Hành trình vượt núi của những nữ đại biểu dân cử
Với vốn sống, sự am hiểu về vùng cao, dân tộc miền núi và sự nhạy cảm vốn có của người mẹ, người chị, những nữ đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái các thời kỳ khi tham gia nhiệm vụ của người đại biểu dân cử đã có những đóng góp quan trọng trên nghị trường cũng như thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương ổn định và phát triển.
Đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, cần quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh.
Vượt suối, băng rừng tìm chữ
Tuyến đường từ thành phố Yên Bái lên huyện vùng cao Mù Cang Chải dài 200 km với nhiều đoạn đèo dốc quanh co, khúc khuỷu, song mặt đường khá đẹp, dễ di chuyển. Bởi vậy, những em học sinh người dân tộc Mông được bố mẹ đưa về trường bằng xe máy, gương mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi… Thực tế này khác xa hơn 20 năm trước, khi ấy, đại biểu Quốc hội khóa XV – Khang Thị Mào mới chập chững những bước đầu tiên xuôi núi, xuống huyện theo học con chữ.
Khó khăn, thiếu thốn và những hủ tục, quan điểm lạc hậu giai đoạn đó, nhưng mẹ của Mào – một người phụ nữ chưa từng được đi học, lại muốn cho cô con gái bé bỏng của mình phải đi học để biết cái chữ. Đây chính là điều may mắn nhất đối với Mào, bởi khi ấy, đồng bào Mông thường không cho con gái đi học.
“Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân, có 10 anh chị em tại xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Bố mẹ và anh chị đều là những người không biết chữ. Mình là đứa con duy nhất trong gia đình cũng là người con gái đầu tiên của xã Cao Phạ được tham gia học tập tại trường nội trú huyện”.
Xuống trường, quá trình học tập gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Khang Thị Mào chưa một ngày bỏ bê việc học tập, tối ngày miệt mài học chữ, ngày nghỉ hay cuối tuần thì chăm chỉ trồng rau cải thiện bữa ăn…
“Bản thân tôi lúc nào cũng có một khát vọng là phải học tập để thay đổi cuộc sống, học tập để thoát khỏi đói nghèo và mong muốn rằng bản thân là một tấm gương phụ nữ người dân tộc thiểu số trong học tập để thu hút chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia học tập, nhất là chị em phụ nữ người dân tộc Mông”.
Thầy giáo Cố Trường Khánh, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải vẫn nhớ như in những năm tháng trực tiếp đứng lớp giảng dạy những đứa học trò nghèo, nhưng ý chí vươn lên thì rất cao.
“Em Mào rất tích cực trong học tập, ý thức tự học tự rèn rất cao, tham gia rất sôi nổi trong các hoạt động phong trào. Trong các giờ tự học, những bạn nắm bài chưa sâu thì em Mào giảng giải, giúp các bạn tìm hiểu bài và chuẩn bị bài lên lớp”.
– Đến năm 2022, Yên Bái đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
– Ở bậc trung học cơ sở, toàn tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
– 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
– Công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi được duy trì và từng bước nâng cao từ năm 2015 đến nay.
Bà Triệu Thị Bình trong một lần tham gia ý kiến trên diễn đàn Quốc hội.
Cũng có một hành trình nhọc nhằn vượt núi đi tìm con chữ, bà Triệu Thị Bình, đại biểu quốc hội khoá XI, XII (nay là Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Yên Bái) giờ nghĩ lại vẫn thấy tự hào về tuổi thơ “dữ dội” của mình. Khi đó, cô bé Bình là con út trong một gia đình nông dân có 5 người con, bố bị bệnh và mất lúc Bình mới 5 tuổi.
“Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn miền núi thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, bắt đầu đi học lớp vỡ lòng đến lớp 9, mỗi buổi sáng tôi phải đi bộ 5km để đến trường và đi chân đất do đường đất lầy lội cả 4 mùa, người và trâu đi chung một đường, hai là nhà nghèo nên không có xe để đi…”
Sau khi học xong cấp trung học cơ sở ở trường xã, được các anh chị trong gia đình động viên nên Triệu Thị Bình tiếp tục xuống thành phố theo học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái. Lúc bấy giờ, con em người dân tộc thiểu số rất ít người học đến cấp 3, bởi “ăn còn chưa đủ no thì nghĩ gì đến đi học”.
