Hạt đác là gì? Công dụng và các cách chế biến siêu ngon
Hạt đác là loại hạt rừng, có ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Vậy hạt đác là gì? Cách chọn lựa và chế biến ra sao? Hãy cùng tham khảo nguyên liệu này trong bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục
Hạt đác là gì?
Cây đác thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là cây báng, cây đoác, hay đoăk; mọc nhiều ở các khu rừng tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và xuất hiện dày ở nơi khe núi ẩm thấp.
Quá trình sinh trưởng của cây mất khoảng 10 năm, sau khi thu hoạch cây đác mất từ 3 – 4 năm để tái tạo trở lại. Quả đác có hình cầu màu xanh, to như quả táo, đơm bông kết trái từ tháng 11 đến tháng 3 Âm lịch.
Hạt đác màu trắng đục, cắn vào nghe vị giòn sần sật, nhai lâu lại thấy có vị dẻo, béo bùi.
Thu hoạch hạt đác rất kỳ công, những buồng đác sau khi được chặt từ trên cây xuống sẽ được chất thành đống để đốt vì dưới quả có nhiều lông, chạm phải rất ngứa và cũng phải thui chín mới dễ lấy hạt.
Khi phần vỏ cháy đen nguội bớt, người thu hái dùng kẹp tách vỏ đác ra để lấy hạt, quả đác bên trong sẽ có từ 3 – 4 hạt, mỗi hạt to bằng đầu ngón tay người lớn. Tiếp tục ngâm nước, rửa từ 5 – 7 lần cho sạch lớp nhựa bên ngoài rồi mới ăn được.
Hạt đác có công dụng gì?
Bởi ngon miệng, vị lạ nên hạt đác thường xuất hiện trong các món ăn chơi như ăn cùng sữa chua, hạt đác rim đường, chè hạt đác… nhưng loại hạt này lại rất giàu vitamin, khoáng chất, ít calo và chất béo… tốt cho sức khỏe.
Ngăn ngừa loãng xương
Theo nghiên cứu, trong 100gram hạt đác có chứa khoảng 91mg canxi, tương đương với 10% nhu cầu canxi hằng ngày của người trưởng thành. Hấp thụ lượng canxi từ hạt đác giúp xương cứng cáp hơn, ngăn ngừa tình trạng loãng xương, đặc biệt với người lớn tuổi.
Điều trị huyết áp
Đối với những người mắc bệnh huyết áp cao, có mức độ kali trong cơ thể thấp, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân sử dụng thêm hạt đác để điều hòa lượng kali và axit lauric, giúp cho tình trạng huyết áp trở lại bình thường.
Điều trị xương khớp
Trong hạt đác còn có chất cực kỳ quan trọng, được sử dụng để bào chế thuốc điều trị và giảm đau cho xương khớp, đó là Carbohydrate.
Tốt cho tim mạch
Hạt đác không có vai trò trị bệnh tim nhưng trong loại hạt này có DHL cholesterol – một loại cholesterol “tốt” có thể cải thiện sức khỏe của tim mạch. Bạn có thể thường xuyên sử dụng hạt đác kết hợp cùng các loại trái cây để tốt cho tim mạch.
Giúp giữ dáng
Bạn đang có nhu cầu giữ dáng thì đây cũng là một loại thực phẩm tuyệt vời! Hạt đác là một chất điện phân tự nhiên, giúp tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể nên có lợi cho quá trình giảm cân hoặc giữ dáng.
Bổ sung năng lượng
Hạt đác có nhiều chất dinh dưỡng, bổ sung năng lượng cho cơ thể. Người thường xuyên vận động, lao động chân tay, đặc biệt là vận động viên… nên thường xuyên sử dụng hạt đác để bổ sung dinh dưỡng, thúc đẩy và hỗ trợ tế bào mô, cơ sớm phục hồi trong thời gian ngắn.
Phân biệt hạt đác và hạt thốt nốt
- Mùi hương: hạt đác không có mùi, khác với hạt thốt nốt mang mùi thơm đặc trưng. Đây là cách phân biệt đơn giản nhất cho bạn nào chưa biết phân biệt giữa hai loại hạt này.
- Hình dạng: khi quan sát bề ngoài thì hai loại hạt này khá giống nhau. Tuy nhiên, hạt thốt nốt sẽ to hơn, màu trắng trong. Còn hạt đác sẽ nhỏ hơn, có hình bầu dục, màu trắng đục mịn.
- Hương vị: khi thưởng thức hạt thốt nốt sẽ cảm nhận được hương vị gần giống như dừa nước: mềm, dẻo và bên trong rỗng ruột, vị ngọt . Hạt đác dẻo cứng, cắn vào giòn dai, thịt dày.
Hạt đác tươi để được bao lâu? Cách sơ chế, bảo quản?
Trong quá trình thu hoạch, hạt đác tươi đã được ngâm rửa sạch nhựa. Sau khi mua về bạn chỉ cần luộc qua nước sôi khoảng 5 phút để khử mùi nhựa trong hạt đác.
- Để đảm bảo độ tươi ngon, nên dùng hạt đác tươi bảo quản trong ngăn mát từ 5 – 7 ngày. Khi mua về nên rửa cho sạch cho hết nhớt, để ráo nước rồi cho vào hộp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Nếu không có tủ lạnh, có thể ngâm trong nước sạch hoặc nước muối loãng ở nhiệt độ thường. Mỗi ngày nên thay nước mới và rửa lại hạt đác. Làm như vậy có thể bảo quan trong khoảng một tuần.
