Hàng giả, hàng nhái và chế tài xử lý – Bảo Hộ Thương Hiệu

Hàng giả, hàng nhái và chế tài xử lý

SBLAW giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trong chương trình bạn và pháp luật kênh VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam

 

Như thường lệ, dịp cuối năm, giáp Tết cùng với nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân tăng cao cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tăng cường hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi.

 

Điều này không chỉ xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

Chế tài xử lý với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái như thế nào và làm gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và của doanh nghiệp trước tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu đang lan tràn hiện nay là nội dung được thảo luận trong chương trình hôm nay với sự tham gia của luật sư Nguyễn Thanh Hà- Công ty luật SBLaw.

 

Xin cảm ơn luật sư đã tham gia chương trình

 

Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp, đặc biệt trong những dịp Tết đến, Xuân về. Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, nhưng do thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Mở đầu chương trình, đề nghị luật sư cho thính giả biết theo quy định pháp luật thì thế nào là hàng giả?

 

 

Theo Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả gồm:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Theo đó, hàng giả thường phải chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả như các quy định pháp luật, cụ thể:

– Giả về chất lượng và công dụng: Là những loại hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký

– Giả về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Đây là dạng làm giả hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

– Giả về các loại tem, nhãn, bao bì hàng hóa: Bao gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác.

 

Như vậy, đối tượng “hàng giả” chỉ được các văn bản đưa ra theo hình thức liệt kê các dấu hiệu để nhận biết hàng giả chứ không có khái niệm cụ thể.

Vậy còn hàng nhái thương hiệu thì sao? Đây có phải cũng là một loại hàng giả không thưa luật sư?

Hiện nay trong các văn bản pháp lý chưa quy định khái niệm về “hàng nhái”. Cụm từ hàng nhái chỉ là ngôn ngữ thông thường. Có thể hiểu hàng nhái là sản phẩm đang lưu thông trên thị trường không phải là sản phẩm chính thống do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính đưa ra thị trường. Hàng nhái có ngoại quan tương tự, dễ gây nhầm lẫn với sản phẩm chính hãng nhưng không hoàn toàn trúng khớp với sản phẩm chính hãng. Do đó để sử dụng thuật ngữ chính xác theo các văn bản pháp luật thì chỉ sử dụng thuật ngữ “hàng giả”. Theo đó hàng nhái thương hiệu cũng là một loại hàng giả.

Ví dụ: giày “Adidadas” là những cái tên rất dễ gây nhầm lẫn với thương hiệu Adidas, nhà sản xuất biến tấu nhẹ nhàng logo của thương hiệu nổi tiếng để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Nếu sản phẩm cùng loại có tên gọi, hình dáng tương tự nhau, có khi tên gọi chỉ khác một chữ cái còn bao bì mẫu mã giống hệt nhau thì có gọi là hàng nhái không?

 

Theo quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2013):

“Điều 213. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ

1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.”

 

Theo đó, để tìm hiểu và phân định những sản phẩm, mặt hàng nào là hàng giả thì phải xem hàng hóa đó có chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả hay không theo các quy định trên. Ngoài ra, về vấn đề này thì chúng ta cần phân biệt giữa hàng giả, hàng nhái và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Giờ hàng giả tràn lan, có thể nói là cái gì cũng làm giả được mà rất nhiều loại hàng hóa được làm giả hàng của các nhãn hàng có tiếng như thật luôn mà mắt thường không thể phân biệt được. tôi muốn hỏi là trong trường hợp này nếu như người bán không biết là họ bán hàng giả, hàng nhái thì sao trong trường hợp này họ có bị coi là tòng phạm hay cũng là một nạn nhân bị bọn sản xuất hàng giả lừa?

Người sản xuất, buôn bán hàng giả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 – tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp (người phạm tội biết rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng với động cơ vụ lợi nên vẫn thực hiện).

