Hải Dương: Mùa rươi, theo chân chủ đầm đi vớt rươi

Mùa rươi – Mùa “lộc trời” không cần nuôi, chỉ cần bảo tồn và khai thác

Ông Lê Văn Quạt, Chủ nhiệm HTX Bảo tồn và khai thác rươi, cáy tự nhiên xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà chia sẻ, mùa rươi được người dân quê ông ví như “lộc trời” vì không phải nuôi hay chăm sóc mà chỉ cần bảo tồn và khai thác.

Đây là loài vật rất đặc biệt sống trong môi trường nước lợ và các vùng bãi bồi có thủy triều lên xuống. Rươi không có hệ tiêu hóa mà hấp thụ dinh dưỡng tự nhiên qua màng da. Môi trường cho rươi sống phải luôn sạch sẽ, không có hóa chất, không bị ô nhiễm. Chính vì thế, bản thân con rươi rất sạch và giàu dinh dưỡng.

Clip: Ông Nguyễn Trung Truyền chia sẻ cách bảo tồn và khai thác rươi. Video: Thi Ngọc

Theo ghi nhận của PV, rươi là loài sống trong lòng đất, khu vực có nước lợ. Khi thủy triều lên mang theo hàm lượng muối phù hợp (nước lợ), rươi từ lòng đất sẽ ngoi lên mặt nước. Lúc ấy là lúc mùa rươi đã đến, người dân mới có thể vớt rươi thu hoạch.

Do nắm được đặc tính trên của rươi nên khi vào mùa rươi, người dân đã khoanh vùng các ruộng ven sông, nơi có các ấu trùng rươi sinh sôi và phát triển. Mỗi ruộng đều có cống bơm nước ra vào cho rươi ngoi lên sau đó thu hoạch.

Theo đó, khi nước thủy triều lên, người dân mở cống để nước từ sông vào ruộng rươi sau đó đóng miệng cống để giữ nước chờ rươi từ lòng đất ngoi lên. Nếu ruộng nào cao có thể dùng máy bơm để bơm nước vào ruộng. Khi rươi ngoi lên mặt nước, người dân tiến hành tháo cống và giăng túi lưới nơi miệng cống để nước thoát ra sông, rươi theo dòng nước ra chui vào túi lưới, người dân chỉ việc vớt lên đem bán.

Hải Dương: Theo chân chủ đầm đi vớt rươi, “lộc trời” không dễ kiếm như người ta vẫn tưởng - Ảnh 2.

Khi lượng rươi vào túi lưới nhiều, người dân tiến hành vớt lên và treo cho ráo nước rồi cân bán cho thương lái. (Ảnh: Thi Ngọc).

Sau khi túi rươi vớt lên bờ sẽ được treo cho ráo nước. Thương lái cân xong sẽ nhanh chóng đóng rươi vào thùng xốp rồi đổ nước lạnh vào. Một thương lái chia sẻ, rươi là loài ưa lạnh, nếu nước không lạnh con vật sẽ chết. Việc thay nước lạnh hàng ngày có thể bảo quản cho rươi sống 1 tuần.

Sau mỗi lần khai thác, người dân chỉ cần cải tạo đất cho ruộng được tơi xốp. Cụ thể, sau khi đến mùa rươi thu hoạch, người dân sẽ tiến hành cày, bừa và bổ sung thêm trấu hoặc rơm, rạ để xốp đất. Một số hộ dân thì nghiền ngô rắc lên ruộng để tạo thêm hữu cơ. Bên cạnh đó, nguồn nước để rươi ngoi lên cũng phải đảm bảo sạch sẽ, không bị nhiễm các chất thải độc hại.

“Sau mỗi lần khai thác, người dân cải tạo đất thì ấu trùng rươi lại theo thuỷ triều trở lại ruộng, cho nên chúng tôi vẫn gọi là “lộc trời” là vì vậy. Tất cả quy trình đều diễn ra hoàn toàn tự nhiên”, ông Nguyễn Trung Truyền, 66 tuổi, trú tại thôn Đông Phong, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cho hay.

