Hành trình 20 năm lập nghiệp của BKAV: Từ dự án sinh viên Bách Khoa tới tập đoàn bảo mật, sản xuất điện thoại
Ngày 28/12, trên trang Facebook cá nhân, CEO Nguyễn Tử Quảng đã có những chia sẻ về mốc 20 năm tuổi của Tập đoàn BKAV.
Trước khi trở thành CEO BKAV, ông Nguyễn Tử Quảng đã được biết đến từ những năm 1995 khi nghiên cứu và tạo ra phiên bản đầu tiên của phần mềm diệt virus “made in Vietnam”. Thời điểm đó, ông mới chỉ là sinh viên năm ba khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông Nguyễn Tử Quảng từng viết phần mềm diệt virus BKAV khi còn là sinh viên đại học. (Ảnh: Dân trí).
Mục Lục
Từ một dự án trong trường đại học
Năm 1997, ông Quảng được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa CNTT sau khi tốt nghiệp. Tại đây, ông tiếp tục nghiên cứu BKAV và các chương trình khác. BKAV vào lúc này được biết tới là một nhóm sinh viên tình nguyện, làm việc phi lợi nhuận trong lĩnh vực phòng chống, khắc phục sự cố máy tính.
Sau đó, ngày 28/12/2001, một đơn vị trong lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam được ra đời, lấy tên gọi là Trung tâm An ninh mạng Bkis (Bách khoa Internet Security), hoạt động dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa. Ông Nguyễn Tử Quảng trở thành giám đốc của trung tâm này.
Trong những năm tiếp theo, trung tâm tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với trọng tâm là bảo mật an toàn dữ liệu. Tới năm 2004, Bkis đã trang bị một số lượng lớn thiết bị mạng, thiết bị an ninh chuyên dụng, cùng với đó là đào tạo đội ngũ hơn 50 chuyên gia an ninh mạng.
Một năm sau đó, BKAV chính thức trở thành phần mềm thương mại với các sản phẩm BkavPro, BkavEnterprise và BkavGateWayScan sau 10 năm cung cấp miễn phí.
Tới công ty bảo mật dữ liệu
Giai đoạn 2006 – 2010 là thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ hội nhập trên thị trường số hóa. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mà số lượng tội phạm trên không gian mạng tăng lên, qua đó gây ra nhiều nỗi lo với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là thời kỳ chứng kiến sự nổi bật của BKAV và ông Nguyễn Tử Quảng. BKAV là công ty đầu tiên trên thế giới công bố phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng trên Google Chrome chỉ vài ngày sau khi trình duyệt này ra mắt (9/2008).
Ngoài ra, theo thông tin tự công bố, BKAV cũng là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới xác định được nguồn gốc cuộc tấn công vào hàng loạt website của cơ quan chính phủ Mỹ, Hàn Quốc, bao gồm cả website của tổng thống Hàn Quốc (Tháng 7/2009).
Năm 2013, BKAV hoàn tất quá trình chuyển đổi mô hình, chính thức trở thành tập đoàn. Ông Nguyễn Tử Quảng trở thành Chủ tịch kiêm CEO.
Chuyển hướng sang điện thoại
Mẫu Bphone đầu tiên ra mắt năm 2015 đã gây được sự chú ý với giới công nghệ. (Ảnh: Brands Vietnam).
Năm 2015 đánh dấu sự kiện quan trọng đối với BKAV. Chiếc điện thoại thông minh đầu tiên được tập đoàn nghiên cứu và phát triển có tên Bphone đã được ra mắt thị trường.
Trong sự kiện ra mắt năm đó, câu nói: “Thật không thể tin nổi” của CEO Nguyễn Tử Quảng thậm chí đã trở thành một câu “viral” trên internet trong suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, sự kiện ra mắt Bphone năm 2015 của BKAV cũng vướng phải một số lùm xùm, chẳng hạn như lùi ngày giao hàng vì hoàn thiện phần mềm, cơ sở vật chất sản xuất không rõ ràng, thu hồi lại những máy đã giao để các kỹ thuật viên trực tiếp căn chỉnh module camera, nghi vấn hình ảnh quảng cáo không đúng sự thật,…
Kể từ đó đến nay, BKAV đã ra mắt thêm các mẫu điện thoại khác. Mới nhất, sau nhiều năm tự sản xuất tại Việt Nam, tập đoàn này cho biết đã chuyển hướng sử dụng phương thức ODM – đặt hàng một công ty sản xuất thiết bị gốc.
BKAV cho biết các mẫu điện thoại dòng A sau này sẽ không do công ty tự thiết kế mà đặt hàng từ một nhà sản xuất thiết bị gốc. BKAV viết phần mềm và nhập các cụm phần cứng về lắp ráp tại Việt Nam.
Thời gian tới, BKAV sẽ tiếp tục ra mắt thêm nhiều mẫu điện thoại mới, trong đó đáng chú ý là chiếc Bphone A85 5G, trang bị mạng 5G. Mục tiêu của BKAV là đứng thứ 2 về thị phần smartphone tại Việt Nam trong hai năm nữa, theo CEO Nguyễn Tử Quảng.
Muốn niêm yết trên sàn chứng khoán
Khởi đầu năm 2021, BKAV thông báo phát hành trái phiếu cho công ty con BKAV Pro với tổng giá trị 170 tỷ đồng. Ông Quảng tiết lộ sau giai đoạn này, BKAV sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh vừa qua, tập đoàn này cũng là một trong những đơn vị góp mặt trong việc phát triển các ứng dụng chống dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt sáng, tập đoàn cũng chứng kiến những gam màu tương phản trong năm 2021 với những lùm xoay quanh vấn đề rò rỉ dữ liệu người dùng, tranh cãi với reviewer khi ra mắt tai nghe và điện thoại.