Hành tăm vào vụ gieo trồng mới
Với đặc điểm của một vùng đất màu pha cát, phù hợp để triển khai trồng nhiều loại rau màu, từ nhiều năm nay, bà con nông dân các xã Thiên Lộc, Thuần Thiện và xã Vượng Lộc huyện Can Lộc đã đưa cây hành tăm vào trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ chỗ trồng nhỏ lẻ, đến nay hành tăm đã được trồng tập trung với quy mô lên tới cả trăm héc-ta, trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển sản xuất của các xã. Vào thời điểm này, bà con đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, đất có độ ẩm sau mưa, để tập trung làm đất, gieo trỉa hành tăm theo đúng khung lịch thời vụ.
Vụ thu đông năm nay, gia đình chị Đặng Thị Nguyệt ở thôn Yên, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc trồng gần 1 sào hành tăm. Theo chia sẻ của chị Nguyệt, từ đầu tháng 8 dương lịch, khi thời tiết có mưa, đất có độ ẩm thì sẽ tiến hành cày đất, làm sạch cỏ, dùng cào thưa rạch rãnh để trỉa hạt đều hàng. Sau đó, phải tiến hành phủ lớp trấu, rơm và lá thông để giữ độ ẩm cho cây phát triển, tạo đất tơi xốp cho củ to đẹp. Ngoài ra, để tăng hiệu số quay vòng đất, chị còn trồng xen các loại rau vụ đông để khi hành tăm chưa thu hoạch thì đã có rau màu thu hoạch trước, nhằm tăng nguồn thu cho gia đình.
Ông Nguyễn Long, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc là người đã gắn bó với cây hành tăm khá nhiều năm. Loại cây này cho giá trị kinh tế cao song đòi hỏi chăm sóc tốt. Hành tăm được trồng từ cuối tháng 6 âm lịch cho đến tháng giêng, tháng hai năm sau là có thể thu hoạch được. Ông Long chia sẻ: Quá trình trồng hành tăm không khó, phải làm đất nhỏ, luống cao, sau đó rải phân chuồng và phân NPK, trỉa đều củ, tiếp tục phủ trấu rồi tấp rơm lên, và cuối cùng là rải lá thông. Sau khi hành nảy mầm thì bắt đầu tưới đạm và phân 3 màu. Thời gian sau đó, chỉ cần làm cỏ và chờ thu hoạch. Sở dĩ sử dụng lá thông khô để phủ luống vì lá thông là vật liệu sạch, có độ xốp cao, cung cấp một lượng dinh dưỡng cho đất, rất phù hợp với các loại cây trồng có nhiều củ, đặc biệt là hành tăm. Phủ lá thông khô càng dày càng tốt, đến lúc thu hoạch, chỉ cần bới lá thông lên thì hành tăm theo đó nổi lên. Chính vì việc phủ lá thông nên hành tăm sau khi thu hoạch đều cho củ to, đều, màu trắng sáng, bán sẽ được giá hơn.
Trước đây, người dân xã Thuần Thiện đã nhận thấy sự phù hợp của hành tăm đối với chất đất và khí hậu trên địa bàn, nhưng chủ yếu vẫn chỉ trồng trong vườn nhà với diện tích nhỏ lẻ. Để phát triển mô hình theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền địa phương đã tổ chức cho nông dân trực tiếp ra xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) để học hỏi quy trình trồng hành công nghệ cao. Sau khi học tập kinh nghiệm thực tiễn, xã Thuần Thiện phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các khóa tập huấn khoa học kỹ thuật về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch hành theo hướng thâm canh. Đến thời điểm này, người trồng hành xã Thuần Thiện cơ bản đã gieo trỉa xong gần toàn bộ diện tích hành tăm.
Người dân xã Thiên Lộc đang tập trung gieo trỉa hành
Xã Thiên Lộc được biết đến là địa phương có diện tích trồng cây hành tăm lớn nhất huyện Can Lộc. Trừ thôn Đoàn Kết ở gần Quốc lộ 1, còn lại 9/10 thôn đều sản xuất hành tăm. Bà Võ Thị Thân, 60 tuổi, ở thôn Quyết Thắng (Thiên Lộc) chia sẽ: “Năm ngoái, gia đình tôi trồng 4 sào nhưng năm nay mở rộng diện tích lên 7 sào. Theo kinh nghiệm thì để trồng hành tăm đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu là phải làm đất kỹ; chọn giống là những củ chắc, củ lành lặn không sâu bệnh để gieo trỉa. Thời gian này, gia đình tôi đang tập trung nhân lực để gieo trỉa cho kịp thời vụ”.
Ông Nguyễn Thanh Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc cho biết: Trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tại địa phương thì thời gian qua cây hành tăm đã khẳng định được hiệu quả kinh tế mang lại. Cứ bình quân mỗi sào cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/vụ, gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa, với mô hình này, người nông dân ở đây có được nguồn thu nhập khá ổn định. Trong thời gian tới, với mục tiêu đưa cây hành tăm trở thành cây rau màu chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương, xã Thiên Lộc đang tiếp tục vận động người dân mở rộng các diện tích đất cao cưỡng trồng màu hiệu quả thấp sang trồng hành tăm.
Nhận thấy, hành tăm là giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nơi đây lại được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi nên hàng năm, diện tích trồng hành tăm tại các xã thuộc vùng tiểu khí hậu này cũng đã dần tăng lên và ngày càng chú trọng về việc áp dụng khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Được biết, đến nay, diện tích trồng hành tăm, hành ống, kiệu của 3 xã Thiên Lộc, Thuần Thiện, Vượng Lộc khoảng trên 200 ha. Trong đó Thiên Lộc là xã có diện tích trồng lớn nhất: 130 ha, Thuần Thiện khoảng 50 ha, còn lại là ở Vượng Lộc.
Trồng hành tăm đang được coi là mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, do đặc thù hành tăm là cây có thể trồng trên chân đất cao, dễ thoát nước và không chủ động nước. Đây là những diện tích canh tác không hiệu quả trong sản xuất các loại cây lương thực khác ở địa phương. Trong khi đó hành tăm là cây trồng có chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, nên việc phát triển loại cây trồng này thực sự đã khẳng định được hướng đi phù hợp./.
Nguyễn Hoàn