Mùa rươi: Vớt “lộc trời” xuyên đêm

Ghi nhận của PV Dân Việt, tại thôn Đông Phong, xã Bình Lãng (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), thời điểm này, mặc dù trời tối và lạnh nhưng người dân vẫn tấp nập ra đồng thu hoạch rươi. Tuy vất vả nhưng ai nấy đều rất vui vẻ, phấn khởi. Việc thu hoạch mùa rươi này có thể diễn ra đến 1,2 giờ sáng.

Hải Dương: Theo chân chủ đầm đi vớt rươi, “lộc trời” không dễ kiếm như người ta vẫn tưởng - Ảnh 3.

Những mẻ rươi đầu mùa vừa được thu hoạch. Ảnh: Thi Ngọc

Gia đình ông Nguyễn Trung Truyền, trú tại thôn Đông Phong đang hối hả thu những mẻ rươi đầu tiên trong năm. Ông cho hay, thời tiết năm nay thay đổi nên nước rươi bị chậm hơn mọi năm và chưa khẳng định được sản lượng năm nay thế nào. Với 6 mẫu ruộng, gia đình ông dự kiến thu khoảng 200 kg với giá bán khoảng 380 -400 nghìn đồng/kg trong lần thu hoạch đầu tiên.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tá Điểm, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tứ Kỳ cho hay, địa bàn huyện có diện tích 260ha bảo tồn và khai thác rươi.

Theo đó, mùa rươi năm nay sản lượng có thể thấp hơn mọi năm. Hiện giá dao động khoảng từ 360 – 400 nghìn đồng/kg.

Clip: Ông Nguyễn Tá Điểm, Phó phòng NNPTNT Tứ Kỳ Hải Dương đánh giá mô hình bảo tồn và khai thác rươi của huyện. Video: Thi Ngọc

Một năm trung bình người dân sẽ thu 0,8 tấn/ha với giá trị khoảng 300-350 triệu. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt hiệu quả 80%. Với diện tích đất khai thác rươi, người dân còn có thể khai thác cáy, trồng lúa theo hướng hữu cơ nên mô hình hiện nay vẫn khá hiệu quả.

“Chủ trương của huyện trong giai đoạn 2021-2015 sẽ mở rộng diện tích lên hơn 600ha. Chủ trương trên cũng được Bộ NN&PTNT hỗ trợ, đầu tư”, ông Điểm vui mừng chia sẻ.

Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập cho biết, từ xa xưa, người dân trên địa bàn đã khoanh vùng khai thác rươi theo quy mô nhỏ lẻ. Do hiệu quả kinh tế mà con rươi mang lại, 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã cũng bắt đầu chú trọng khoanh vùng khai thác rươi với quy mô lớn hơn.

Hiện, toàn xã có 26 ha khai thác rươi, nếu đạt sản lượng tối đa, trong một năm có thể lên tới 70kg/sào. Với giá bán tốt, cung không đủ cầu, con rươi hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người dân.

Theo ông Lê Văn Quạt, có thể rươi sẽ rộ lên vào một, hai ngày tới vì là “lộc trời” nên phải kiên trì chờ đợi. So với việc trồng trọt chăn nuôi khác thì khai thác rươi vẫn mang lại hiệu quả cao nhất.

“Nhà tôi có khoảng 10 mẫu ruộng rươi, mỗi sào cho khoảng 35-50kg/năm có nơi tốt có thể tới 70kg/năm. Với giá rươi tính trung bình khoảng 320 -400 nghìn/kg, mỗi năm gia, mùa rươi đình tôi thu được khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy, mỗi nhà chỉ cần khoảng 3- 4 sào là có thể đủ tiền nuôi con ăn học và kinh tế khấm khá vì ngoài khai thác rươi vẫn còn nhiều thời gian để làm việc khác”, ông Quạt phấn khởi chia sẻ.

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Thanh Hà thông tin, toàn huyện hiện có khoảng 95 ha được khoanh vùng khai thác diện tích ruộng rươi, nhiều nhất là ở xã Vĩnh Lập. Số còn lại nằm rải rác ở các xã Thanh Lang, Thanh Sơn, Thanh Xuân, Hà Đông…

Năm nay, do thời tiết bất thường, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Thanh Hà người dân vẫn chưa được thu hoạch rươi.