 

Theo đó, trong trường hợp người bán không biết là họ bán hàng giả, hàng nhái thì có thể xem là một nạn nhân bị bọn sản xuất hàng giả lừa. Thực tiễn hiện nay nhiều người sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra thì lại vin vào cớ này để nhằm giảm mức phạt phạm tội. Vì vậy, các cơ quan chức năng và các Bộ ngành liên quan nên có biện pháp ngăn chặn, xử phạt triệt để các đối tượng này.

Vậy việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng thì sẽ bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự? 

 

THỨ NHẤT, VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

Nếu mức nguy hiểm của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng mà chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối tượng vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ:

–      Đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP):

Đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này, mức phạt tiền cao nhất là 70.000.000 đồng.

Đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; b) Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; c) Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều nay, theo đó, mức phạt cao nhất là 140.000.000 đồng.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này gồm:

a) Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

–     Đối với hành vi sản xuất hàng giá về giá trị sử dụng, công dụng (Điều 10):

Đối với hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền cao nhất đối với đối tượng vi phạm là 100.000.000 đồng.

Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này (tức là mức phạt tiền cao nhất là 200.000.000 đồng) đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:

a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;

c) Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Đối tượng vi phạm có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung sau:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

d) Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn phải khắc phục hậu quả bằng các biện pháp sau:

a) Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

THỨ HAI, VỀ XỬ LÝ HÌNH SỰ

Sản xuất, buôn bán hàng giả là một tội danh được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam. Cụ thể, Điều 192 Bộ luật hình sự quy định như sau:

Khung 1: quy định khung hình bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt từ 01 năm đến 05 năm quy định tại Khoản 1 Điều 192, khi thuộc một trong những trường hợp sau:

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2: quy định khung hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm quy định tại Khoản 2 Điều 192 khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

+ Buôn bán qua biên giới;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: quy định khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm quy định tại Khoản 3 Điều 192 khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

+ Làm chết 02 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

* Trường hợp, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

– Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

– Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Ngoài ra, tùy thuộc vào mặt hàng mà đối tượng vi phạm bán mà có thể bị truy cứu về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định tại Điều 193 Bộ Luật Hình sự; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); hoặc Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 195).

Theo luật sư, việc xuất hiện nhiều sản phẩm nhái nhãn hiệu đang xảy ra ngày càng nhiều hiện nay ở nước ta phải chăng là do văn bản quy định pháp luật còn chưa rõ ràng dẫn đến chế tài xử lý nhẹ hay do chính ý thức của chủ sở hữu đối với việc bảo vệ nó còn kém?

Liên quan đến vấn đề này, như chúng ta đều đã nhận thấy, tâm lý thích mua sắm đồ hàng hiệu của người Việt đã trở nên phổ biến trong khoảng 7 đến 8 năm trở lại đây, khi các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới bắt đầu được nhập khẩu vào thị trường tiêu dùng trong nước. Theo đó, thị trường sản phẩm ngày càng đa dạng, hàng ngoại, hàng nhập khẩu với giá thành cao và hàng nội địa cạnh tranh nhau vô khùng khốc liệt. Chính vì thế, xuất hiện tình trạng bày bán các sản phẩm kém chất lượng có nhãn hiệu nhái lại các sản phẩm chính hãng để kiếm lợi bất chính. Tuy hiện nay xã hội phát triển, dân trí ngày một nâng cao nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tràn ngập thị trường và thật khó phân biệt dù có tem chống giả. Tình trạng nêu trên do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, cụ thể:

Thứ nhất, do hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ tạo ra “siêu lợi nhuận” nên có sức hút rất lớn, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều địa bàn khác nhau. 

Thứ hai, do hành vi tiêu dùng của người mua: Tâm lý chung của người tiêu dùng là muốn mua hàng rẻ, mẫu mã đẹp nên khó tránh khỏi việc mua phải hàng giả, hàng nhái. Đôi khi người mua cũng tự mình phát hiện được đây là hàng giả, không được dán tem chống giả, … nhưng họ thường không báo với cơ quan chức năng, đồng thời vẫn tiếp tục mua hàng do giá thành phù hợp với khả năng tài chính hiện tại.

