Hàng gian, hàng giả nở rộ thị trường tết
Chỉ trong vòng nửa tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ mua bán, vận chuyển hàng nhái, hàng giả qua biên giới, hoặc đang được chứa tại những kho lớn, chuẩn bị “bung hàng” bán tết với số lượng lớn.
Nhu cầu sắm đồ Tết cao gấp đôi ngày thường
Tài khoản Facebook có tên R.S, sau khi livestream bán túi xách hiệu Chanel với lời quảng cáo “túi đẳng cấp, chỉ dành cho các chị xinh đẹp. Giá gốc 16 triệu đồng, trong livestream này dành giá ưu đãi cho các chị làm đẹp với giá 3,9 triệu đồng, số lượng chỉ 30 túi”. Tuy nhiên, hết buổi rao bán hàng, đã có 83 người comment số điện thoại để đặt mua chiếc túi “hàng xịn có sẵn tại TP.HCM cho các chị đẹp” này. Người bán hẹn sẽ giao hàng trong vòng 2 ngày tới. Cũng trên trang này, chủ nhân đăng bán ví cầm tay hiệu Fendy giá gốc 2 triệu, giảm 300.000 đồng; ba lô Gucci hàng hiếm giá 3 triệu giảm còn 800.000 đồng; túi xách tay màu đỏ size 30 giá gốc 7 triệu giảm còn 400.000 đồng…
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết: Năm nay tết diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nguy cơ phức tạp nên việc triển khai đợt cao điểm chống hàng giả, hàng lậu của lực lượng QLTT cũng có những nét mới. Cụ thể, từ cuối tháng 11, đơn vị này đã triển khai kế hoạch đợt cao điểm, trong đó chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán cũng như các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc triển khai sớm và thường xuyên có họp trực tuyến để đốc thúc, yêu cầu các cục, đơn vị ở dưới sớm có kế hoạch cụ thể cũng như thường xuyên báo cáo kết quả.
Một Facebook khác có tên “hàng xách tay từ châu Âu” cũng rao bán những túi xách hiệu LV, Gucci, giá từ 1,8 – 5 triệu đồng và khẳng định đây là “hàng nhái hàng hiệu cao cấp”, cửa hàng chỉ đưa mẫu lên, khách muốn mua phải đặt trước trong vòng 7 – 10 ngày có hàng. Lướt qua một số trang bán hàng như “giày hiệu xuất dư”, “hàng xịn xuất khẩu tồn kho”, “hàng xách tay”… cũng có những đôi giày thời trang hiệu YSL, Adidas, Puma, Levis… với hình ảnh bắt mắt chỉ có giá từ 500.000 – 1 triệu đồng. Tất nhiên, ai cũng biết những trang bán hàng trên đang bán những sản phẩm
Một Facebook khác có tên “hàng xách tay từ châu Âu” cũng rao bán những túi xách hiệu LV, Gucci, giá từ 1,8 – 5 triệu đồng và khẳng định đây là “hàng nhái hàng hiệu cao cấp”, cửa hàng chỉ đưa mẫu lên, khách muốn mua phải đặt trước trong vòng 7 – 10 ngày có hàng. Lướt qua một số trang bán hàng như “giày hiệu xuất dư”, “hàng xịn xuất khẩu tồn kho”, “hàng xách tay”… cũng có những đôi giày thời trang hiệu YSL, Adidas, Puma, Levis… với hình ảnh bắt mắt chỉ có giá từ 500.000 – 1 triệu đồng. Tất nhiên, ai cũng biết những trang bán hàng trên đang bán những sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới . Đây chỉ là số ít trong hàng trăm, hàng ngàn trang Facebook đang rao bán túi xách, giày dép, nước hoa, áo quần… giả các thương hiệu lớn tràn lan trên mạng. Thậm chí có những trang rao bán “xả kho cuối năm, cho các chị thơm tho đón tết” từng thùng nước hoa Chanel của Pháp, giá 300.000 đồng/chai với khẳng định chắc như đinh đóng cột “hàng em nhập từ Pháp, nhưng container bị rơi xuống nước khi vào cảng khiến bao bì bị ướt, hư hỏng nặng, em bán lỗ để ăn tết…”.
Các chợ đầu mối An Đông, Bến Thành, Bình Tây… khu vực TP.HCM quanh năm chuyên “trị” hàng nhái, giả từ đồng hồ, túi xách, mắt kính, đến áo quần, giày dép. Trong tháng 12 vừa qua, một quầy sạp chuyên bán hàng hiệu “xịn” từ Quảng Châu là túi xách, áo quần… tại chợ An Đông (Q.5) đã bị lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và không chứng minh được nguồn gốc, đã tịch thu hàng ngàn sản phẩm đưa đi tiêu hủy. Ngày 15.1, trao đổi với Thanh Niên, một vài sạp bán hàng xung quanh cho biết sạp lớn chuyên bán hàng nhái này đã đóng cửa từ sau khi bị tịch thu hàng hóa do đã khó khăn trong dịch Covid-19 không bán hàng được, nay lại bị QLTT “hỏi thăm” liên tục nên đóng cửa “lánh nạn”. Tuy nhiên, chủ hàng cũng có tổ chức bán qua online với số lượng khá hạn chế.
