Hành vi trái pháp luật là gì? Ví dụ về hành vi trái pháp luật

Từ trước đến nay thuật ngữ “hành vi trái pháp luật” rất hay bị nhầm lẫn với “vi phạm pháp luật”. Vậy một hành vi được xác định là hành vi trái pháp luật có đồng nghĩa là hành vi vi phạm pháp luật không? Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê sẽ đi giải đáp cụ thể cho các bạn.

1. Hành vi trái pháp luật là gì?

Pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước đặt ra (hoặc thừa nhận) có tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức và tính bắt buộc chung thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lực Nhà nước và được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điểu chỉnh các quan hệ xã hội.

Hành vi trái pháp luật tiếng Anh là illegal behavior. Có thể hiểu, hành vi trái pháp luật là việc thực hiện không đúng theo những quy định của pháp luật đã đặt ra và được thể hiện dưới một trong ba dạng hành vi cụ thể sau đây:

– Thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm;

– Không thực hiện những hành vi mà pháp luật bắt buộc họ phải thực hiện;

– Thực hiện hành vi vượt quá phạm vi của pháp luật cho phép họ thực hiện.

Hành vi là những phản ứng, cách ứng xử được biểu hiện ra bên ngoài của con người trong những hoàn cảnh điều kiện nhất định. Mỗi hành vi đều được hình thành trên cơ sở nhận thức và kiểm soát của chủ thể, nghĩa là chủ thể ý thức được và chủ động thực hiện nó. Chính ví thế, khi mà ai đó thực hiện hành vi ngược lại với các quy định của pháp luật được nhà nước đặt ra để thực hiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thì có thể hiểu đó là trái pháp luật. Như vậy có thể thấy đặc trưng để xác định một hành vi có được coi là hành vi trái pháp luật hay không là “trái pháp luật”. Trái ở đây là sai trái, theo từ điển tiếng Việt thì sai trái được hiểu là hành vi đi ngược lại với lẽ phải, làm những điều không đúng đắn, không đúng với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Các quy phạm pháp luật sẽ được ghi nhận trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và cũng như trong các điều ước quốc tể mà Việt Nam là thành viên khi tham gia.

Theo quy định tại Điều 4, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định, hệ thống văn bản vi phạm pháp luật của Việt Nam gồm có Hiến pháp; Bộ luật, luật; Pháp lệnh; nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ; Quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp.

Một người thực hiện trái với những quy định được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật trên sẽ được coi là hành vi trái pháp luật.

 

2. Ví dụ về hành vi trái pháp luật

Theo Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định xử phạt về tội giết người như sau:

“1. Người nào giết người thuộc mộ trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Một người được xem là mắc bệnh tâm thần khi có quan giám định pháp y kết luận và được tòa án tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, giết người sẽ là hành vi trái pháp luật hình sự, tuy nhiên sẽ không phải ai trộm cắp cũng bị xử lý hình sự, còn phụ thuộc vấn đề có thỏa mãn cấu thành tội phạm.

Ví dụ cụ thể: Anh Nguyễn Văn M là người mắc bệnh tâm thần, hôm qua anh C có rủ anh A đi trêu chọc M cho vui. C và A không những sử dụng lời nói xúc phạm đến danh dự nhằm khiêu khích trọc tức anh M mà còn có động thái sử dụng tay chân với anh M. Không kiểm soát được hành vi nên anh M đã với ngay cây cuốc gần đấy đập vào đầu làm anh C chết trên đường đi cấp cứu. 

Như vậy, với trường hợp trên hành vi giết người của anh M là hành vi trái pháp luật. 

 

3. Hành vi trái pháp luật có phải là hành vi vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi trái pháp luật, có lỗi và do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện. Hậu quả của vi phạm pháp luật là xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Qua định nghĩa trên ta có thể nhận thấy, hành vi trái pháp luật sẽ chỉ là một trong những điều kiện cần để cấu thành nên hành vi vi phạm pháp luật. Bởi ngoài yếu tố có hành trái pháp luật ra thì một hành vi được xác định là vi phạm pháp luật đáp ứng các điều kiện đó là hành vi đó sẽ do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện và có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, hành vi trái pháp luật không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

 

4. Phân biệt hành vi trái pháp luật với hành vi vi phạm pháp luật

Hành vi trái pháp luật là việc thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật, được thể hiện dưới một trong ba dạng hành vi sau: Thực hiện hành vi mà pháp luật; Không thực hiện hành vi mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện; Thực hiện hành vi vượt quá phạm vi cho phép thực hiện.

Có thể thấy đặc trưng để xác định một hành vi có được coi là hành vi trái pháp luật hay không chính là tính “trái pháp luật” của hành vi.

Trái pháp luật là việc thực hiện ngược lại với quy định của pháp luật được nhà nước đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các quy phạm pháp luật được ghi nhận trong hệ thống văn ban quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi do chủ thể có đủ năng lực hành vi thực hiện làm xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Một hành vi được xác định là vi phạm pháp luật khi đáp ứng đủ các yếu tố sau: Là hành vi trái pháp luật; Có yếu tố lỗi; Do chủ thể có đủ năng lực pháp lý thực hiện, có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật; Hành vi đó xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Như vậy có thể thấy hành vi trái pháp luật và vi phạm pháp luật là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hành vi trái pháp luật chỉ là một trong những điều kiện cần để cấu thành hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài yếu tố có hành vi trái pháp luật, một hành vi được xác định là vi phạm pháp luật nếu hành đó do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện, có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.

Lỗi là khả năng nhận thức của người thực hiện hành vi trái pháp luật về mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả do hành vi gây ra đối với các mối quan hệ xã hội, gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý. Điều này phản ảnh chủ quan của chủ thể thực hiện hành vi đã lựa chọn thực hiện hành vi nguy hiểm thay vì thực hiện các hành vi phù hợp với chuẩn mực, phép tắc xã hội khi hoàn toàn có quyền lựa chon thực hiện hành vi khác. 

Hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với hành vi vi phạm của mình. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi gây ra mà chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu các chế tài xử lí khác nhau. Đó có thể là trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính tùy thuộc vào mối quan hệ xã hội mà chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật xâm phạm. 

Như vây, có thể hiểu một cách đơn giản hành vi trái pháp luật là việc thực hiện trái với quy định của pháp luật. Còn vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật kèm thêm các yếu tố về năng lực chủ thể, độ tuổi, lỗi và xâm phạm đến quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ mới được xác định là vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp bạn còn bất kỳ câu hỏi liên quan đến vấn đề này hay các vấn đề khác như doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình, bảo hiểm xã hội, dân sự,… cần giải đáp về mặt pháp lý các bạn đừng ngần ngại nhấc máy lên và gọi tới số tổng đài 1900.6162 để được đội ngũ luật sư và chuyên viên tư vấn pháp lý với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Chúng tôi rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng. Trân trọng!