Thứ ba, do doanh nghiệp sản xuất và phân phối: Các doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa thật sự có các biện pháp bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, chưa đưa ra các phương án hỗ trợ giúp khách hàng có thể phân biệt và nhận định được hàng thật hàng giả. Một số doanh nghiệp vẫn cố tình sử dụng loại tem chống giả kiểu cũ có thể bị làm giả, làm nhái một cách tinh vi. Bởi vậy mà hàng giả hàng nhái ngày hiện ngày càng tràn ngập thị trường mà không có biện pháp khắc phục triệt để.

Thứ tư, do quy định của pháp luật vẫn chưa thật sự răn đe: Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái đang gia tăng nhưng khi bị phát hiện thì đối tượng vi phạm thường chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính.

Mới đây, Chính phủ đã ban hàng Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020, quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng xách tay và bảo vệ người tiêu dùng. Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã tăng chế tài xử phạt lên gấp 5 lần so với trước, đặc biệt mức xử phạt này được áp dụng trên giá trị thực của hàng lậu, nghĩa là càng buôn lớn, càng bị xử phạt nhiều.

Đối với cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 1-70 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật. Riêng đối với hành vi cá nhân sản xuất hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, mức phạt tăng gấp đôi, cụ thể là 200 triệu đồng. Như vậy, so với quy định trước đây, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt tăng lên khá cao cũng như tích hợp đầy đủ các hành vi vi phạm hiện nay.

 

Việc quy định mức xử phạt cao hơn, sẽ tạo tính năng chế tài mạnh hơn, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tăng mức phạt đối với hàng giả với mức cao nhất đối với cá nhân là 200 triệu và với tổ chức là 400 triệu đồng mới chỉ là cần nhưng chưa đủ vì lợi nhuận phi pháp thu được từ những hoạt động này là rất lớn, mức phạt so với lợi nhuận thì như muối bỏ bể.

Ngoài nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế… đã tương đối quen thuộc với công chúng thì khái niệm “chỉ dẫn địa lý” lại khá mới và thực tế là nhiều người không biết nó cũng là 1 loại đối tượng được bảo hộ về sở hữu công nghiệp. Nếu người dân mua phải hàng hóa bị làm giả chỉ dẫn địa lý (như giả thương hiệu bưởi phúc trạch, tỏi lý sơn…) thì họ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Khái niệm “Chỉ dẫn địa lý” được quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”.

Người dân khi mua phải hàng hóa bị làm giả chỉ dẫn địa lý có quyền khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của minh theo quy định pháp luật; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả. Tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại, bên bị khiếu nại, tố cáo, khởi kiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để có căn cứ xử lý, khi mua nhầm hàng giả chỉ dẫn địa lý, người dân nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả tiền hoặc bồi thường. Nếu phát sinh tranh chấp, người dân cần làm đơn tố cáo kèm chứng cứ liên quan của hàng hóa đó cho cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để yêu cầu xử lý.

Ngoài ra, người dân còn có thể đến các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khiếu nại tại Sở Công Thương tại các địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để được tư vấn và xem xét giải quyết, thậm chí có thể khởi kiện ra tòa và trọng tài thương mại để xử lý.

 Qua hộp thư điện tử [email protected], một thính giả hỏi : “giờ đây các làng nghề truyền thống hay gia đình làm trang trại ở vùng đất có đặc sản nào đó muốn quảng bá đặc sản của họ, nhưng lên mạng thì thấy có nơi khác lại đăng ký sản phẩm gắn với vùng đất của họ. Luật sư cho biết là nơi có đặc sản truyền thống có thể đặt tên sản phẩm gắn với vùng đất của họ nữa không, hoặc là có thể yêu cầu những cơ sở SX ở địa phương khác từ bỏ tên nhãn hiệu gắn sai tên địa lý?”

