Hành Trình Của Những Người Lữ Khách Cùng Đi

Ảnh từ Internet

 

 

Tại sao tự tử lại không được chấp nhận? Nếu không được chấp nhận, thì liệu có một thái độ cảm thông nào đó dành cho sự tự tử hay không? Chứng kiến một biến cố tự tử xảy ra trong đời sống thường ngày, tác giả nỗ lực đi tìm lời đáp cho những câu hỏi vừa nêu bằng việc trưng dẫn các lý thuyết có đề cập tới thế giới hiện tại cũng như một thế giới khác. Từ đó, tác giả rút ra kinh nghiệm cho cuộc sống hiện tại của mình.

1.  Cái chết bất ngờ của chú

Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi lần nghĩ về sự ra đi của chú. Gia đình chú vẫn đang vô cùng đau đớn và không ngớt khóc thương. Chú đã quyết định kết liễu đời mình vào tuổi 44 khi cuộc sống bắt đầu đi vào ổn định. Chú đã tưới 5 lít xăng lên người và châm lửa tự thiêu. Nghe đâu lý do khiến chú tự vẫn là vì xích mích giữa chú và gia đình cô em gái, nhưng tôi nghĩ chẳng ai có thể thấu hiểu điều gì đã thực sự diễn ra trong lòng chú lúc biến cố xảy ra. Ngồi thụp xuống, nỗi buồn và trăn trở bắt đầu xâm chiếm lòng tôi, tựa như bóng đêm đang trùm một chiếc màn đen lên vạn vật. Cái chết ấy gợi lên trong tôi những câu hỏi về cuộc đời, về phận người. Trong cái nhìn triết học về con người, chú và tôi đều là những lữ khách đang cùng đi trên một cuộc hành trình; bất thình lình chú dừng lại và tự ý ra đi trước thời hạn.

2.  Đời người chỉ tập trung vào cuộc ra đi

Khi nói rằng đời người chỉ tập trung vào cuộc ra đi, tôi muốn đề cập đến tính bất tử của con người, được thể hiện một cách rõ ràng sau cái chết. Người ta tin có một cuộc sống lý tưởng ở một thế giới khác, và như thế, họ có khuynh hướng xem nhẹ cuộc sống hiện tại. Bắt đầu với Plato, ông xây dựng lý thuyết Hình Thức (Form), là những kiểu mẫu bất di bất dịch, vĩnh cửu và phi vật chất mà những sự vật cụ thể chúng ta nhìn thấy chỉ là những bản sao nghèo nàn của chúng.[1] Ngay cả con người cũng chỉ là những bản sao của những Form người hoàn hảo ở một thế giới khác. Plato cũng thừa nhận sự bất tử của linh hồn con người.[2] Liên quan đến lý thuyết tiền hiện hữu của linh hồn con người, Plato cho rằng linh hồn đã quen thuộc với các Hình Thức trước khi được kết hợp với thân xác.[3] Dù rằng Plato có nhắc đến sự hòa hợp (harmony) hay trộn lẫn (blending) giữa linh hồn và thân xác, nhưng dường như thân xác trong triết thuyết thuở đầu Plato không hề có chỗ đứng quan trọng. Nó chỉ là những bản sao nghèo nàn, nay còn mai mất. Linh hồn mới là cái còn mãi. Đi xa hơn, Phái Neo-Platonism còn cho rằng linh hồn người chỉ cần đến thân xác như những phương tiện chuyên chở.[4] Men theo tư tưởng này, thánh Augustine giai đoạn đầu nhắc lại thuyết nhị nguyên phân tách xác và hồn con người ra hai phần riêng biệt. Vì bản tính sa ngã, xác là nhà tù giam hãm linh hồn, kéo linh hồn về những gì trần tục.[5] Cho đến khi thoát khỏi thân xác, linh hồn mới tự do. Một cách chung, trường phái này quá nhấn mạnh đến phần tinh thần mà xem nhẹ vật chất, quá đề cao thế giới sau cái chết mà phớt lờ cuộc sống hiện tại, và như thế, con người chỉ cần tập trung vào cuộc ra đi tiến về thế giới mới mà thôi.

