Hanosimex bắt tay Tập đoàn Hansae sản xuất vải tái chế
Hanosimex “bắt tay” Tập đoàn Hansae sản xuất vải tái chế
Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) vừa ký kết thỏa thuận xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược và đặc quyền về dự án vải tái chế.
Hanosimex và Hansae ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược để thực hiện dự án sản xuất vải tái chế.
Thỏa thuận hợp tác chiến lược về Dự án sản xuất vải tái chế tại Việt Nam vừa được ký kết giữa Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) và Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc).
Đây là dự án mở màn cho nhiều dự án tiếp theo trong ngành dệt may trong việc tiến lên sản xuất xanh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ các nhà nhập khẩu châu Âu từ đầu năm 2023 và tới đây có thể là nhiều thị trường nhập khẩu khác.
Theo ông K.Kim, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hansae, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động không nhỏ tới các quốc gia toàn cầu, điều này đã thúc đẩy những biện pháp hành động mạnh mẽ hơn của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngành dệt may cũng không thể đứng ngoài xu hướng này, và cần thiết phải khởi động phát triển các sản phẩm xanh, dệt may tái chế… nhằm giảm bớt lượng rác thải.
“Hanosimex và Tập đoàn Hansae sẽ là những đơn vị đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam tạo ra bước ngoặt mang tính “lịch sử” với việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ sợi – dệt – nhuộm – may dành riêng cho các sản phẩm tái chế”, ông K.Kim cho biết thêm.
Cụ thể, 2 bên sẽ thực hiện Dự án sản xuất sợi và vải từ xơ tái chế tại Việt Nam, toàn bộ sản phẩm từ nhà máy sẽ được may hàng xuất khẩu. Dự kiến, khoảng 4.000 tấn vải tái chế dành cho thị trường EU sẽ được đưa vào sản xuất trong thời gian tới.
Đồng thời tiếp tục hoàn thành làm mẫu các sản phẩm sợi, vải, phát triển thành công các thị trường khác như: Mỹ, Nhật Bản… với cả hai mặt hàng vải là dệt kim và dệt thoi nhằm đưa doanh số của cả hai bên đạt 500 triệu USD vào năm 2025 và 1 tỷ USD vào năm 2030.
Ông Hồ Lê Hùng, Tổng giám đốc Hanosimex nhận định, sản xuất sợi và vải từ xơ tái chế là lĩnh vực mới đối với Hanosimex. Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tập trung nguồn lực, hợp tác chặt chẽ với Hansae để thực hiện thành công dự án này.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, nền kinh tế tuần hoàn và các sản phẩm quần áo thân thiện với môi trường đang là một trong những xu hướng của thị trường dệt may thế giới.
“Từ nay cho tới năm 2050, EU sẽ có những quy định mới về sản phẩm dệt may, trọng tâm là các sản phẩm xanh. Việc ký kết hợp tác chiến lược giữa Hanosimex và Hansae sẽ giúp hai bên tăng khối lượng và tỷ trọng các sản phẩm mặt hàng dệt kim có nguồn gốc tái chế, sản phẩm thời trang xanh thân thiện với môi trường”, ông Trường kỳ vọng.
Với tư cách là công ty mẹ, Vinatex hỗ trợ Hanosimex trong các chương trình về đào tạo nguồn nhân lực, nền tảng quản lý (hệ thống hạ tầng kỹ thuật số) dựa trên lợi ích chung, tuân thủ pháp luật và xu hướng thị trường thời trang trên toàn thế giới.
Với quy mô 40 đơn vị thành viên, cùng mục tiêu chiến lược trở thành một điểm đến, cung ứng trọn gói các sản phẩm xanh cho ngành dệt may và thời trang, Vinatex hướng đến những quan hệ đối tác rộng hơn ngoài lĩnh vực dệt kim, bao gồm: hàng dệt thoi, hàng thể thao và dệt gia dụng…