Mời luật sư tư vấn

Nếu Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó thì đối tượng sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Điều 80 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Bên cạnh đó, điểm c Khoản 3 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi năm 2009 có quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý như sau:

“[…] 3. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

[…] c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó

 

Như vậy, trong trường hợp này của bạn, việc có nơi khác lại đăng ký sản phẩm gắn với vùng đất của đặc sản muốn quảng bá là đã xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Cụ thể, việc đăng ký địa danh vùng đất có đặc sản lên sản phẩm của nơi khác đã khiến người tiêu dùng hiểu nhầm nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó. Do đó, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp xử lý và yêu cầu gỡ bỏ đăng ký tên sản phẩm có sai phạm về chỉ dẫn địa lý đó.

Hiện nay việc giải quyết tranh chấp liên quan đến vi phạm về chỉ dẫn địa lý có khó khăn gì?

Những năm qua, tình trạng xâm phạm quyền SHTT nói chung và Chỉ dẫn địa lý nói riêng đang ngày một gia tăng ở Việt Nam, hầu hết các chủ thể quyền đều tìm hướng giải quyết là tự giải quyết tranh chấp giữa các bên, áp dụng công nghệ để ngăn ngừa và tiến hành bằng biện pháp hành chính. Hơn nữa, rất ít vụ việc được đưa ra xử lý tại tòa án ở Việt Nam, mà được thay bằng việc khiếu nại đến các cơ quan chức năng, điều này đã tạo ra sự khác biệt so với việc tranh chấp quyền SHTT tại các nước trên thế giới. Sự khác biệt này đã làm cho quyền SHTT về Chỉ dẫn địa lý với bản chất là quyền dân sự đang bị chuyển qua thành xử lý hành chính.

Có thể thấy, khi giải quyết bằng biện pháp hành chính lại có hạn chế về tính hiệu quả khi giải quyết các vụ việc có tính chất phức tạp, khó chứng minh được hành vi vi phạm, đòi hỏi phải qua quá trình xác minh, tranh tụng.

Mặt khác, một đặc thù của việc xử lý tranh chấp bằng phương pháp hành chính là các chủ thể quyền buộc phải có các yêu cầu và phải thực hiện một số các thủ tục “hành chính” khá rườm rà, mất thời gian chờ đợi việc thực thi. Nhất là chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, cho nên chưa đủ sức răn đe.

Có nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý xong lại tiếp tục vi phạm và chấp nhận nộp phạt vì lợi nhuận kiếm được cao hơn rất nhiều. Do đó, xét về tính hiệu quả, nếu các vụ việc được đưa ra tòa án sẽ bảo đảm việc thực thi và được bồi thường theo quy định.

Bên cạnh đó, việc xử lý hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý trên môi trường trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn do khó xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập được chứng cứ về yếu tố xâm phạm để bảo đảm căn cứ cho quá trình xử lý.

Nếu cơ sở kinh doanh làm nhái nhãn hiệu, thương hiệu của đơn vị khác thì người tiêu dùng có thể kiện đơn vị đó về tội lừa đảo không?

Bộ luật hình sự không dùng thuật ngữ “làm hàng giả” mà dùng thuật ngữ “sản xuất hàng giả”. Điều này cũng cho thấy, những loại sản phẩm được làm ra không theo một quy trình từ nguyên liệu đến thành phẩm thì không được coi là sản xuất hàng giả mà tuỳ trường hợp người phạm tội làm ra loại sản phẩm đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“[…]1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; […]”.

Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải tồn tại hành vi gian dối, tức là hành vi đưa ra thông tin sai lệch, làm cho người khác tin đó là sự thật và giao tài sản của mình cho người kia.

