Hàm Yên chăm sóc cây cam sau thu hoạch
Thời gian này, gia đình anh Hoàng Văn Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành đang tích cực cắt tỉa cành, làm cỏ, xới gốc, bón phân cho 5 ha cam của gia đình, trong đó có 1 ha cam trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trước đây với suy nghĩ khi cây cam tạo quả các loại sâu bệnh mới gây ảnh hưởng tới quả nên thời kỳ cây cam ra lộc non gia đình anh thường không chú ý nhiều. Do đó, khi thu hoạch vỏ quả thường sần sùi, rám đen, cam không mọng nước. Sau khi tìm hiểu, tham dự các lớp tập huấn về chăm sóc cam hữu cơ anh đã biết việc chăm sóc cây trồng là khâu rất quan trọng vì nó quyết định đến năng suất, chất lượng quả. Bởi vậy, ngay sau khi thu hoạch, từ tháng 2, gia đình anh đã bón thúc lần thứ nhất để cho cây được phục hồi nhanh cho cam. Với diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, ngay từ trước Tết, anh đã ủ phân chuồng, đỗ tương ngâm, ủ cá để ngay sau thu hoạch bón cho cam; phun chế phẩm, cắt tỉa cành, xới gốc… Giai đoạn này, cam bắt đầu đơm nụ, ra hoa nên phải tập trung đẩy mạnh chăm sóc theo đúng quy trình.
Gia đình ông Đặng Đình Khuê, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) đang cắt tỉa những cành bị sâu, yếu cho vườn cam của gia đình.
Xã Phù Lưu có diện tích trồng cam lớn của huyện với hơn 2.300 ha, trong đó có hơn 180 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cam hiện là cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Đối với những diện tích cam nhiều năm đã ra quả, người dân tập trung bón phân, quét vôi vào gốc và cắt tỉa cành, mục đích cho cây ra đọt non tập trung. Đối với những diện tích cam mới 2 – 4 năm tuổi, tích cực bón phân và rắc vôi vào quanh gốc tránh sâu bệnh gây hại và vun gốc để cây tránh bị đổ do mưa lớn.
Cũng như các hộ dân trồng cam trong xã, gia đình anh Trần Văn Thế, thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu đang tất bật chăm sóc vườn cam VietGAP rộng hơn 2 ha của gia đình. Năm nay cam được mùa, được giá, gia đình anh thu về gần 50 tấn cam. Để phục hồi vườn cam sau kỳ thu hoạch, gia đình anh tiến hành làm cỏ, dọn vệ sinh trong vườn để tránh làm nơi trú ngụ cho các loài sâu bệnh, đồng thời tăng cường vun xới đất, bón phân cho từng gốc để cây khỏe mạnh, phát triển tốt. Anh Thế chia sẻ, việc tạo cành, tỉa tán là một trong những biện pháp chăm sóc bắt buộc đối với cây cam. Tán thông thoáng sẽ tăng khả năng quang hợp, giúp cây phục hồi nhanh và hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó, cây cam ưa ẩm và ít chịu hạn, lại đang trong thời kỳ “dưỡng sức” nên anh luôn chú ý theo dõi, cung cấp nước đầy đủ và bón phân đúng tỷ lệ để bổ sung chất dinh dưỡng, bồi bổ cho bộ rễ phát triển. Có như vậy cây mới cho sai quả, mọng nước vào mùa sau.
Đồng chí Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, thời điểm sau thu hoạch cây cam bắt đầu cần nhiều dưỡng chất để phục hồi sau một thời gian dài dưỡng quả. Nếu không được chăm bón kịp thời, đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến mùa thu hoạch năm sau. Hướng tới một mùa vụ đạt năng suất và chất lượng cao, phòng đã phân công cán bộ chuyên môn bám sát từng địa phương để hướng dẫn cho người dân thực hiện cách bón phân, kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Với thời tiết thất thường như hiện nay, cây cam thường dễ bị một số sâu bệnh gây hại như: Nhện đỏ, rệp, sâu đục thân, sâu vẽ bùa, bệnh kẹo lá, loét lá… Ngoài ra, những vườn cam lâu năm thường mắc bệnh vàng lá thối rễ, người dân nên sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, với phân vô cơ cần cân đối với độ phì của đất. Sau khi cây hồi phục, sử dụng phân bón lá để cung cấp trực tiếp dinh dưỡng cho cây, hạn chế tổn thương bộ rễ, loại bỏ các cây bị bệnh nặng… Vào giai đoạn này cây đang chuẩn bị nở hoa, đậu quả nên người dân cần hết sức chú ý, thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh cho cây theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.
Người dân xã Tân Thành (Hàm Yên) chăm sóc cam sau thu hoạch.
Không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, huyện Hàm Yên khuyến khích người dân chăm sóc cam theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Năm 2022, huyện phấn đấu có thêm gần 600 ha cam được chăm sóc theo quy trình VietGAP và hữu cơ, góp phần phát triển vùng cam bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.