Hải Bánh: “Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về”

Ngày nhận được tin mẹ mất trong trại giam, Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải Bánh, SN 1967) xé tờ lịch giữ lại đến tận bây giờ. Trên mặt sau tờ lịch, Hải Bánh ghi dòng chữ: “Con ân hận lắm mẹ ơi! Mẹ hãy tha thứ cho con bất hiếu. Con thương mẹ lắm mẹ ơi…”.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 1

Tô Lan Hương: Tôi vẫn nhớ cuộc gặp đầu tiên của chúng ta 11 năm trước, khi tôi vẫn còn là phóng viên chuyên viết ký sự trại giam, còn anh thì thụ án tù chung thân ở Z30A (trại giam Xuân Lộc – Đồng Nai). Anh là người đầu tiên gặp lại trong số hàng trăm phạm nhân tôi đã phỏng vấn những năm đó. Ngày hôm nay chúng ta lại ngồi với nhau, thú thật, tôi vui vì cả tâm thế lẫn bối cảnh của cuộc trò chuyện này đã khác hoàn toàn 11 năm về trước…

Hải Bánh: Năm đó gặp chị, tôi là một con người khác so với bây giờ. Khi đó tôi mất quyền công dân, hôm nay tôi đã có quyền đó. Ngày gặp chị 11 năm trước, tôi mặc chiếc áo tù sọc đen trắng. Hôm nay, tôi ngồi trước chị, vẫn mặc một chiếc áo kẻ sọc, nhưng không còn là áo tù nữa. Tôi đã là người tự do.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 3

Tô Lan Hương: Ngày đầu tiên bước chân vào trại giam Z30A anh là một trong những trùm giang hồ khét tiếng có liên quan đến vụ án có thể được xem là nổi tiếng nhất Việt Nam thế kỷ 20. Lúc đó, anh nghĩ gì về tương lai của mình?

Hải Bánh:  Trước khi về Z30A, tôi ở  trại tạm giam của Công an Tiền Giang. Ngày anh Năm Cam bị đưa ra pháp trường, tôi được các cán bộ công an cho đi cùng để tiễn anh Năm một đoạn đường cuối. Khi đó, Trung tướng Nguyễn Việt Thành có nói với tôi: “Trong lịch sử tội phạm Việt Nam, chưa có ai được đưa đồng bọn ra pháp trường, chứng kiến đồng bọn đền tội như chú cả. Chú sống thì chú phải dùng chính cuộc đời mình để làm bài học cho lớp trẻ, để lớp trẻ nhìn vào sự thay đổi của chú mà thành người tốt”.

Trùm giang hồ Hải Bánh rơi nước mắt khi nhớ về mẹ và 20 năm trong tù (Video: Phạm Tiến – Minh Hoàng).

Tôi nhớ như in những lời đó. Nhớ cả cái cảm giác khi tôi chứng kiến bạn bè mình vừa vài phút trước còn ôm lấy mình, vài phút sau đã thành ma rồi.  Tôi bỗng thấy cuộc sống của mình quý giá quá. Vì người ta phải chết, còn tôi thì được sống. Dù là án chung thân, nhưng quan trọng là tôi vẫn còn được sống.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 5

Khi viết thư về nhà cho con gái, tôi nói với con: “Chỉ cần bố còn sống, thì kể cả bố có tù suốt đời ở cái góc đó thì vẫn còn bố ở đấy, để lúc con kêu “bố ơi”, thì bố vẫn còn ở cái góc đó. Còn nếu bố bị xử bắn rồi, thì dù có kêu gào thế nào cũng sẽ không còn bố nữa. Nên còn sống mới là điều quan trọng…”.

Nên ngày bước vào trại giam Z30A, tôi chưa dám nghĩ đến ngày về vội, vì rủi ro trong những năm tù tội dài đằng đẵng như thế là vô cùng lớn. Tôi chỉ nghĩ đến duy nhất việc đó: Tôi phải sống!

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 7

Tô Lan Hương: Có phải vì khát khao được sống mà anh đã bán đứng Năm Cam để đổi bản án từ tử hình xuống chung thân như người ta đồn đại?

Hải Bánh: Bao năm qua nhiều nhà báo đã hỏi tôi câu này. Tôi chỉ trả lời rằng, anh Năm Cam chính là người đã viết thư tố giác tôi. Khi chúng tôi ra tòa, chủ tọa hỏi anh Năm Cam:

– Sao bị cáo tố cáo Hải Bánh khi bị cáo chính là người yêu cầu Hải Bánh đi làm việc đó?

Anh Năm Cam trả lời:

– Bị cáo tố cáo Hải Bánh để nếu sau này có bị bắt, bị cáo cũng có công tố giác tội phạm.

Chuyện là thế, nhưng chẳng hiểu sao mà người ta cứ vô tình quên đi chi tiết ấy.