Như vậy, nếu xét hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội này thì sẽ bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả giống với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở chỗ người phạm tội cùng sử dụng thủ đoạn gian dối và có mục đích vụ lợi, nhưng khác nhau ở chỗ: Đối với tội lừa đảo, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối (chào hàng bằng hàng thật, giấy tờ thật nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, giấy tờ giả) hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác làm cho người mua tin tưởng và đồng ý mua hàng nhưng khi giao lại tráo hàng giả hoặc lừa dối khi trả tiền thiếu cho người bán so với giá đã thỏa thuận. Còn người sản xuất, buôn bán hàng giả và người mua hàng luôn có sự xem xét, trao đổi, mặc cả khi mua nhưng do bất cẩn mà mua phải hàng giả (do nhãn mác như hàng thật).

Hiện nay hàng giả, hàng nhái thương hiệu không chỉ xảy ra với các sản phẩm nước ngoài vốn đã xây dựng thương hiệu vững chắc trên thế giới cũng như ở Việt Nam mà đã xảy ra với các thương hiệu Việt có uy tín. Nhiều loại sản phẩm của doanh nghiệp trong nước đã bị làm giả, làm nhái. Có ý kiến cho rằng chính doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trong việc để sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái dẫn đến ảnh hưởng người tiêu dùng. Quan điểm của luật sư thì sao?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm giả, làm nhái hàng hóa gia tăng là do doanh nghiệp buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và nhiều doanh nghiệp đang coi việc chống hàng giả, hàng nhái chỉ là trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật, chứ không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Do đó, thiết nghĩ, doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi quyền chủ sở hữu bị xâm phạm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần liệt kê những đặc điểm riêng biệt giúp phân biệt với hàng giả, hàng nhái và thông báo đến người tiêu dùng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thực hiện hệ thống tem chống hàng giả để người tiêu dùng nhận diện cũng như giúp công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa được tốt hơn.

Doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của chính doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Từ kinh nghiệm thực tế, theo luật sư thì ở nước ta hiện nay trong giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, của doanh nghiệp đối với hàng giả, hàng nhái thương hiệu khó khăn nhất là gì?

Hiện nay, việc phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào.

Theo quy định của pháp luật, để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy.

Mặt khác, muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Tuy nhiên, rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, lại không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.

Do đó, việc giám định gặp rất nhiều khó khăn, nếu không giám định được thì cũng không thể xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước chưa hoàn thiện khiến cho việc phối hợp và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp  gặp nhiều khó khăn; công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả.

Luật sư có lời khuyên nào đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng sản phẩm và dịch vụ bị nhái, làm giả nhãn hiệu, thương hiệu?

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình khi mua phải hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần nắm chắc những kiến thức pháp lý về hàng hoá mình có nhu cầu sử dụng và khi phát hiện hàng giả hàng nhái thì người tiêu dung có thể liên hệ người bán hàng đề yêu cầu đổi trả hoặc hoàn lại tiền và đòi bồi thường thiệt hại. Bằng các biện pháp sau: thương lượng, hòa giải với bên vi phạm; khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tìm đến các Công ty Luật, các tổ chức xã hội cùng tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc khởi kiện lên Tòa.

Bên cạnh đó, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần tạo thói quen mua hàng có tem, nhãn đầy đủ và cũng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái để làm giảm bớt và tránh được những rủi ro cũng như thiệt hại đáng tiếc, đặc biệt đối với sức khỏe hoặc tính mạng người tiêu dùng.

Thưa quý vị và các bạn! Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng; trong nhiều trường hợp sử dụng hàng giả có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ. Thực tế cho thấy công tác đấu tranh, xử lý đối tượng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái ở nước ta đang gặp không ít khó khăn, bất cập, nhất là khi phải xử lý hình sự. 

Cảm ơn luật sư Nguyễn Thanh Hà- GĐ Công ty Luật SBlaw đã tham gia trao đổi, cảm ơn sự theo dõi của quý vị.