“Quá trình học tập, sinh hoạt ở trường dân tộc nội trú, được gặp các bác lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh đến thăm trường và có phát biểu về tình hình đất nước, tình hình của tỉnh và nhất là về vùng sâu, vùng xa. Từ đó bản thân thêm hiểu và yêu quê hương hơn và thêm nỗ lực học tập với mong muốn sau này có thể đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương”, Triệu Thị Bình chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Hàng cầm lá phiếu bầu lãnh đạo Nhà nước tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VI năm 1976 (ảnh: Kỷ yếu 70 năm Quốc hội Việt Nam)
Bà Hoàng Thị Hàng, dân tộc Tày ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái năm nay 83 tuổi cũng vẫn nhớ như in những nỗ lực vượt bậc của bản thân, từ ngày bé vượt khó đi học bình dân học vụ; khi biết chữ thì đi dạy vỡ lòng, đến tuổi thanh niên thì làm Bí thư đoàn, dần trưởng thành, vững vàng như cây rừng trên núi đá Nà Kèn, rồi trở thành nữ đại biểu quốc hội Quốc hội các khóa V, VI.
Khi ấy, đường ra huyện, ra tỉnh, rồi về Hà Nội dự các kỳ họp Quốc hội mất hai, ba ngày trời, song bà Hàng vẫn vừa làm tốt nhiệm vụ Bí thư phụ trách xã kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã Gia Tự nổi tiếng trong vùng, vừa nuôi 3 con trưởng thành trong bối cảnh chồng là bộ đội đi kháng chiến, lại vừa đảm đương xuất sắc công việc của một nữ đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói của chị em phụ nữ và nông dân miền núi, vùng cao.
“Đi lúc bấy giờ chưa có đường xá như thế này đâu, Ủy ban tỉnh có 3 xe, một xe Uoát là xe khỏe nhất đưa đón bà, cả làng đưa”, bà Hàng nhớ lại.
Đưa “nguyện ước” của vùng cao đến diễn đàn Quốc hội
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, trong những nhiệm kỳ vừa qua, tỷ lệ đại biểu nữ trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái luôn chiếm từ 30 – 50%, trong đó có nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số. Quá trình hoạt động trong tư cách đại biểu dân cử, các bà, các chị luôn đi sâu, đi sát, nắm vững tình hình địa phương, cơ sở, cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng: Không chỉ hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân mà nhiều nữ đại biểu Quốc hội còn trở thành những cán bộ chuyên môn giỏi hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất sắc…
“Các đại biểu nữ đã tham gia tích cực, trách nhiệm và chất lượng đối với các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao cũng như quyết định chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, nhất là các chính sách liên quan tới bình đẳng giới, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bằng sự tinh tế, nhạy bén của phụ nữ, các đại biểu nữ cũng có nhiều sáng kiến, nhiều góc nhìn mới về đời sống kinh tế xã hội, từ đó đưa ra nhiều đóng góp, phản biện sâu sắc trên các diễn đàn của Quốc hội, được các cơ quan của Quốc hội, cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao các đại biểu nữ”, ông Duy cho biết.
Vừa lật giở tập kỷ yếu 70 năm Quốc hội Việt Nam, nhìn tấm ảnh bản thân đang cầm trên tay lá phiếu bầu lãnh đạo cơ quan Nhà nước tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VI (năm 1976), sau ngày đất nước thống nhất, bà Hoàng Thị Hàng vừa cho biết, hồi ấy mỗi phiên họp ngắn chứ không như hiện nay, nhưng vẫn đảm bảo quyết định đầy đủ các vấn đề trọng đại của đất nước và bà đã tham gia vào tất cả những nội dung quan trọng ấy.
