị hành chính sự nghiệp.
Tài khoản loại 9: phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả của tất cả các hoạt động trong kỳ kế toán của đơn vị theo đúng quy định hiện hành.
3.2. Các loại tài khoản ngoài bảng
Tài khoản 001 (Tài khoản thuê ngoài) được dùng để phản ánh giá trị của toàn bộ phần tài sản thuê ngoài được sử dụng cho hoạt động của đơn vị. Giá trị của tài sản thuê ngoài được ghi nhận theo giá trị tài sản được hai bên thống nhất trong hợp đồng thuê tài sản.
Tài khoản 002 (Tài sản nhận giữ hộ, nhận gia công) phản ánh giá trị tài sản mà đơn vị khác nhờ giữ hộ hoặc tạm giữ chờ giải quyết các loại hàng hóa, vật tư nhận để gia công và chế biến. Giá trị của các loại tài khoản đó là giá ghi trong hợp đồng giao nhận tài sản, hợp đồng nhận gia công, chế biến. Giá trị của tài sản tạm giữ là giá được ghi trong biên bản tạm giữ tài sản hoặc giá tạm tính để ghi sổ.
Tài khoản 004 (Kinh phí viện trợ không hoàn lại) phản ánh việc tiếp nhận và sử dụng các khoản kinh phí viện trợ không hoàn lại tại các đơn vị.
Tài khoản 006 (Dự toán vay nợ nước ngoài) phản ánh tình hình giao, sử dụng nguồn vay nợ nước ngoài của đơn vị hành chính sự nghiệp.
Tài khoản 007 (Ngoại tệ các loại) phản ánh tình hình thu, chi, còn lại theo nguyên tệ của các loại ngoại tệ có tại đơn vị hành chính sự nghiệp.
Tài khoản 008 (Dự toán chi hoạt động) phản ánh số dự toán chi hoạt động do cơ quan có thẩm quyền giao cho và việc đơn vị rút dự toán chi hoạt động để sử dụng được ngân sách Nhà nước giao dự toán thường xuyên hoặc không thường xuyên.
Tài khoản 009 (Dự toán đầu tư XDCB) phản ánh số dự toán kinh phí ngân sách Nhà nước giao và việc rút dự toán ra sử dụng được ngân sách giao dự toán chi đầu tư XDCB (ngoài dự toán chi thường xuyên và không thường xuyên) tại các đơn vị.
Tài khoản 012 (Lệnh chi tiền thực chi) phản ánh khoản tiền được ngân sách cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi vào tài khoản tiền gửi và việc rút các khoản tiền gửi ra sử dụng của đơn vị.
Tài khoản 013 (Lệnh chi tiền tạm ứng) sử dụng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp để theo dõi tình hình ngân sách được cấp bằng Lệnh chi tiền tạm ứng và việc thanh toán với ngân sách Nhà nước về các khoản đã được cấp tạm ứng.
Tài khoản 014 (Phí được khấu trừ, để lại) được sử dụng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp có phát sinh các khoản phí được khấu trừ, để lại theo quy định của pháp luật về lệ phí và phí.
Tài khoản 018 (Thu hoạt động khác được để lại) phản ánh về các khoản thu hoạt động khác được để lại được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán (hoặc không giao dự toán) và phải báo cáo quyết toán theo mục lục của ngân sách Nhà nước.
Quý khách có thể tham khảo thêm về: Bảng danh mục hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp của Luật Minh Khuê.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.