Hành vi không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách bị phạt tiền ở mức nào?


Theo quy định hiện hành, hành vi “không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ” bị phạt tiền ở mức nào? – Câu hỏi của chị Minh (Hà Nội)

Mức phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách là bao nhiêu?

Quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có thể bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng:

– Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;

– Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.

Không đội mũ bảo hiểm

Không đội mũ bảo hiểm (Hình từ Internet)

Bị bắt vì không đội mũ bảo hiểm có bị lập biên bản không?

Theo quy định tại Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:

Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Thêm vào đó, việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính

– Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.

– Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.

Như vậy, khi bị bắt với hành vi không đội mũ bảo hiểm thì CSGT sẽ lập biên bản xử phạt thay vì phạt tại chỗ như trước đây. Người vi phạm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

– Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.

Mũ bảo hiểm có mấy loại?

Theo mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5756:2017 thì mũ bảo hiểm được phân thành 4 loại như sau (Hình 1):

– Mũ che nửa đầu: mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên của người đội mũ (Hình 1a).

– Mũ che ba phần tư đầu: mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên và một phần đầu phía sau của người đội mũ (Hình 1b).

– Mũ che cả đầu và tai: mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu và vùng tai của người đội mũ (Hình 1c);

– Mũ che cả đầu, tai và hàm: mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng tai và cằm của người đội mũ (Hình 1d).

a) Mũ che nửa đầu

b) Mũ che ba phần tư đầu

c) Mũ che cả đầu và tai

d) Mũ che cả đầu và tai và hàm