3.  Không phải chốn lữ hành, nơi đây đích thực là nhà

Đáp lại Plato, Aristotle chỉ trích khái niệm “thông dự” (participation) mà Plato dùng để giải thích cách thức các “bản sao” cụ thể ở thế giới khả thị liên kết với các “hình thức” ở thế giới ý niệm.[6] Aristotle cho rằng thế giới này đích thực là nhà. Ông dựng nên cặp khái niệm chất thể (matter) và mô thể (form) để diễn tả thực tại. Cả hai cùng hiện hữu trong từng sự vật và đều thuộc thế giới thực tại này. Cũng thế, khi mô tả linh hồn là cái làm cho con người sống, “lệ thuộc vào thân xác và là một thứ đặc biệt tồn tại trên thân xác,”[7] ông cũng đồng thời phủ nhận sự bất tử của linh hồn. Theo dòng lịch sử, trào lưu Phục Hưng Renaissance đề cao nhân phẩm và tự do của con người,[8] càng cổ võ con người gắn đời mình vào cuộc sống hiện tại. Đỉnh điểm là ngành tâm lý học hiện đại và khoa học thực nghiệm dường như xem con người như một hữu thể sống mà chẳng đoái hoài gì đến sự bất tử. Họ nhắc đến cái bản ngã (self) như một thể hiện trọn vẹn của con người; nó vừa mang tính vật chất vừa mang tính tinh thần.[9] Như thế, trường phái tâm lý và khoa học chỉ dừng lại ở thực tại đời này. Cách chung, từ Aristotle đến Phục Hưng tới tâm lý và khoa học đều tập trung vào cuộc sống hiện tại. Thế giới này đích thật là nhà, con người chẳng phải lữ khách ở trọ, và chẳng cần phải ra đi hay trở về đâu cả.

4.  Là hành trình những người “lữ khách” cùng đi

Hai quan điểm vừa trình bày ở trên cách nào đó đẩy con người về thái cực, hoặc chỉ dừng lại ở đời này, hoặc nghiêng chiều về đời sau. Với tôi, con người là những lữ khách đang trên hành trình cùng đi. Trước hết, phải thừa nhận với Plato và Augustine rằng tôi là người “lữ khách” đang trú ngụ ở trần gian này, và đến một lúc nào đó tôi sẽ ra đi. Hình ảnh “ở trọ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát cùng tên diễn tả rất rõ điểm này. Thế nhưng, “ở trọ” không có nghĩa trần gian là “quán trọ” để tôi đến và đi mà không mảy may quan tâm đến nó. Hơn thế, trần gian thật là nhà nơi tôi sống một thời gian. Giống như người công nhân tỉnh lẻ phải ở nhà mướn trước khi tự mua cho mình một căn nhà riêng ở thành phố, nhưng họ vẫn xem căn nhà thuê của mình là nhà chứ không phải quán trọ. Họ biết rằng mình sẽ không ở nhà mướn mãi, vì ít ra họ sẽ trở về nhà ba mẹ ở quê một ngày nào đó. Ở điểm này, tôi đồng ý với Aristotle và các nhà tâm lý học. Dù không nhắc đến đời sau nhưng việc xem đời này là thực tại duy nhất khuyến khích con người sống trọn vẹn. Tôi là người “lữ khách” ở trần gian, người lữ khách với một hợp thể không tách rời của xác và hồn; và linh hồn thì sống mãi.

Như thế, đời người là một sự nối dài liên tục (continuity) của hai đời sống, và đời sống hiện tại cần phải được sống trọn vẹn trước khi tiếp tục một đời sống khác sau cái chết. Tựa như sợi dây được luồn qua cánh cửa; cánh cửa là cái chết, một bên là đời này, bên còn lại là đời sau. Vấn đề là phải luôn giữ sợi dây được căng như thể ta đang sống trọn vẹn. Sợi dây được giữ căng cũng diễn tả tiến trình trở nên (becoming) của hiện hữu (being) của người lữ khách. Đó là chuỗi ngày mà bản ngã/căn tính được hoàn thiện và dần tiến đến hoàn hảo.

