Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng Nhật ưa thích
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản vẫn là dầu thô, thủy sản, gạo, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, dây cáp điện.
Từ năm 2005 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đã có nhiều thay đổi, từ 4,41 tỷ USD năm 2005 đã tăng lên 13,05 tỷ USD năm 2012, tăng 195,9% so với năm 2005.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng hơn, song thị phần của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm khoảng 1,3% nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản.
Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường này đang là Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia.
Những năm gần đây, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật tăng bình quân 12%, là thị trường lớn thứ 3 của mặt hàng này, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và EU. Năm 2010 – năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Đối tác song phương Việt Nam – Nhật Bản, hàng dệt may của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật hưởng mức thuế 0%, nên kim ngạch hàng dệt may vào quốc gia này đạt 1,2 tỷ tăng 20% so với năm 2009, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Trong năm 2012, xuất khẩu dệt may vào Nhật Bản tiếp tục tăng 22,2%, đạt 2 tỷ USD.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), thị trường Nhật Bản có mức tiêu thụ quần áo hàng năm tới 3,7 tỷ USD, trong đó chỉ có 5% được sản xuất tại Nhật. Dệt may của Việt Nam đang còn lợi thế về nguồn nhân công với giá tương đối hợp lý. Sự năng động của doanh nghiệp cùng với đội ngũ thợ lành nghề đã được kiểm chứng qua việc vào được các thị trường cao cấp.
Theo Bộ Công thương, đối với sản phẩm tiêu dùng, người Nhật Bản ưa chuộng sự đa dạng của sản phẩm. Sản phẩm có vòng đời ngắn nhưng chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, hoàn hảo, tiện dụng là những tiêu chí phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng.
Về chất lượng sản phẩm, người Nhật Bản có yêu cầu khá cao. Những tiêu chuẩn về chất lượng, độ bền, độ tin cậy, sự tiện dụng của sản phẩm được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, họ sẵn sàng trả giá cao hơn một chút đối với sản phẩm có chất lượng tốt, các dịch vụ hỗ trợ sau bán đảm bảo. Các lỗi nhỏ do sơ ý trong vận chuyển, hoàn thiện sản phẩm (vết xướt nhỏ, mẩu chỉ cắt còn sót trên bao bì, bao bì xô lệch…) cũng có thể ảnh hưởng đến lô hàng khó bán, ảnh hưởng chung đến kế hoạch sản xuất lâu dài./.