Hãng Luật Anh Bằng. Đối tượng nào được vay vốn Ngân hàng theo quy định mới ?
ĐỐI TƯỢNG NÀO ĐƯỢC VAY VỐN NGÂN HÀNG THEO QUY ĐỊNH MỚI…?
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, từ ngày 15/3/2017, các tổ chức tín dụng bắt đầu thực hiện quy chế cho vay mới. Cùng thời điểm, khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng có hiệu lực. Những cơ chế mới này được tạo lập bởi hai văn bản Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Điểm mới đáng chú ý là quy định về đối tượng khách hàng vay vốn.
Theo đó, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá nhân. Như vậy, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, chi nhánh, xí nghiệp…không có tư cách pháp nhân) thì không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Thông tư 43 cũng quy định cho phép cá nhân vay vốn tiêu dùng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân và gia đình của cá nhân vay vốn. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể khái niệm về cho vay tiêu dùng, theo đó hoạt động cho vay của công ty tài chính được xác định là cho vay tiêu dùng khi: hoạt động cho vay bằng đồng Việt Nam; khách hàng vay vốn là cá nhân; mục đích vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó, bao gồm nhu cầu mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở.
Đáng chú ý, theo quy định tại Thông tư 43, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính được giới hạn không vượt quá 100 triệu đồng (trừ trường hợp cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật).
Thông tin này đáng khiến nhiều người lo ngại vì cho rằng với quy định này, việc vay vốn từ ngân hàng sẽ khó khăn hơn. Như vậy, để vay vốn, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác, chi nhánh… phải chuyển đổi thành doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hoặc chủ hộ, chủ doanh nghiệp tư nhân phải tự đứng tên vay với tư cách cá nhân. Nói cách khác, việc vay vốn sẽ tiến hành bằng danh nghĩa cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, chi nhánh…
Ta có thể thấy rằng hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác là một trong những chủ thể của quan hệ trong Bộ luật Dân sự trước đây (năm 2005). Tuy nhiên, nó đã tạo ra vô vàn rắc rối pháp lý trong thực tế cuộc sống, vì tuy có quy định nhưng lại gần như không thể xác định được nếu dựa trên cơ sở pháp lý. Việc điều chỉnh này là cần thiết. Bởi nếu cứ cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác… vay như trước đây, khi xảy ra vấn đề về tín dụng, nợ xấu, không lẽ phải yêu cầu tất cả những người trong gia đình, tổ hợp tác chịu trách nhiệm về khoản vay ?. Việc thay đổi đối tượng vay làm rõ tư cách pháp lý và quy rõ trách nhiệm cụ thể đối với khoản vay tín dụng ngân hàng. Điều này cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Thời gian tới, không chỉ hợp đồng vay vốn mà tất cả hợp đồng dân sự tới đây đều không còn chủ thể giao dịch là “hộ”. Các hợp đồng dân sự (ví dụ hợp đồng mua bán tài sản) nếu ký với hộ sẽ trở thành vô hiệu, vì chủ thể này không được Bộ luật Dân sự 2015 công nhận. Trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng ký hợp đồng cho vay với các hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng.
Các hộ kinh doanh này, khi mà tới đây họ buộc phải đi vay với tư cách là thể nhân và không còn được hưởng các quy định ưu đãi về lãi suất nữa. Một chính sách thay đổi như vậy có phần đột ngột nên hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể… cần phẩn cân nhắc trong quá trình vay vốn kinh doanh của mình. Họ sẽ phải điều chỉnh, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, họ sẽ không còn được hưởng các chính sách ưu đãi, khuyến khích với tư cách của hộ kinh doanh mà chỉ được tham gia với tư cách là một cá nhân đứng ra vay ngân hàng.
Bài viết có giá trị tham khảo *
HÃNG LUẬT ANH BẰNG, hãng luật chuyên sâu tư vấn về đầu tư, tín dụng ngân hàng, bảo lãnh, thế chấp…; giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Trân trọng.
HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007
Thương hiệu mạnh về dịch vụ Tư vấn Đầu tư, Thương mại tại Hà Nội
VPGD: P.1503, tòa nhà HH, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội
Dây nói: 0243.7.673.930 – 0243.7.675.594 – Fax: 043.7.675.594
Hotline tư vấn đầu tư, thương mại: 0913 092 912 – Luật sư, Ths Minh Bằng
Web: anhbanglaw.com – luatsucovandoanhnghiep.vn – hangluatanhbang.vn
Email: [email protected] – [email protected]