Hệ thống pháp luật là gì ? Hệ thống pháp luật có ý nghĩa như thế nào ?

Thưa luật Minh Khuê, tôi không phải là sinh viên luật nên có một câu hỏi pháp lý mang tính lý thuyết không biết luật sư có thể giải đáp được hay không. Cụ thể: “Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của hệ thống pháp luật là gì ?”. Mong được tư vấn định hướng! Cảm ơn! (N.M.T – Hà Nội).

Luật sư hướng dẫn:

1. Khái niệm về Hệ thống pháp luật

Pháp luật là một hiện tượng vô cùng phức tạp nên tính hệ thống của pháp luật có thể được xem xét ở nhiều phương diện, quy mô và phạm vi khác nhau như đối với các quy phạm pháp luật (hình thức cấu trúc bên trong của pháp luật),1 đối với nguồn pháp luật, mà chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật (hệ thống pháp luật thực định), đối với toàn bộ đời sống pháp luật… trong phạm vi quốc gia hoặc vượt ra khỏi phạm vi quốc gia. Tùy theo mục đích nghiên cứu mà chủ thể xác định phương diện, quy mô và phạm vi xem xét khác nhau. Do vậy, hệ thống pháp luật theo nghĩa chung nhất được hiểu là một chỉnh thể các hiện tượng pháp luật (mà cốt lõi là các quy phạm pháp luật, được thể hiện trong các nguồn pháp luật) có sự liên kết, ràng buộc chặt chẽ, thong nhất với nhau, luôn cỏ sự tác động qua lại lẫn nhau để thực hiện việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội.

2. Đặc điểm của hệ thống pháp luật

Hệ thống pháp luật có các đặc điểm cơ bản sau:

– Hệ thống pháp luật được hình thành một cách khách quan, phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, các thành tố của hệ thống pháp luật là do chính các quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh xác lập, không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể ban hành pháp luật.

– Giữa các thành tố của hệ thống pháp luật luôn có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất và phù hợp với nhau. Có thể nói sự thống nhất nội tại là một nguyên tắc rất quan trọng của hệ thống pháp luật, điều này biểu hiện ở sự gắn bó hữu cơ khăng khít với nhau giữa các quy định pháp luật, các nguồn pháp luật với nhau và với các thành tố khác của hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật vừa đa dạng phức tạp, vừa thống nhất trong một chỉnh thể. Sự thống nhất của hệ thống pháp luật phải được thể hiện trong từng thành tố, giữa các thành tố với nhau và với cả hệ thống.

Giữa các bộ phận thành tố của hệ thống pháp luật không chỉ có sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau, mà còn có sự tác động qua lại lẫn nhau, phối hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.

– Hệ thống pháp luật luôn là một tập hợp động, tính ổn định chỉ là tương đối, nó luôn vận động thay đổi, phát triển từ thời kỳ này sang thời kỳ khác cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật và tiến trình phát triển của đất nước (được bổ sung thêm các quy định, các nguồn pháp luật mới, củng cố các hiện tượng pháp luật khác trong hệ thống và loại bỏ dần những quy định, nguồn pháp luật, hiện tượng pháp luật đã trở nên lạc hậu, không còn giá trị trong hệ thống). Thông thường khi các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… thay đổi, phát triển thì hệ thống pháp luật cũng thay đổi, phát triển theo để đáp ứng việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội ở mỗi thời kỳ. Do vậy, đòi hỏi các quốc gia phải thường xuyên hoàn thiện hệ thống pháp luật để tránh hiện tượng chồng chéo, phát hiện những thiếu sót của các hiện tượng pháp luật, kịp thời loại bỏ những quy định, những hiện tượng không còn phù họp, bổ sung, tạo lập những quy định, hiện tượng pháp luật phù hợp, không ngừng nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội.

Việc nghiên cứu hệ thống pháp luật không chỉ cho phép thấy được những thuộc tính của pháp luật, sự thống nhất nội tại, sự liên hệ ràng buộc, các mối quan hệ chặt chẽ giữa các hiện tượng pháp luật… mà còn có điều kiện đánh giá về tính toàn diện, đồng bộ, phù hợp… của các quy định pháp luật, của nguồn pháp luật… Ngoài ra lí luận về hệ thống pháp luật còn giúp cho việc nghiên cứu, hệ thống hoá pháp luật, sắp xếp một cách khoa học, lôgíc các quy định pháp luật, phát hiện kịp thời những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, những thiếu sót của pháp luật để loại bỏ những quy định không còn phù hợp, kịp thời bổ sung những quy định mới, nhằm tạo ra được những quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật, các nguồn pháp luật hoàn thiện hơn. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện sẽ có hiệu quả cao hơn, sẽ là nhân tố quan trọng tạo ra sự ổn định và phát triển đất nước.

2. Ý nghĩa của hệ thống pháp luật là gì ?

Xem xét hệ thống pháp luật còn có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện và áp dụng pháp luật, việc tổ chức các thiết chế bảo đảm thực thi pháp luật, cũng như hoạt động đào tạo nguồn nhân lực pháp luật của đất nước.