- Với số lượng nhiều, không thể dùng hết trong thời gian ngắn. Bạn có thể chia hạt đác bỏ vào trong túi zip hoặc hộp, sau đó trữ đông. Đến khi cần ăn, chỉ cần rã đông, sau đó luộc lại hạt đác là có thể sử dụng.
Lưu ý:
- Đối với hạt đác để lâu có mùi chua, mềm nhũn, đổ nhớt hoặc chuyển sang vàng nhạt thì không nên dùng, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Không ngâm hạt đác trong nước mưa, nước phèn hoặc vật dụng bằng nhôm.
Cách chọn hạt đác ngon
Mùa thu hoạch hạt đác từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm, nếu quả non thì hạt nhão, không ngon. Nên chọn mua trong mùa này để hạt đác có độ giòn vừa phải, ăn ngon. Từ tháng 6 trở đi, hạt đác già, cứng và xuất hiện mầm non màu vàng nhạt bên trong.
Không nên chọn các loại hạt có màu trắng trong, vì có thể hạt đác đã bị tẩy. Hoặc các hạt có mùi lạ, mùi chua nhẹ, đổ nhớt.
Tùy theo sở thích, có thể chọn hạt non, mềm hoặc hạt già vừa phải, giòn sần sật. Thông thường, nếu dùng để chưng hoặc rim thì bạn nên chọn hạt non, mềm. Dùng hạt đác nấu chè, ăn với đường đá, dùng tươi… hãy chọn những hạt vừa phải, hơi cứng để giòn hơn. Có thể chẻ dọc rồi mới ngâm đường hoặc chế biến hạt đác già/cứng sẽ dễ nhai hơn.
Các món ngon từ hạt đác tốt cho sức khỏe
Hạt đác rim đường
Đây là món đơn giản, dễ thực hiện ngay tại nhà. Hạt đác sau khi rim với đường có thể ăn cùng với đá, sữa chua, hoặc dằm cùng trái cây như bơ, mít, xoài…
Sau khi sơ chế, ngâm hạt đác với đường từ 3- 5 tiếng. Tùy theo khẩu vị có thể điều chỉnh theo công thức, 1kg hạt đác cùng 250gram đường. Rim hạt đác ở lửa nhỏ, đến khi sôi thì cho lửa to khoảng 5 phút. Sau đó, tiếp tục vặn nhỏ lửa đến khi có độ sánh sệt vừa phải là có thể thưởng thức.
Hạt đác rim dâu tây hoặc dâu tằm
Hạt đác, dây tây hoặc dâu tằm ngâm cùng đường rồi rim theo công thức tương tự như trên, đến khi thành phẩm keo lại là đã hoàn thành. Màu sắc hấp dẫn, vị chua chua ngọt ngọt thanh nhẹ được chị em phụ nữ ưa chuộng.
Hạt đác rim thơm (dứa)
Hạt đác rim thơm có vị ngọt vừa phải, hòa quyện giữa màu trắng của hạt đác và vàng tươi của thơm rất bắt mắt, ăn vào lạ miệng. Trộn đều hỗn hợp hạt đác, thơm, đường để ngấm và rim trên bếp với lửa nhỏ cho đến khi thành phẩm sánh lại thì tắt bếp.
Hạt đác rim chanh dây
Dùng nước cốt chanh dây, ngâm cùng hạt đác và đường để ngấm nguyên liệu. Cho tất cả hỗn hợp vào chảo rim lửa nhỏ, đảo đều tay. Đến khi sánh lại thì món ăn đã hoàn thành.
Hạt đác rim trà xanh
Trộn đều hỗn hợp hạt đác, bột trà xanh và đường để ngấm màu. Với 1kg hạt đác nên dùng khoảng 100gram bột để mang lại màu sắc đẹp mắt nhất. Sau đó, rim trên lửa nhỏ đến khi sánh lại là có thể dùng được. Món này ăn cùng sữa chua hoặc chè rất ngon và thanh mát.
Chè mít đác
Nếu có dịp ghé thăm quê hương của hạt đác ở Khánh Hòa, Phú Yên, bạn nên một lần thử món chè mít đác thơm ngon, thanh mát hoặc tham khảo công thức để trổ tài ngay tại nhà.
Mít sau khi bóc ra, cắt sợi nhỏ vừa ăn. Hạt đác cho vào tô, ướp cùng 200gram đường phèn để có vị ngọt thanh. Nấu hạt đác cùng 1 lít nước đến khi sôi, cho thêm 1 khoanh lá dứa rồi bỏ vào nồi, nấu thêm 5 phút rồi tắt bếp. Khi dùng cho thêm mít và đá lạnh vào là có thể thưởng thức.
Hạt đác rim hoa đậu biếc
Sắc tím mộng mơ được phủ lên hạt đác làm cho món ăn thêm phần sinh động và hấp dẫn. Sau khi lấy màu hoa đậu biếc, hạt đác với đường sau đó mang đi rim trong lửa nhỏ đến khi hỗn hợp sệt lại là có thể thưởng thức.
Hạt đác rim gừng
Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch rồi thái sợi nhỏ, chần qua nước sôi để giảm bớt mùi nồng của gừng hoặc có thể ướp trực tiếp cùng hạt đác và đường. Sau thời gian ướp, rim với lửa nhỏ cho đến khi keo lại là đã hoàn thành.
Với những thông tin trên của bài viết, hy vọng đã giải đáp cho bạn những thắc mắc về hạt đác là gì? Loại hạt nhỏ nhắn này có thể biến tấu thành nhiều món ngon, lạ miệng với vô vàn công thức khác nhau. Hãy lưu lại bí quyết trên để trổ tài đảm đang, chiêu đãi cả nhà trong mùa đác nhé!