Trên hành trình ấy, con người cùng đi. Đã là người thì chẳng có ai sinh ra từ hòn đá như Tôn Ngộ Không. Ai cũng được thành hình từ sự kết hợp giữa hai người nam nữ, thoát thai từ dạ một người mẹ và được nuôi lớn trong một cộng đồng. Xa hơn hợp thể xác-hồn, con người còn là những ngôi vị (person), vừa là cá thể riêng lẻ vừa là chủ thể của sự liên đới với tha nhân.[10] Có thể gọi đây là đặc tính xã hội (sociality) hay tính nối kết (interconnection) giữa người với người. Tôi có được sự hiện hữu như là ngôi vị đối với những người, mà ngược lại họ cũng hiện hữu như là những ngôi vị đối với tôi. Thử tưởng tượng một nụ cười dễ mến mang lại niềm vui và khích lệ thế nào, và cái cười mỉa mai gây lòng oán ghét và nản chí ra sao. Là những ngôi vị riêng lẻ, con người luôn cần đến nhau trên cuộc lữ hành. Điều cần thiết là sự mở ra (openness) để làm cho mạng lưới kết nối lớn lên bằng cách đón nhận những liên đới (involvement) mới và phát triển những liên đới cũ.

Nhưng con người đi đâu và về đâu? Đây được xem là một trong những câu hỏi khôn cùng của triết học. Plato bảo đi vào thế giới Hình Thức, thánh Augustine cho rằng trở về với Thiên Chúa, Phật Giáo lại nói đến Niết Bàn, vào cõi Tây Thiên Cực Lạc. Nhưng ai dám chắc mình về một trong những chốn ấy? Vì ai đó một khi đã chết thì đã chết rồi, còn nếu chết lâm sàng và sống lại để nói về nơi chốn sau cái chết thì liệu có phải là chết thật hay không. Một khi tin rằng linh hồn con người là bất tử, thì chắc hẳn linh hồn có một nơi để đến sau khi thân xác lụi tàn. Có thể chốn ấy chẳng xa nơi đây, có thể là chính ở đây và lúc này. Thế giới sau cái chết có thể đang tồn tại đồng thời cùng thế giới hiện tại, vấn đề là có một ranh giới vô hình mà đôi mắt trần tục của người lữ khách không thể nhận ra. Chí ít, người ra đi dù chẳng còn hiện diện thể lý nhưng họ vẫn đang sống trong suy nghĩ, trong nhớ thương của người ở lại đó thôi.

5.  Tại sao tự vẫn không được chấp nhận?

Trở lại với câu chuyện thương tâm về chú, tôi nghĩ đến cách thức người lữ khách này ra đi. Sự thật là ai rồi cũng chết, vậy tại sao tự vẫn không được chấp nhận? Từ cổ chí kim, chưa thấy có một triết gia nào cổ võ chuyện tự tử, vì nếu cho phép tự giết mình thì việc suy tư triết học còn ý nghĩa gì? Pháp luật Việt Nam lên án, Giáo Hội ngăn cấm tự tử vì họ xem sự sống của chú là một quà tặng được ban. Sự thật là chú đã không tự tạo sự sống cho mình, không thể biết nó kéo dài bao lâu, hay đơn giản không biết khi nào mình đau ốm thì làm sao chú có thể giết chính mình? Có lẽ chú đã hiểu lầm về tính từ sở hữu (my/mine) khi suy nghĩ: “Thân xác của tôi” (This is my body). Điều này khác xa với “cái bánh của tôi”. Tôi có, tôi ăn, tôi định đoạt cái bánh theo ý mình, trong khi tôi có thân xác, tôi sử dụng thân xác trong mức độ nhưng tuyệt đối không thể định đoạt thân xác theo ý riêng mình. Chú đã ngộ nhận “thân xác của chú” như thể chú muốn làm gì thì làm với thân xác ấy. Thậm chí, “thân xác của tôi” chỉ là một cách nói, vì thân xác và tôi chỉ là một, một ngôi vị, không thể tách rời. Như thế, hành động giết thân xác là giết chính mình, hủy hoại chính ngôi vị và căn tính của mình. Không chỉ về thể lý, vẫn có những kẻ “tự giết mình” khi họ không chấp nhận quá khứ, gia cảnh, giới tính… là những yếu tố góp phần làm nên “ngôi vị” của chính họ.