Quảng cáo
Theo tiết lộ của bà P.M.N, chủ cửa hàng kinh doanh “hàng hiệu” dạng F1 từ Quảng Châu về TP.HCM, hàng thời trang nhái, giả được bán quanh năm, nhưng vào những tháng giáp tết, tốc độ và cường độ mua bán thường “sôi động” hơn. “Hàng bán để diện tết chắc chắn phải tăng gấp đôi, gấp 3 lần. Năm nay, do dịch Covid-19, lượng khách mua hàng ít hơn, nhưng vẫn sôi động do VN ngăn được dịch bệnh. Nhu cầu sắm tết của người tiêu dùng vẫn còn, lượng hàng bán ra cao gấp đôi ngày thường, chủ yếu túi xách hàng hiệu và áo phông gió”, bà P.M.N thông tin.
Câu kết làm hàng giả xuyên biên giới
Ngay tuần đầu năm mới, lực lượng chức năng ở khu vực biên giới phía bắc đã phát hiện, bắt giữ nhiều xe chở hàng hóa không hóa đơn, chứng từ từ bánh mứt, áo quần cho đến khăn tắm, găng tay, tất, mũ vải… của các hộ kinh doanh khu vực Lạng Sơn chuẩn bị chở đi các tỉnh giao hàng. Tại Vĩnh Phúc thì phát hiện nguyên xe chở hàng chục ngàn sản phẩm từ bàn chải đánh răng đến bài tú lơ khơ, bài K “made in China”, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Kế đó, ngày 8.1, QLTT Hải Dương phát hiện một nhà xưởng sản xuất may gia công hơn 2.200 chiếc mũ giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike. Chủ xưởng may không trình được giấy tờ được ủy quyền, cho phép của chủ sở hữu các nhãn hiệu này. Cũng tại Hải Dương, lực lượng chức năng của kiểm tra kho hàng chuyên kinh doanh qua mạng, thu giữ 1.800 sản phẩm giày dép, áo quần, ví cầm tay… là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng…
Nói về những thủ đoạn mới mà lực lượng QLTT nhận diện được thời gian gần đây, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay điểm khác là có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được câu kết từ khâu sản xuất đến phân phối và sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao.
“Một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại VN nhưng không sản xuất tại đây mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bằng nhãn mác ghi xuất xứ VN để xuất khẩu; nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ VN thể hiện ở việc được sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”, vị này nói.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết thêm hàng giả còn được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua. Sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ.
Ngoài ra, việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung. Khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng)…
Quảng cáo
Cận Tết, hàng nhái, giả gia tăng
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua (15.1), lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thừa nhận, càng vào những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng giả hàng nhái lại có xu hướng gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ tiêu dùng như giày dép, áo quần, đồ gia dụng, thực phẩm phục vụ tết.
Theo chuyên gia xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An, thường hàng nhái, hàng lậu được kinh doanh tại VN từ 3 nguồn: sản xuất trong nước rồi gắn mác giả lên, nhà phân phối thích mác nào, nhà sản xuất gắn mác đó. Nguồn thứ 2 là qua đường mòn lối mở từ Trung Quốc, Campuchia về và nguồn thứ 3 là hàng hóa có giá trị cao, được chèn trong các container hàng nhập khẩu chính ngạch, qua mặt hải quan để đưa vào tiêu thụ trong nước.
Đặc biệt, hàng lậu có giá trị cao “lọt” vào trong nước vào dịp giáp tết như rượu, nước hoa, áo quần hàng hiệu mới là nỗi lo lớn cho nạn thất thu thuế. Cách làm là nhập các lô hàng chính ngạnh trước, khai báo trung thực, rõ ràng để lấy uy tín với cơ quan chức năng, được phân luồng vàng, chỉ kiểm tra giấy tờ. Sau đó, trộn hàng gian số lượng lớn không khai báo. Thế nên quản lý rủi ro với loại hình buôn lậu này cực kỳ khó. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu từng bị hải quan phát hiện vi phạm, tịch thu hàng, họ sẽ lập công ty khác tiếp tục nhập khẩu.
“Chế tài của VN qua các vụ phát hiện vi phạm mua bán, vận chuyển, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng lậu vẫn chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, phát hiện chiếc xe chở hàng lậu ở vùng biên, ngoài tịch thu hàng, phạt vài ba chục triệu đồng, thậm chí phát hiện cả kho mấy ngàn áo thu hàng hiệu mà phạt 11 triệu đồng, làm sao răn đe được? Theo tôi, với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm liên quan hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, trước tiên là cấm doanh nghiệp đó làm thủ tục hải quan trong một năm, thậm chí chuyển sang hình sự khi chỉ phát hiện sai phạm được cơ quan chức năng xác định gây xáo trộn, lũng đoạn cho nền kinh tế thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, ông An nhấn mạnh.