“Trên Quốc hội thì rất là phấn khởi, mình đã hoàn thành được nhiệm vụ và còn trả lời được tất cả những câu hỏi của các nhà báo phỏng vấn”, bà Hàng nhớ lại.
Trong thời gian làm đại biểu Quốc hội, bà Triệu Thị Bình cho biết, luôn nói lên những tiếng nói của cử tri vùng cao.
Bà Triệu Thị Bình, nguyên đại biểu quốc hội các khoá XI, XII (nay là Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Yên Bái) còn nhớ, khi mới tham gia ứng cử và tiếp xúc cử tri vận đồng bầu cử, khi ấy run lắm, nhưng giờ đây, bà tự hào về những gì mình đã làm trong suốt chặng đường vinh dự và đầy trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.
Bà Bình cho biết, trong những kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI, bà luôn cố gắng tập trung nghiên cứu các tài liệu trình tại Kỳ họp, lắng nghe và học hỏi các đại biểu khác có nhiều kinh nghiệm ở các lĩnh vực để hoàn thiện mình.
“Dần dần tôi đã mạnh dạn tham gia phát biểu thảo luận tại tổ và Hội trường vào nhiều nội dung ở mỗi kỳ họp, trong đó tôi tập trung vào các lĩnh vực: y tế, văn hoá, giáo dục và về quyền lợi của phụ nữ và trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi… Lĩnh vực y tế, tôi đã tham gia đóng góp ý kiến vào công tác xã hội hóa bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; giải pháp khắc phục những bất cập, sự thiếu thống nhất trong công tác quản lý hoạt động y tế ở cấp huyện, cấp xã khi thực hiện tách riêng phòng y tế và bệnh viện huyện. Lĩnh vực văn hoá, tôi đã đề nghị với cơ quan chức năng có quy định quản lý chặt chẽ các lễ hội; đề nghị nghiên cứu một cách có khoa học về những vấn đề thuộc tiềm năng con người; vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Tôi cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp khắc phục tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học…”, bà Bình nhớ lại.
Cũng như đại biểu Triệu Thị Bình, “sơn nữ” người Mông – Khang Thị Mào sau những ngày học hỏi cần mẫn, đã nhanh chóng trưởng thành. Trước mỗi Kỳ họp, chị đều dành nhiều thời gian để nghiên cứu tất cả các nội dung của Kỳ họp, đồng thời sát sao ghi nhận những vấn đề cử tri và nhân dân đề cập. Từ đó, trên diễn đàn Quốc hội, chị tham gia đóng góp những ý kiến hết sức cụ thể, sát thực tế.
“Tôi thường lựa chọn tham gia góp ý kiến vào những dự án luật liên quan đến vùng đồng bào thiểu số, vùng núi. Ví dụ như là Luật khám chữa, bệnh. Khám, chữa bệnh ở trên vùng sâu, vùng xa thì chính sách bảo hiểm y tế được Nhà nước hỗ trợ rất kịp thời, tuy nhiên, danh mục khám chữa bệnh chỉ ở trong hạn mức thôi, cho nên khó cho đồng bào người dân tộc thiểu số. Khi khám bệnh, bảo hiểm y tế mà không đủ chi trả, người dân có thể bỏ tính mạng của mình để về quê”, Triệu Thị Bình chia sẻ.
Đóng góp vào Luật Hợp tác xã, chị Mào cho rằng, ở địa phương, tổ hợp tác và hợp tác xã rất dễ thành lập, tuy nhiên không có kinh phí nhà nước hỗ trợ thì không dễ thực hiện; Về Luật đất đai, ở vùng cao người dân hầu như làm nông, khi cao tuổi bố mẹ muốn nhường lại cho con, nhưng mà con lại đang là cán bộ, không làm nông nghiệp nên không được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp. Chị Mào cũng thường xuyên quan tâm đến quyền lợi của chị em phụ nữ vì hiện nay tỷ lệ cán bộ nữ dân tộc thiểu số rất hạn chế, cần có chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng để phụ nữ vùng cao nâng cao trình độ…
Quốc hội là trường học lớn
Ông Đỗ Đức Duy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhận xét, các nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái luôn chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực học tập, rèn luyện công tác; qua đó, đều có những bước phát triển, trưởng thành vượt bậc.