Thêm nữa, khi nói đến tính liên đới giữa những người lữ khách, chú đã phá vỡ sự kết nối bằng cái chết có chủ ý của mình. Những kết nối đã hình thành từ ngày chú chào đời đến hôm nay có thể xem là những món nợ cuộc đời mà chú chưa thể trả và chẳng còn dịp để trả. Chú đã “nợ mặt trời từng tia nắng mai”, “nợ mẹ hiền lời ru dưới mưa”, “nợ cuộc đời áo cơm bao mùa”.[11] Đến phút cuối, chú nợ những giọt nước mắt của những người tiễn đưa. Tệ hơn cả, chú đã nợ món nợ lớn nhất khi trả cho sự hiện hữu của mình bằng việc tự hủy hoại sự hiện hữu ấy.

6.  Vẫn còn chỗ cho sự cảm thông

Sau tất cả, ta vẫn còn lý do để cảm thông với hành động của chú. Hành trình 44 năm cuộc đời không làm sao tránh khỏi những mỏi mệt chán chường. Và lần sau hết, khi đôi chân không còn có thể đứng vững, chú chọn ngã gục. Có thể chú đã không nghĩ mình sẽ chết, có khi đó chỉ là một cuộc kiếm tìm bình an hay nỗ lực làm nhẹ vơi tâm trạng. Có thể chú đã chỉ nỗ lực tìm cho mình chút hạnh phúc một khi cuộc sống hiện tại không còn mang đến cho chú niềm vui. Thêm nữa, hành động chết đi của chú cách nào đó còn thể hiện khao khát siêu việt chính mình. Một khi vẻ đẹp của thụ tạo và đời sống tâm linh không thể lấp đầy lỗ trống siêu việt trong chú, cái chết sẽ là giải pháp tức thời như một kiểu đốt cháy giai đoạn. Tựa như con thiêu thân (phù du) sẵn sàng lao mình vào ngọn đèn và chấp nhận chết đi chỉ vì khát khao ánh sáng, chú cũng đã hoài khắc khoải làm thế nào thỏa mãn nỗi khao khát siêu việt trong mình.

7.  Viết tiếp câu chuyện đời dang dở

Câu chuyện cuộc đời của chú đã khép lại phần 1, nhưng chắc hẳn nó sẽ được tiếp tục trong phần 2 ở thế giới bên kia. Còn tôi, tôi muốn viết tiếp phần 1 của câu chuyện đời dang dở, không phải bằng cuộc đời của chú, nhưng bằng chính cuộc đời tôi. Chú và tôi được sinh ra để sống chứ không phải để chết; sống cuộc sống đời này và rồi sẽ sống tiếp một cuộc sống mới ở đời sau. Một khi tôi sống tròn đầy cuộc đời mình, tôi đã góp phần viết tiếp cuộc đời của chú, vì sự liên đới sẽ còn mãi dù chú đã ra đi.

Sống không chỉ là thực tại hiển nhiên, nó còn là một khao khát. Ngay cả con kiến cũng biết khao khát sống một cách bản năng khi biết tìm kiếm thức ăn và biết tránh nguy hiểm, huống hồ là con người. Nhưng ai đã cho con người sự sống và gieo vào lòng người nỗi khao khát được sống? Ai đã làm nên hành trình cuộc đời và đặt những người lữ khách vào đó để họ cùng bước đi? Một khi đã cạn lời, đành nhường chỗ cho lãnh địa huyền nhiệm (the realm of mystery) nơi Đấng Siêu Việt đang hiện diện ở đó.

 

Nguyễn Hữu Minh Vương, S.J.

 

[1] Samuel Enouch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề (Hà Nội: NXB Lao Động, 2007), 54.

[2] Richard Sorabji, “Soul And Self in Ancient Philosophy” in From Soul to Self, M. James C. Crabbe, ed. (London: Routledge, 1999), 10.

[3] Stumpf, 55.

[4] Sorabji, 11.

[5] Ronald Modras, Ignatian Humanism (Chicago: Loyola Press, 2004), 62.

[6] Aristotle, Metaphysics, W. Đ. Ross trans.  (Oxford: Oxford Univesity Press, 1924)

[7] Sorabji, 11.

[8] Modras, 62.

[9] Galen Strawson, “The Sense of The Self” in From Soul to Self, M. James C. Crabbe, ed. (London: Routledge, 1999), 150.

[10] Michael D. Moga, What Makes Man Truly Human? (Makati: St Paul, 1995), 83.

[11] Trích từ bài hát Vẫn Nợ Cuộc Đời của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy.