Hành trình từ cô bé nghèo ở vùng núi trở thành nữ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp đầy quyền lực: Tất cả nhờ vào sự giáo dưỡng nghiêm khắc của bố mẹ
Mặc dù bản thân là người Hồi giáo, lại không phải sinh ra ở Pháp, thế nhưng, Najat Vallaud-Belkacem lại là nữ chính khách quyền lực khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ giáo dục Pháp vào ngày 26/8/2014.
Luôn xuất hiện trong hình ảnh rạng ngời, với nụ cười tươi rói, ít ai biết rằng hành trình trở thành người phụ nữ quyền lực và có tầm ảnh hưởng bậc nhất của Vallaud-Belkacem lại không hề dễ dàng một chút nào. Tất cả đều nhờ vào những quy tắc nghiêm ngặt của gia đình cũng như đức tính làm việc chăm chỉ, siêng năng và tháo vát của cha thấm nhuần vào người con Ma-rốc tài năng này.
Luôn xuất hiện trong tâm thế rạng ngời nên ít ai biết rằng con đường đi đến thành công của nữ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp lại lắm chông gai, trắc trở.
Được biết, Najat Vallaud-Belkacem (sinh năm 1977) là con thứ hai trong một gia đình Hồi giáo nghèo có bảy anh chị em. Ngôi nhà thời thơ ấu của Vallaud-Belkacem là một trang trại biệt lập với những bức tường đất đỏ và mái tranh ở vùng núi Rif thuộc miền bắc Ma-rốc.
Trong ký ức của cô là những chuyến chở nước từ giếng gần đó về nhà với chị gái của mình, Fatiha, hiện đang là luật sư sinh sống ở Paris, và giúp ông nội chăm sóc đàn dê. Bố của cô, ông Ahmed, đã di cư đến thị trấn Abbeville, phía bắc nước Pháp, trước khi cô được sinh ra. Khi Vallaud-Belkacem lên 4 tuổi, bố tìm được một công việc ở nhà máy sản xuất ô tô của Pháp, Renault. Với tư cách là một người lao động phổ thông, ông đã đưa vợ và hai con gái của mình cùng đi.
Vallaud-Belkacem chia sẻ: “Tuổi thơ của tôi trải qua như mọi cô gái nông thôn bình thường khác. Gia đình tôi khá nghèo. Trong những ký ức khắc sâu, tôi nhớ đã cùng với ông nội chăm sóc những con dê. Chuyển nước từ giếng về nhà vì chúng tôi không có nước, và cũng không có điện. Tuy rằng tôi không có nhiều kỷ niệm cụ thể, nhưng tôi luôn mang theo cảm giác về cuộc sống của một gia đình hạnh phúc. Sau đó, vào năm 1982, khi tôi lên bốn tuổi, chúng tôi đến Pháp cùng với bố, người đã di cư đến đây từ năm 1975 để làm việc trong ngành xây dựng”.
Vallaud-Belkacem khi còn bé.
Khi đến Pháp, tuy sống tại vùng ngoại ô Amiens, cách thành phố Paris hoa lệ 120km, nhưng cô thôn nữ Vallaud-Belkacem vẫn bị choáng ngợp bởi lượng xe cộ khổng lồ tấp nập – điều mà trước đây cô chưa từng được thấy. Chưa hết, Vallaud-Belkacem còn bị sốc khi không biết nói một từ tiếng pháp nào. Gia đình cô lại phải vật lộn để có một cuộc sống ổn định. Họ phải vừa làm việc, vừa thích nghi với nền văn hóa mới, cuộc sống mới.
“Thật sự, khi phải rời khỏi đất nước, gia đình để đến một nơi khác, bạn sẽ cảm thấy không đành lòng. Cha tôi đã có công việc của mình, nhưng đối với chúng tôi, nhất là mẹ, rất khó để có thể làm quen với mọi thứ”, Vallaud-Belkacem cho biết thêm. “Chúng tôi sống ở một khu phố nghèo của thị trấn. Bố tôi là công nhân, mẹ tôi ở nhà làm nội trợ, trong khi gia đình có tới bảy người con. Chúng tôi đã phải tiết kiệm từng đồng xu nhỏ nhất”.
Tuy cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng đức tính làm việc chăm chỉ, siêng năng tháo vát của cha đã thấm nhuần vào trong tư tưởng của Vallaud-Belkacem, nên cô luôn nỗ lực cố gắng trong tất cả mọi chuyện. Chưa kể, ông Ahmed còn đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt dành cho hai cô con gái: Không được yêu đương sớm và tuyệt đối không được đi đến các quán bar trước khi được 18 tuổi. Nhờ vậy, chị em Vallaud-Belkacem đều dồn hết lực vào việc học tiếng Pháp. Sau 1 năm, Vallaud-Belkacem đã nói thông viết thạo ngôn ngữ thứ hai của mình.
Nữ bộ trưởng Giáo dục Pháp kể: “Bố tôi rất nghiêm khắc, nên ngoài giờ học ở trường, tôi hầu như không ra khỏi nhà. Và sách đã trở thành người bạn thân nhất của tôi. Tôi đọc các sách tiểu thuyết và kinh dị bằng tiếng Pháp. Bởi tôi hiểu rằng nếu không nói được tiếng Pháp thì cánh cửa tương lai sẽ đóng sầm ngay trước mắt. Còn mẹ tôi thì luôn nói rằng “Cuộc sống phong phú hơn những gì mà con tưởng tượng. Nếu con gặp bế tắc hoặc thất bại ở trong bất cứ lĩnh vực nào, hãy biến nó thành cơ hội”.
Năm 18 tuổi, Vallaud-Belkacem đã nhận được quốc tịch Pháp.
Năm 18 tuổi, Vallaud-Belkacem đã nhận được quốc tịch Pháp trước khi đăng ký vào khoa Luật, trường đại học Picardie Jules Verne ở Amiens. Rồi sau đó, cô tiếp tục nhận được học bổng của Viện Nghiên cứu Chính trị Paris. Trong thời gian học thạc sĩ, để giảm bớt áp lực tài chính cho gia đình, Vallaud-Belkacem đã làm 2 công việc làm thêm cùng một lúc.
Nhân duyên đưa đẩy, trong những năm tháng thanh xuân, Vallaud-Belkacem đã gặp được ý trung nhân của mình, anh Vladimir Vallaud. Hai người kết hôn vào năm 2005 và cùng nhau bước chân vào con đường chính trường.
Vào ngày 26/8/2014, Vallaud-Belkacem chính thức được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp – người phụ nữ đầu tiên, cũng là người Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử chính trị Pháp giữ cương vị này. Nữ Bộ trưởng Giáo dục này được báo chí quốc tế gọi là “gương mặt mới của nước Pháp”, đại diện cho tinh thần của một đất nước đang có nhiều đổi mới.
Có thể thấy rằng, dù sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn, bản thân phải đương đầu với mọi trắc trở ngay từ khi còn bé, nhưng nhờ vào sự rèn giũa nghiêm khắc cũng như được nhìn thấy tấm gương chăm chỉ làm việc hàng ngày của bố mẹ, mà Vallaud-Belkacem đã đạt được thành công như ngày hôm nay.