Hệ sinh thái Masan – Bức tranh kết nối sức mạnh thương hiệu Việt
Hàng loạt thương hiệu chinh phục các thị trường quốc tế
Trong mảng hàng tiêu dùng, ngoài thành công tại thị trường nội địa với hơn 98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan, doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và không ngừng phát triển sản phẩm, xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn.
Đơn cử như thương hiệu CHIN-SU, tại Việt Nam hiện đang dẫn đầu thị trường tương ớt. Tại Nhật Bản, sản phẩm này đã có mặt trên kệ các siêu thị và dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Nhật suốt 4 năm qua. Sản phẩm tương ớt CHIN-SU còn được xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc… Mục tiêu của Masan Consumer, đến năm 2025, tương ớt CHIN-SU sẽ trở thành một trong 5 thương hiệu tương ớt mạnh nhất thế giới, góp phần đưa nông sản chế biến kỹ thuật cao của Việt Nam ra quốc tế.
Vừa qua tại sự kiện thực phẩm quốc tế Foodex Japan 2023, một trong những hội chợ quốc tế uy tín chuyên ngành thực phẩm và đồ uống lớn nhất ở châu Á, sản phẩm nước mắm CHIN-SU Cá Cơm Biển Đông đã được nhiều đối tác Nhật Bản đặc biệt quan tâm.
Hiện tại, bộ sản phẩm CHIN-SU đã được phân phối đến nhiều siêu thị, nhà bán hàng lớn tại đất nước hơn 125 triệu dân.
Mì khoai tây cao cấp OMACHI cũng tại sự kiện này đã chính thức trình làng ấn tượng, góp phần khẳng định vị thế mì cao cấp hàng đầu Việt Nam ngay tại xứ sở được mệnh danh là cái nôi khai sinh của ngành mì gói.
Những chiến lược M&A mang lại sức tăng trưởng vượt bậc cho các thương hiệu Việt
Tại họp báo công bố Diễn đàn M&A Việt Nam 2022, CEO của Masan Group, ông Danny Le, đã lần đầu tiên chia sẻ về lý do thâu tóm chuỗi Phúc Long. “Tại Masan, chúng tôi thường nhìn vào những thương hiệu mạnh trên thị trường. Đó là lý do vì sao Masan đầu tư vào Phúc Long, một thương hiệu nội địa khá mạnh. Chúng tôi nghĩ rằng với Phúc Long, ta có thể mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Trong lĩnh vực trà, cà-phê, Phúc Long là một thương hiệu mạnh giống như Starbucks để có thể đưa ra thế giới”.
Trước thời điểm được Masan mua lại, Phúc Long đứng thứ 4 về doanh thu (779 tỷ đồng năm 2019) so các chuỗi lớn như Highlands Coffee (2.199 tỷ đồng), Starbucks (783 tỷ đồng), The Coffee House (863 tỷ đồng) và chỉ đứng trên Trung Nguyên với doanh thu 409 tỷ đồng cùng năm.
Tuy nhiên, sau 2 năm về tay Masan, theo báo cáo tài chính hợp nhất mới được công bố từ phía Masan Group, Phúc Long đã thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B trong ngành, với vị trí số hai về doanh thu và số một về tỷ suất lợi nhuận.
Sau khi về tay Tập đoàn Masan, hệ thống bán lẻ VinMart, Vinmart+ đã bắt đầu quá trình đổi thương hiệu sang WinMart, WinMart+. Đại diện Tập đoàn Masan chia sẻ: “Trong suốt thời gian qua, bên cạnh việc tái cấu trúc đưa WinMart/WinMart+ trở thành mô hình bán lẻ có lợi nhuận, Masan đã tiên phong phát triển các mô hình bán lẻ đa tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng không ngừng nâng cao. Với thông điệp “Trọn vẹn điều bạn cần”, Masan đã ra mắt hệ sinh thái WINLife, nơi tập hợp các thương hiệu mạnh có chất lượng vượt trội do người Việt Nam xây dựng nhằm phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam”.
Một điểm đặc biệt là WINLife ra đời ở thời điểm mà hệ thống WinMart/WinMart+ đang dẫn đầu thị trường về quy mô điểm bán và doanh thu. Điều đó cho thấy, Masan chưa bao giờ tự hài lòng với kết quả hiện tại và luôn muốn cải tiến hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để tối ưu trải nghiệm người dùng-yếu tố tiên quyết làm nên thành công của một hệ thống bán lẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự ra đời của WINLife thể hiện một tư duy thương mại mới, đưa ngành bán lẻ đến gần hơn với cuộc sống của người tiêu dùng hiện đại. Ở đó, WINLife trở thành một nền tảng bán lẻ để đưa các sản phẩm, thương hiệu Việt trực tiếp đến tay người tiêu dùng Việt theo một cách xuyên suốt nhất và tiện lợi nhất.