Nguyên tắc sống của tôi là, nếu người ta không phản bội tôi thì tôi không phản bội họ. Nhưng nếu người ta xấu với tôi, tôi cũng không ngại xấu lại với họ.

Tôi nhớ, trong phiên tòa đó, thẩm phán Bùi Hoàng Danh còn nói với anh Năm Cam:

– Bị cáo dùng Dung Hà để giết Lâm chín ngón, xong bị cáo lại dùng Hải Bánh giết hại Dung Hà, rồi lên công an tố cáo để bắt Hải Bánh, tính rằng có thể quét sạch những người có thể có nguy cơ đe dọa quyền lực của bị cáo.

Anh Năm Cam khôn quá đi, nhưng tính già mà lại hóa non, nên cuối cùng mọi sự thành ra như thế. Chứ khi đó tôi đâu nghĩ mình sẽ được sống. Tôi ra tòa vẫn nhận tội thay Trường Xoăn,Hưng Phi Nhon.

Tôi khai với tòa: “Bị cáo lệnh cho Trường Xoăn và Hưng Phi Nhon bắn Dung Hà, nếu không bị cáo sẽ bắn Trường Xoăn và Hưng Phi Nhon”. Nhưng khi ấy, cả hai người em của tôi cũng đều nhận tội về mình. Những người trong giới giang hồ như chúng tôi lẽ ra phải thế, có chơi có chịu. Chỉ có một mình anh Năm Cam là chối tội và đổ tội cho những người khác…

Tô Lan Hương: Nếu là vậy thì ngày đưa Năm Cam ra pháp trường, có dịp nói với nhau lời cuối, anh có oán trách Năm Cam?

Hải Bánh: Tôi nhớ chuyến xe tử tù năm đó có tôi, có anh Năm Cam và anh Lai Em. Anh Lai Em ngồi cạnh tôi, còn anh Năm Cam ngồi trước mặt. Trên đường ra pháp trường, anh Năm Cam trước mắt tôi chỉ là một ông già tóc bạc trắng, tay kẹp chặt giữa hai gối, ngước mắt lên nhìn thùng xe, chẳng hề còn bóng dáng một ông trùm.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 9

Cả chuyến đi đó, anh Năm Cam chỉ nói 1 câu duy nhất: “Hải Bánh, anh sai rồi. Chú cho anh xin lỗi”… rồi cứ thế im lặng.

Tôi ôm anh Năm Cam, không nói gì cả. Lúc đó, mọi mâu thuẫn trước đó giữa chúng tôi tan biến.

Tô Lan Hương: Khi đưa tiễn những đồng phạm cùng vụ án ra pháp trường, anh nghĩ gì về sự sống?

Hải Bánh: Chị sẽ không bao giờ hiểu được tâm trạng của những người như chúng tôi lúc đó. Và tôi đoán tâm trạng anh Năm cũng vậy: trống rỗng đầu óc, như người mất hồn, thân thể tôi cứ như không thuộc về tôi nữa. Biết anh em mình chỉ chút nữa thôi sẽ ra trường bắn, tôi mới hiểu cuộc đời thật mong manh. Người chỉ vừa mới nói chuyện đây mà vài phút sau đã thành ma rồi.

Tôi nhận ra còn sống, còn được hít thở, còn được đau khổ, thì còn là vui sướng. Tôi yêu cuộc sống này hơn bao giờ hết vào phút giây đấy.

Khi tôi vào trại giam với án tù chung thân, vì yêu cuộc sống nên tôi không nghĩ đến ngày về. Bởi nếu nghĩ đến ngày về thì sẽ chết. Tôi chấp nhận từ nay trại giam này là nhà tôi, từ nay tôi sẽ không còn quần áo đẹp, sẽ không có phở ngon để ăn. Cuộc sống của tôi là ở đây, trong 4 bức tường khu nhà tù này, và tôi phải bằng lòng với hiện tại, chấp nhận thực tại. Có thế thì mới sống được qua ngần ấy năm tù.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 11Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 13

Tô Lan Hương: Tôi gặp anh trong những năm đen tối nhất của đời anh. Đến giờ, tôi vẫn chưa hình dung anh ra sao trước khi vào tù?

Hải Bánh: Bấy giờ tôi thích ăn mặc đẹp, cờ bạc, trai gái. Lúc đó cuộc sống của tôi là ở vũ trường. 20h là lên vũ trường ở đến 3h hôm sau, sau đó về khách sạn ngủ, bên cạnh không bao giờ thiếu đàn bà. Tôi thích chơi hàng hiệu, thích mặc đẹp. Mẹ tôi kể, từ khi tôi còn bé, tôi đã có sở thích đứng trước gương ngắm nghía, chải chuốt cả giờ đồng hồ. Nên đã có thời, chuyện sành mặc, thích chơi đồ hiệu như là định danh của tôi.

