Hành trình Tập đoàn Hoàn Cầu vào tay ông chủ mới
Tập đoàn Hoàn Cầu từ 100% thuộc gia đình ông Nguyễn Chấn – bà Tư Hường và con trai cả, chỉ trong vòng hai năm từ 2016 – 2018, di sản nghìn tỉ của bà Tư Hường đã về tay ông Phan Đình Tân 99% cùng quyền kiểm soát HĐTV và Ban điều hành.
Lộ diện chủ sở hữu mới của Tập đoàn Hoàn Cầu
Ông Phan Đình Tân – Tổng giám đốc Hoàn Cầu
Thành lập từ năm 1993, Công ty TNHH Hoàn Cầu, còn được biết đến là Tập đoàn Hoàn Cầu, với vốn điều lệ 193 tỉ đồng, do bà Trần Thị Hường (Tư Hường) làm Chủ tịch hội đồng thành viên.
Năm 2015, Hoàn Cầu tăng lên 1.170 tỉ đồng. Đến năm 2016, cơ cấu cổ đông công ty thay đổi chóng mặt so với thời điểm thành lập.
Theo tìm hiểu của người viết, hiện 99% vốn điều lệ của Hoàn Cầu do ông Phan Đình Tân nắm, ông Tân cũng giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn. Còn lại 1% do bà Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng nắm.
Ông Phan Đình Tân không phải là cái tên xa lạ với các thành viên trong gia đình sáng lập Hoàn Cầu cũng như Nam A Bank. Cùng quê hương Bình Định với thế hệ bà Tư Hường và ông Nguyễn Chấn, ông Tân giữ chức Tổng giám đốc Hoàn Cầu gần như toàn bộ quãng thời gian kể từ khi công ty này thành lập (năm 1990) cho đến hiện tại.
Người đàn ông sinh năm 1954 là một trong những “khai quốc công thần”, góp phần tạo nên quy mô của Hoàn Cầu như hiện nay.
Thay đổi cơ cấu cổ đông Tập đoàn Hoàn Cầu qua các năm
Số liệu: Bạch Mộc. Thiết kế: Alex
Tháng 7/2016, sau hơn 26 năm giữ chức Tổng Giám đốc tại Hoàn Cầu, ông Tân bất ngờ nhường vị trí này cho bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (sinh năm 1975), là con gái của bà Tư Hường và ông Nguyễn Chấn.
Thời điểm này, cơ cấu Hoàn Cầu hoàn toàn thuộc về gia đình bà Tư Hường – ông Nguyễn Chấn. Ông Chấn là cổ đông lớn nhất nắm 51,78% vốn điều lệ, bà Hường sở hữu 38,21% vốn và 10,01% còn lại thuộc về con trai cả Nguyễn Quốc Toàn (sinh năm 1970).
Tháng 11/2016, toàn bộ sở hữu của bà Tư Hường tại Hoàn Cầu được chuyển giao về cho ông Nguyễn Chấn (do bà Tư Hường bệnh, ông Chấn lúc này sở hữu 89,99% vốn điều lệ); còn phần vốn của con trai Nguyễn Quốc Toàn được chia 4 cho ông Nguyễn Quốc Cường 2%, bà Nguyễn Thị Thanh Vân 2%, ông Phan Đình Tân 2% và ông Toàn chỉ còn giữ lại hơn 4%.
Vài tuần sau, ông Nguyễn Quốc Cường trở thành Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Hoàn Cầu mặc dù chỉ sở hữu 2% vốn điều lệ, bà Nguyễn Xuân Thủy ngồi ghế Tổng giám đốc công ty chưa đầy nửa năm.
Được biết, ông Nguyễn Quốc Cường (sinh năm 1960), thường trú tại thôn Phước Trung, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ông Cường từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Đại học Quang Trung (TP Quy Nhơn – Bình Định), trường đào tạo nhân lực cho Tập đoàn Hoàn Cầu. Hiện chức vụ này đã được chuyển giao lại cho ông Phan Đình Tân.
Tháng 5/2017, ông Phan Đình Tân quay trở lại vị trí Tổng giám đốc, đồng thời nắm giữ luôn chức Chủ tịch HĐTV từ ông Nguyễn Quốc Cường.
Tháng 11/2017, toàn bộ sở hữu của các cổ đông gồm ông Nguyễn Chấn (89,99%), ông Nguyễn Quốc Toàn (4,01%) và bà Nguyễn Thị Thanh Vân (4%) được chuyển giao cho một cá nhân khác là ông Dương Tiến Dũng. Riêng tỉ lệ sở hữu của ông Phan Đình Tân giữ nguyên 2%.
Ông Dương Tiến Dũng hiện là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Diamond Nha Trang, thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ngoài ra ông cũng đang là thành viên HĐQT của CTCP Cấp thoát Nước Bến Tre (Hoàn Cầu sở hữu 15%), nơi ông Phan Đình Tân cũng là thành viên HĐQT (ông Tân đại diện cho phần vốn của Hoàn Cầu).
Tháng 7/2018, 99% vốn điều lệ của Tập đoàn Hoàn Cầu được chuyển về cho ông Phan Đình Tân, 1% còn lại thuộc về bà Nguyễn Thị Liệu.
Tháng 12/2018, bà Nguyễn Thị Liệu chuyển phần sở hữu này lai cho cá nhân Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng.
Theo cập nhật mới nhất, ông Phan Đình Tân đang là người đại diện pháp luật của một vài doanh nghiệp khác gồm CTCP Cấp thoát Nước Lâm Đồng, Công ty TNHH Diamond Star Bến Tre và CTCP Sao Sáng.
Ông Tân cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Á. Cá nhân ông nắm gần 8,6 triệu cổ phần ngân hàng, chiếm khoảng 2,86% vốn điều lệ tính đến 31/8/2014.
Hồi cuối năm 2018, vốn điều lệ của Nam A Bank đạt 3.353 tỉ đồng, rất có thể tỉ lệ sở hữu này có sự thay đổi.
Hoàn Cầu, ông lớn bất động sản nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa
Quay trở lại Tập đoàn Hoàn Cầu, đây là doanh nghiệp do bà Tư Hường cùng chồng thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ 193 tỉ đồng, hiện tăng lên 1.170 tỉ đồng. Công ty sở hữu gần 40 công ty thành viên tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa, TP HCM, Đà Lạt, Đồng Nai…
Mảng kinh doanh chính là bất động sản, doanh nghiệp này thường đầu tư bất động sản lớn tại vị trí đẹp, đồng thời liên doanh với các doanh nghiệp Nhà nước được giao đất, qua đó đầu tư thu lợi nhuận hoặc chuyển nhượng dự án.
10 dự án lớn của Hoàn Cầu tại Khánh Hòa; trong đó 7 dự án, doanh nghiệp được UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho từ những năm 2001-2004.
Diamond Bay (xã Phước Đồng) là một trong những dự án lớn nhất của tập đoàn này, được đầu tư và quản lý bởi Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang. Với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 4 tỉ USD, dự án bao gồm 15 resorts, hơn 15.000 phòng khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng và 4.000 biệt thự trên biển cùng nhiều hạng mục khác như sân golf, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học khu vui chơi giải trí… Một phần của dự án hiện đã được đưa vào khai thác và từng là nơi tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ thế giới năm 2008.