Hai người phụ nữ Việt trên đất Mỹ

Quay lại Mỹ sau 3 năm, lại đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế và lạm phát leo thang, tôi tá hỏa khi thấy giá của một chuyến Uber từ phi trường Los Angeles về Westminster, quận Cam (California) lên đến 189 USD, trong khi giá tôi đi vào năm 2019 đâu đó khoảng 60 USD.

Tìm kiếm các phương tiện công cộng ở sân bay Mỹ, đặc biệt là ở bờ Tây rất khó, tôi đành phải nhắn tin hỏi một cô bạn thân gốc Việt đang sống ở quận Cam xem có cách nào để tiết kiệm chi phí hơn. Một lúc sau, cô nhắn lại số điện thoại của một người phụ nữ gốc Việt tên là Nguyệt, chuyên chở khách quen là người Việt từ phi trường về quận Cam hoặc ngược lại, với giá cả phải chăng hơn nhiều.

Tôi lập tức liên hệ với chị và chỉ 30 phút sau, người phụ nữ nhỏ nhắn đã xuất hiện ở sân bay đúng như chị hẹn. Hành trình từ phi trường về căn hộ Airbnb mà tôi đặt trước chậm hơn do tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm, khiến tôi hiểu tại sao giá Uber lại tăng đột biến như thế. Nhưng với chị Nguyệt, tài xế chở khách theo yêu cầu thì giá vẫn không đổi, chỉ 60 USD. Và cũng nhờ chạy chậm trên xa lộ mà tôi có dịp trò chuyện với chị, một người phụ nữ Việt Nam giản dị, chân chất, dù chị sang Mỹ đã 20 năm.

Người phụ nữ Việt trên đất Mỹ - Ảnh 1.

Băng Châu – ca sĩ, diễn viên nổi tiếng một thời của Sài Gòn trước năm 1975

VENTI VIEWS, RICH HAY

Chị kể, ngày xưa chị từng sống ở Sài Gòn, rồi được con gái bảo lãnh sang Mỹ. Thời gian đầu, chị loay hoay mãi không biết làm gì để sinh tồn trên đất Mỹ mà không phải phụ thuộc vào con cái. Vài năm sau, chị quyết tâm phải thay đổi bằng cách học tiếng Anh và học lái xe để có bằng, “vì ở Mỹ mà không biết lái xe thì giống như bị… què chân vậy”.

Khi đã biết tiếng Anh và lái xe thành thạo, chị bắt đầu chạy xe dịch vụ cho cộng đồng người Việt ở quận Cam. Nhờ giá cả phải chăng và lái xe cẩn thận, đúng giờ, chị Nguyệt bắt đầu có lượng khách quen ổn định nhờ người này giới thiệu cho người kia.

Hỏi chị tại sao không làm tài xế công nghệ để có nguồn thu nhập tốt hơn, chị bảo, chị thích làm tự do và không quá áp lực về giờ giấc. “Chị không muốn làm người vô dụng nhưng cũng không muốn làm người quá bận rộn. Ở tuổi chị, quan trọng nhất là phải sống vui”, chị nói.

Có lẽ nhờ tinh thần đó mà ở người phụ nữ U.70 này toát lên một vẻ năng động, hoạt bát và cởi mở, chân thành. Ba ngày ở quận Cam để thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn những nhân vật liên quan cho một dự án sách, thi thoảng, tôi lại nhắn tin nhờ chị Nguyệt chở đi để được nghe chị kể về cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ.

Và cũng từ một trong những chuyến xe đưa, rước của chị Nguyệt, tôi gặp lại nữ ca sĩ, diễn viên nổi tiếng một thời của Sài Gòn trước năm 1975 là Băng Châu.

Người phụ nữ Việt trên đất Mỹ - Ảnh 2.

Nhờ chạy chậm trên xa lộ mà tôi có dịp trò chuyện với chị Nguyệt, một người phụ nữ Việt Nam giản dị, chân chất trên đất Mỹ

VENTI VIEWS, RICH HAY

Ở tuổi 72, dù vẫn trẻ hơn nhiều so với tuổi, dung mạo của Băng Châu khác khá xa với những hình ảnh của chị trước năm 1975; đặc biệt là hình ảnh của nữ tướng cướp Trần Thị Diễm Châu trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Dân.

Trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1975, Băng Châu nổi tiếng rất nhanh. Từ một cô nữ sinh Cần Thơ “chân ướt chân ráo” lên Sài Gòn, giọng hát của Băng Châu đã được 2 tên tuổi lớn là danh ca Duy Khánh và nhạc sĩ Châu Kỳ phát hiện, lăng xê, giúp chị “một bước thành sao” với ca khúc Qua cơn mê.

Rồi từ âm nhạc, chị lấn sân sang điện ảnh khi lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Lê Dân vào thời điểm ông đang thực hiện một bộ phim về đề tài du đãng, vốn đang thịnh hành của điện ảnh Sài Gòn lúc bấy giờ.

Bộ phim phát hành năm 1971 tiếp tục đưa tên tuổi Băng Châu tỏa sáng và giúp chị có thêm nhiều vai diễn nổi bật khác trong Trường tôi, bốn thủy thủ sợ ma; đặc biệt là bộ phim lãng mạn cuối cùng của điện ảnh Sài Gòn ra mắt vào đầu năm 1975 có tên Vĩnh biệt tình hè của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, đóng chung với 2 tài tử sáng giá lúc bấy giờ là Nguyễn Chánh Tín và La Thoại Tân.

Người phụ nữ Việt trên đất Mỹ - Ảnh 3.

VENTI VIEWS, RICH HAY

Sau ngày 30.4.1975, Băng Châu ở lại Sài Gòn và tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Một số bộ phim sau năm 1975 có chị tham gia, để lại ấn tượng là Giữa hai làn nước (đóng chung với Nguyễn Chánh Tín) và Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của điện ảnh miền Bắc như Trà Giang, Thế Anh, Như Quỳnh, Lan Hương.

Dù không nhiều đất diễn, vai diễn một nữ giang hồ có số phận cay đắng của Băng Châu được báo chí thời đó đánh giá cao và để lại ấn tượng cho khán giả miền Bắc, vì lối diễn xuất táo bạo rất khác biệt lúc đó.

Đầu thập niên 90, Băng Châu sang Mỹ định cư và tiếp tục hoạt động ca hát một thời gian trong cộng đồng hải ngoại rồi vài năm sau đó thì quyết định dừng…

Dù không còn thanh sắc như xưa, Băng Châu vẫn trẻ hơn nhiều so với tuổi 72 nhờ phong cách sống rất lạc quan, năng động. Con cái đã trưởng thành, lập gia đình và sống ở tiểu bang khác, chị sống một mình ở quận Cam và tìm niềm vui trong công việc, tìm tình yêu cuộc sống qua các hoạt động thể thao như yoga, bơi lội, tập aerobic và đi du lịch.

Cho dù không còn hoạt động nghệ thuật nữa, Băng Châu vẫn theo dõi điện ảnh, âm nhạc trong nước và nhiệt thành bày tỏ sự ngưỡng mộ với những tài năng trẻ trong nước… “Ở tuổi này, món quà chị thích nhất là sức khỏe, cả về tinh thần lẫn thể chất, để tận hưởng những niềm vui mà cuộc sống ban tặng cho mình”, nữ tài tử một thời cho hay.

Chị không muốn làm người vô dụng nhưng cũng không muốn làm người quá bận rộn. Ở tuổi chị, quan trọng nhất là phải sống vui…