Không chỉ hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân mà nhiều người còn trở thành những cán bộ chuyên môn giỏi hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất sắc, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng như việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác.
Bà Hoàng Thị Hàng nhớ lại những tháng ngày làm đại biểu Quốc hội khi xem Kỷ yếu 70 năm Quốc hội Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Hàng sau khi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội hai khóa đã trở về đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, góp sức không nhỏ đưa xã trở thành một miền quê núi đáng sống, nhân dân hạnh phúc. Nay 83 tuổi, hàng ngày, bà vẫn dõi theo những hoạt động của Quốc hội, tự hào về những đóng góp của bản thân vào tiến trình phát triển của Quốc hội suốt 77 năm qua.
“Ủng hộ của toàn dân và cố gắng của bản thân thì tôi cũng hoàn thành được nhiệm vụ. Trong quá trình làm việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là điều phấn khởi nhất”, bà Hàng bày tỏ.
Đại biểu quốc hội khóa XI, XII – Triệu Thị Bình hiện là Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, luôn sát cơ sở, gắn bó chặt chẽ với nhân dân để làm tốt chức năng tham mưu, giám sát đối với lĩnh vực dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bà Bình chia sẻ, một trong những may mắn nhất của mình là được tham gia làm đại biểu dân cử, đóng góp một phần nhỏ bé vào hoạt động của Quốc hội; ở đó bà lĩnh hội được rất nhiều kiến thức để trưởng thành.
Hội trường Quốc hội là một trường đại học rất lớn, từ đấy, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thì mình cũng đã lĩnh hội được các kiến thức, kỹ năng, quá trình hoạt động ở Hội đồng nhân dân thì cũng rất là thuận lợi.
Đại biểu Quốc hội khoá XV thuộc thế hệ 8X Khang Thị Mào cũng cho rằng: Nghị trường Quốc hội làm mình trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống. Vui hơn cả là nỗ lực vượt núi đi tìm con chữ của chị đã “truyền lửa” để thế hệ trẻ hôm nay tích cực học tập, phấn đấu vươn tới những ước mơ.
Những câu chuyện về Khang Thị Mào vẫn được các thầy cô giáo kể với các thế hệ học sinh, hun đúc ước mơ và nỗ lực phấn đấu cho các em.
Em Trang A Cành và em Giàng Thị Tâm – hai học sinh người Mông đang học tập tại trường dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải – nơi đại biểu Khang Thị Mào từng học tập bày tỏ, khi các em vào học thì cô Mào đã ra trường, chỉ được nghe các thầy cô kể về cô Mào, một lớp trưởng có nhiều đóng góp cho nhà trường, đã từng nhiều lần thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Các em lấy cô Mào là động lực để cố gắng học tốt hơn và phát triển như cô, được đi học các trường lớn như cô và trở thành người có ích cho xã hội.
– Nhiều năm trở lại đây, Yên Bái duy trì tốc độ tăng trưởng khá: năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,1%, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; năm 2022 tăng 8,62%, là mức cao nhất kể từ năm 2015.
– Mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn kể từ đầu nhiệm bình quân đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
– Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn xấp xỉ 13%; mục tiêu phấn đấu là đến hết năm 2025, số hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 5%.
– Năm 2022, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đã đạt hơn 62%, ở mức 2 – là mức khá hạnh phúc.
Những kết quả này có sự đóng góp không nhỏ cuả đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái các thời kỳ. Những cán bộ dân cử này đã làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, đưa tiếng nói của cử tri vùng cao, miền núi, vùng đồng bào dân tộc đến Quốc hội, Chính phủ; qua đó, giúp Trung ương kịp thời ban hành những chính sách thiết thực, phù hợp, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương miền núi này./.