Hàn Quốc: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 giảm tốc

leftcenterrightdel

BoK hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc từ 1,7% xuống còn 1,6% năm 2023. (Ảnh: Xinhua)

Theo dữ liệu thống kê sơ bộ của BoK, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc – một thước đo tăng trưởng chính, trong năm 2022 chỉ đạt 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,1% trong năm 2021.

Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2022, chậm nhất kể từ năm 2020, khi suy giảm 0,7% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong quý IV/2022, tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc giảm 0,4% so với quý trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên nền kinh tế Hàn Quốc suy giảm theo quý, kể từ quý II/2020.

Theo BoK, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại là do tăng trưởng xuất khẩu yếu đi vì doanh số bán chất bán dẫn và các hàng hóa khác sụt giảm. Dữ liệu cho thấy xuất khẩu chỉ tăng 2,9% vào năm 2022, so với mức tăng 10,8% của năm 2021.

Bok cho biết tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2022 thấp hơn so với mức bình quân của các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).  

Gần đây, BoK cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này từ 1,7% xuống còn 1,6% trong năm 2023. Con số này tương tự với nhận định của Chính phủ Hàn Quốc, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc năm nay sẽ là 1,5%; Viện Nghiên cứu kinh tế LG (Hàn Quốc) dự báo mức tăng này là 1,4%. Trước đó, trong báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế đưa ra vào tháng 11/2022, OECD từng dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2023 có thể đạt 1,8% và bình quân của OECD là 0,8%.

Thống đốc BoK Rhee Chang-yong bày tỏ lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc có thể chậm hơn so với dự báo, viện dẫn khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của việc tăng lãi suất quá mạnh đối với nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Tỷ lệ lạm phát tại nước này hiện vẫn trên mức mục tiêu 2% mà BoK đặt ra trong trung hạn. Nguyên nhân lạm phát tăng mạnh là do chi phí năng lượng và lương thực tăng cao vì nguồn cung bị hạn chế do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và nhu cầu trong nước tăng sau đại dịch COVID-19.

BoK đã thực hiện 7 lần tăng lãi suất kể từ tháng 4/2022 để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, Ngân hàng này đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5% trong bối cảnh gia tăng các mối lo ngại về việc chính sách tiền tệ thắt chặt có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế nước này./.