Hàng trăm giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội đã hết cơ hội xét đặc cách?

Đặng Chung

  –  

Thứ ba, 17/12/2019 20:03 (GMT+7)

Với điều kiện mà Sở Nội vụ Hà Nội vừa công bố, hàng trăm giáo viên hợp đồng có thâm niên giảng dạy trong ngành giáo dục thủ đô đang lo lắng, hoang mang. Lý do là họ đã bị chấm dứt hợp đồng trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách vào biên chế

Hàng trăm giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội đã hết cơ hội xét đặc cách?
Nhiều quận, huyện đã tiến hành chấm dứt hợp đồng với giáo viên để chờ đợt thi viên chức của thành phố. Thầy Nguyễn Viết Tiến là một trong số giáo viên bị thực hiện điều này.

Đang là giáo viên hợp đồng tại các trường công lập mới được xét đặc cách

Sở Nội vụ thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3037/SNV-XDCQ về việc thống kê số lượng biên chế giáo viên và tổng hợp danh sách giáo viên hợp đồng lao động trên địa bàn, sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua việc dành 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách.

Theo đó, để có căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng đặc cách, Sở Nội vụ đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập thực hiện rà soát, thống kê và xác định số lượng giáo viên hiện có, số giáo viên thiếu so với biên chế giáo viên được giao.

Đồng thời thống kê số lượng giáo viên thuộc đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách với các điều kiện:

Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội tại các trường công lập thuộc UBND quận, huyện, thị xã trước ngày 31.5.2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.

Là đối tượng hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập, có trình độ phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.

Sở Nội vụ Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã phải gửi báo cáo thống kê về Sở Nội vụ trước ngày 21.12.2019.

Cần đảm bảo quyền lợi giáo viên

Với 3 điều kiện mà Sở Nội vụ Hà Nội vừa đưa ra thì hàng trăm giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội sẽ không có cơ hội để được xét đặc cách. Trong đó, hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức không được UBND huyện đóng bảo hiểm, bởi chỉ được ký hợp đồng 3 tháng, với mức lương nhận 1.210.000 đồng/tháng. Việc này đã kéo dài nhiều năm nay, ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên.

Ở thị xã Sơn Tây thì từ tháng 5.2019 đến nay đã có 57 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng để chờ thi tuyển vào viên chức. Tại Ba Vì, 208 giáo viên Tiểu học và THCS cũng đã bị huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng, trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách.

Tại huyện Sóc Sơn, 256 giáo viên hợp đồng cũng đang lo lắng, bởi trước đó họ đã nhận được thông báo số 5134/TB của UBND huyện về việc chấm dứt hợp đồng với giáo viên từ 1.1.2020. Đến nay vẫn chưa có công văn nào thu hồi lại thông báo này. Những giờ qua, thầy cô “như ngồi trên lửa” vì lo có nguy  cơ không được xét đặc cách.

  Thợ hàn, cắt nhôm kính, thỉnh giảng, bán hàng online… là những công việc giáo viên hợp đồng của Hà Nội đang làm sau khi bị mất việc.

Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) mới đây đã nhận quyết định chấm dứt hợp đồng sau 17 năm đứng trên bục giảng. Thầy lo lắng vì nếu theo điều kiện trong công văn 3037 của Sở Nội vụ Hà Nội đưa ra thì thầy và nhiều giáo viên khác không đủ điều kiện do không đảm bảo tiêu chí “giáo viên đang giảng dạy hợp đồng tại các trường công lập”.

“Chúng tôi đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng mặc dù chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vậy giờ xét đặc cách, chúng tôi không đạt tiêu chí này thì quá thiệt thòi. Chúng tôi cũng băn khoăn tại sao trên toàn TP.Hà Nội chỉ có mỗi giáo viên hợp đồng ở huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trước kỳ tuyển dụng viên vức năm 2019.

Khi bước vào năm học mới, do thiếu giáo viên nên các trường lại hợp đồng thỉnh giảng với chính các giáo viên vừa bị cắt hợp đồng. Thân phận làm giáo viên hợp đồng đã quá thiệt thòi, chúng tôi rất mong được lãnh đạo thành phố quan tâm để đảm bảo quyền và lợi ích, sau khi đã cống hiến cả thanh xuân lẫn nhiệt huyết cho giáo dục Thủ đô”- thầy Tiến kiến nghị.