Hành vi hack Facebook của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi hack Facebook của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

(LSVN) – Hành vi truy cập trái phép vào Facebook của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ, hậu quả xảy ra của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Quyền bí mật đời tư, bảo vệ quyền bí mật đời tư, thư tín, điện thoại, điện tín,… là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản khác có liên quan. 

Cụ thể, tại Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn

Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự hiện hành cũng quy định về quyền bí mật đời tư. Theo đó, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Khoản 2 Điều 46 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, bí mật đời tư cá nhân, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Bí mật thư tín là không tiết lộ nội dung của thư từ cho người không phải là chủ thể nhận thông tin. Khái niệm bí mật thư tín chỉ được sử dụng cho trường hợp người gửi và người nhận đều là những chủ thể xác định: thư tín chỉ cần được giữ bí mật một khi được coi là một phần của cuộc sống riêng tư, tức là cuộc sống của một người được xác định. Do đó nếu như thư tín được gửi cho công chúng, công khai thì không cần được giữ bí mật.  

Hiện nay, tình trạng người nổi tiếng bị hack tài khoản mạng xã hội đang diễn ra rất phổ biến. Các hacker có nhiều mục đích, động cơ để làm việc này. Có thể là tò mò về những thông tin cá nhân vì những người nổi tiếng là người được công chúng quan tâm và bất kỳ thông tin cá nhân nào của họ cũng đều được “săn đón” nhiệt tình. Một động cơ khác là để đe dọa, đòi tiền chuộc,… Dù với bất kỳ mục đích, động cơ nào thì hành vì cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm.

Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trên không gian mạng, bao gồm: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;…

Hành vi truy cập trái phép vào Facebook của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ, hậu quả xảy ra của hành vi mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Bị xử phạt hành chính tối đa 50 triệu đồng

Về xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng, hiện nay sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện. Cụ thể:

– Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.

– Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác;

+ Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;

+ Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;

+ Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;

+ Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.

Như vậy, thông thường, nếu chỉ hack Facebook người khác chỉ bị phạt hành chính 10 triệu đồng. Nhưng nếu với mục đích xâm nhập thu thập thông tin, thay đổi, xóa bỏ thông tin… sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.

Trường hợp hành vi truy cập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để xâm phạm bí mật thư tín, điện tín, điện thoại đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác”. Hiện nay, khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 03 năm tù giam nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng quyền hạn, làm nạn nhân tự sát…

Tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” là hành vi cố ý xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại hoặc điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư cảu người khác trái pháp luật. Đối tượng tác động của tội phạm này là thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông (nhưng không phải là của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hoặc của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang).

Hành vi khách quan của tội phạm này được thể hiện dưới dạng hành vi sau: chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật,… Hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi chủ thể đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà họ đã thực hiện trước đó, tức về quá khứ chủ thể đã có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác và đã bị xử lý kỷ luật (quyết định kỷ luật của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội như khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc…) hoặc xử phạt vi phạm hành chính (quyết định xử phạt theo pháp luật về xử phạt hành chính như cảnh cáo, phạt tiền) mà lần này vẫn còn vi phạm.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ và mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội này rất đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Ngoài ra, hack Facebook người khác dù chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính nhưng thu lợi bất chính có giá trị lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến uy tín của người khác; tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác…. thì vẫn có thể bị xử lý hình sự

Cụ thể trường hợp hành vi vi phạm bí mật điện tín điện thoại ở dạng đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” được quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.

Tội phạm này được thực hiện thông qua một trong các hành vi như: đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật như thông tin có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; kích động tội ác, tệ nạn xã hội, thuần phong mỹ tục; hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu hoặc người quản lý thông tin đó; hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông như theo dõi thu thập bất hợp pháp về cá nhân, tổ chức khác, không được phép sử dụng thông tin nhưng vẫn sử dụng…

Hậu quả của tội phạm này là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm, hành vi trên chỉ bị coi là tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp: thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên; gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; dẫn đến biểu tình; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý.

Quy định về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính điện tử của người khác”

Trường hợp có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự năm 2015.

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi truy cập vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý điều hành mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử đó.

Hành vi được thực hiện thông qua các phương thức như: vượt qua cảnh báo là vượt qua thông báo không cho phép người không có thẩm quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu, vượt qua mã truy cập là vượt qua những điều kiện bắt buộc đáp ứng một tiêu chí chuẩn nhất định trước khi sử dụng, truy cập tới thiết bị, nội dung dữ liệu được bảo vệ, vượt qua tường lửa để xâm nhập trái phép, trong đó tường lửa là tập hợp các thành phần hoặc một hệ thống các trang thiết bị, phần mềm hoặc phần cứng được đặt giữa hai hay nhiều mạng nhằm kiểm soát tất cả những kết nối từ bên trong ra bên ngoài và ngược lại, đồng thời ngăn chặn việc xâm nhập, kết nối trái phép; sử dụng quyền quản trị của người khác là sử dụng quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trí hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông của cá nhân, tổ chức; các phương thức xâm nhập trái phép khác như bẻ khóa, trộm mật khẩu, mật mã của người khác để xâm nhập trái phép hoặc xâm nhập vật lý như mở khóa cửa vào phòng khu vực không thuộc phận sự để truy cập vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hành vi truy cập trái phép bằng một trong các thủ đoạn trên, hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm. Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý, mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Mục đích xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử gồm: chiếm quyền điều khiển mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử..; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử làm cho phương tiện đó hoạt động không đúng hoặc xử lý số liệu sai, có lợi cho người phạm tội; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu; sử dụng trái phép dịch vụ mạng máy tính, mạng viễn thông.

Như vậy, hành vi truy cập trái phép tài khoản facebook, email… của người khác tùy tính chất, mức độ hành vi, hậu quả mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình những bất hợp lý từ thực tiễn và kiến nghị