– Đối với hoạt động xây dựng pháp luật

+ Khi xây dựng pháp luật phải luôn ý thức được rằng các quy định pháp luật, các nguồn pháp luật luôn có mối liên hệ, ràng buộc, gắn bó chặt chẽ với nhau và phải luôn thống nhất với nhau. Do vậy, các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền khi ban hành bất kì một quy định pháp luật nào cũng phải chú ý đến tính hệ thống của nó, nghĩa là, quy định pháp luật được ban hành phải bảo đảm sự thống nhất với các quy định pháp luật khác, với các điều kiện thực thi nó. Neu quy định hay nguồn pháp luật mới ban hành mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định hay nguồn pháp luật hiện hành thì hoặc là phải sửa đổi, huỷ bỏ quy định hay nguồn pháp luật mới ban hành hoặc là phải sửa đổi, huỷ bỏ các quy định hay nguồn pháp luật hiện hành để luôn đảm bảo sự vận động, phát triển và sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Tránh hiện tuợng các quy định hay nguồn pháp luật của hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất sẽ làm cho tính khả thi thấp, khó đi vào cuộc sống.

+ Trong hoạt động xây dựng pháp luật thì nguồn pháp luật có hiệu lực pháp lí thấp không được ban hành trái với nguồn pháp luật có hiệu lực pháp lí cao hơn và tất cả chúng phải phù hợp với hiến pháp – luật cơ bản có hiệu lực pháp lí cao nhất.

+ Việc ban hành quy định hay nguồn pháp luật phải chú ý đến khả năng thi hành nó trên thực tế, nghĩa là, nó phải phù hợp với các thiết chế và cơ chế thực thi pháp luật hiện hành. Nếu quy định hay nguồn pháp luật đó được ban hành không phù hợp với các thiết chế và cơ chế thực thi pháp luật hiện hành thì hoặc là nó phải được sửa đổi, huỷ bỏ hoặc là phải đổi mới, tổ chức lại các thiết chế và cơ chế thực thi pháp luật hiện hành. Tránh hiện tượng các chủ thể ban hành pháp luật không chú ý đến khả năng tổ chức thực hiện các quy định pháp luật mà mình đã ban hành.

– Đổi với hoạt động thực hiện pháp luật

+ Xuất phát từ tính chất hệ thống của pháp luật đòi hỏi tất cả các quy định pháp luật hiện hành đều phải được thực hiện nghiêm minh, các hiện tượng pháp luật đều phải tối ưu. Việc thực hiện hay không thực hiện một quy định pháp luật nào đó luôn có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến việc thực hiện các quy định pháp luật khác, nghĩa là, việc thực hiện quy định pháp luật này sẽ là tiền đề, điều kiện để thực hiện các quy định pháp luật khác. Việc thực hiện quy định pháp luật này chỉ có thể được tiến hành khi đã thực hiện các quy định pháp luật khác, nói cách khác, không thể chỉ thực hiện quy định pháp luật này mà không thực hiện quy định pháp luật khác và ngược lại. Nhiều trường họp một quy định hay một văn bản quy phạm pháp luật không được thực hiện hoặc được thực hiện không nghiêm minh đã làm cho các quy định hay văn bản pháp luật khác không thể thực hiện được. Điều này cho thấy không thể coi thường việc thực hiện bất kì một quy định pháp luật nào xuất phát từ tính hệ thống của pháp luật.

+ Khi tiến hành thực hiện, áp dụng pháp luật phải ưu tiên các quy định của hiến pháp, của các nguồn pháp luật có hiệu lực pháp luật cao hơn…

– Đối với việc tổ chức các thiết chế bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh

Để hệ thống pháp luật phát huy được vai trò, tác dụng trong đời sống xã hội thì cần phải có các thiết chế được tổ chức và hoạt động có hiệu quả nhằm tổ chức và bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Với mỗi hệ thống pháp luật các thiết chế bảo đảm việc thực hiện pháp luật phải được tổ chức khác nhau, có cơ chế hoạt động khác nhau. Chẳng hạn, việc tổ chức và hoạt động của hệ thống toà án ở các nước thuộc hệ thống pháp luật coi án lệ là nguồn pháp luật chủ yếu, khác rất nhiều so với việc tổ chức và hoạt động của toà án thuộc hệ thống pháp luật coi văn bản quy phạm pháp luật là nguồn pháp luật chủ yếu.

– Đối với hoạt động đào tạo luật và nghề luật

Hệ thống pháp luật có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực pháp luật và nghề luật, ở hầu hết các quốc gia các khoa học pháp lí, nhất là khoa học pháp lí chuyên ngành thường hình thành trên cơ sở việc phân định các ngành luật, chế định pháp luật. Với mỗi ngành luật, chế định pháp luật độc lập thường có một khoa học pháp lí chuyên ngành tương ứng. Có thể nói hệ thống pháp luật là đối tượng nghiên cứu của hệ thống khoa học pháp lí.

Với mỗi hệ thống pháp luật cần một phương pháp đào tạo luật và nghề luật khác nhau. Việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật phải căn cứ vào những đặc điểm của hệ thống pháp luật quốc gia, cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, trong hệ thống pháp luật coi án lệ là nguồn luật chủ yếu sẽ có phương pháp, cách thức đào tạo nguồn nhân lực pháp luật và những người làm nghề luật khác với hệ thống pháp luật có nguồn luật chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập trên internet)