Tôi có bố mẹ, có 9 anh chị em và 1 cô con gái. Tôi vẫn lo cho bố mẹ, lo cho con cái đầy đủ và tôi yêu con mình vô cùng. Chỉ có điều tôi có lẽ không phải ông bố tốt theo chuẩn mực bình thường. Cả bố mẹ tôi lẫn con tôi đều không thiếu gì, họ thích gì tôi cũng đáp ứng, nhưng bảo tôi ở nhà thường xuyên thì tôi không làm được. Tôi cho gia đình tôi tất cả mọi thứ vật chất, chỉ không cho họ thời gian của mình.

Nhưng đến lúc vào trong tù, tôi biết thế nào là thèm khát gia đình, thì lại không được ở cùng gia đình nữa…

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 15

Gia đình tôi khổ vì tôi nhiều lắm!

Tôi nhớ, sau khi vụ án Dung Hà xảy ra, tôi về nhà nhiều hơn, vì linh cảm thời gian mình ở cạnh gia đình không còn nhiều nữa. Lúc đó tôi nghĩ hoặc là tôi mất mạng vì đàn em Dung Hà trả thù, hoặc tôi bị bắt cũng sẽ bị tử hình. Tôi bỗng nhiên thèm về nhà ở gần bố mẹ, thèm ở gần con gái. Có nhiều anh em xã hội khuyên tôi trốn đi nước ngoài, nhưng tôi không trốn. Vì cứ cho là có trốn được đi nữa, thì tôi cũng sẽ phải đi mãi, không bao giờ có cơ hội quay về. Mẹ tôi thì già rồi, bố thì ốm nằm nhà, tôi đi không đành!

Tết năm 1999- 2000, nhà tôi không có Tết. Chúng tôi không nấu bánh chưng, không làm cỗ, không mua bánh kẹo. Bố tôi, mẹ tôi, tôi và con gái ai cũng im lặng ngồi ăn cơm. Dù tôi chưa hề nói gì, nhưng tôi biết cha mẹ mình cảm nhận được. Họ buồn khổ trong im lặng.

Ngày đó, đàn em Dung Hà bảo tôi:

– Hải Bánh, mày phải chịu trách nhiệm về vụ này.

Tôi nói:

– Tao chịu trách nhiệm. Nhà tao ở 21 Thủ Khoa Huân chúng mày cứ đến.

Lúc đó con tôi và mẹ tôi vào TP.HCM chơi. Con tôi đòi đi chơi Thảo Cầm viên, mà tôi lại không thể từ chối con được. Nên khi cho con lên xe, tôi ngồi đằng sau, ôm chặt con, che chở con tôi trong lòng mình rồi đưa con đi, chỉ sợ chẳng may con tôi sẽ bị bắn. Tôi cũng không dám cầm súng trong người, dù đó là thói quen của tôi khi ấy. Nếu chẳng may tôi bị công an bắt đúng lúc đó, tôi không muốn để lại hình ảnh về người cha như thế trong mắt con mình.

Tô Lan Hương: Nếu hiểu rằng khi gây ra một vụ án như thế, chờ đợi anh phía trước không có gì tốt đẹp: có thể là những năm tháng tù tội đằng đẵng, có thể là án tử hình, hoặc là bị trả thù, hoặc bỏ đi biệt xứ, vậy thì tại sao anh vẫn làm việc đó?

Hải Bánh: Đấy là một thời ngông cuồng của tôi, đó là tôi của những năm đó.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 17

Tô Lan Hương: Anh vừa kể với tôi về những năm tháng tuổi trẻ của mình, vậy còn Hải Bánh sau khi bước chân vào trại giam Z30A thì sao?

Hải Bánh: Tôi sống nội tâm hơn, hướng về gia đình nhiều hơn.

Ở trong trại giam, tôi sống rất cô độc. Ban ngày tôi hầu như cách ly, chỉ tiếp xúc với 1-2 người, không thích tụ tập đông. Mà tôi không đến chỗ ai thì cũng không ai dám đến chỗ tôi. Tôi thích uống trà, nhưng bộ tách uống trà có 6 cái chén, tôi bỏ đi 5 cái, chỉ giữ lại 1 cái.

Tôi tụng kinh từ nhiều năm trước, từ lúc còn ở trong tù. Mà khi đã đọc kinh Phật rồi thì tôi không xin cho mình nữa, chỉ xin cho người thân. Lúc ở Z30A, tôi không oán hận ai cả, tôi chỉ trách tôi đã làm ai đau, làm ai khổ…

Tô Lan Hương: Khi tụng kinh niệm Phật và hồi tưởng về quá khứ, anh nghĩ mình nợ ai nhiều nhất, có lỗi với ai nhiều nhất?

Hải Bánh: Tôi nợ gia đình mình, tôi có lỗi với bố mẹ và con gái mình. Tôi không nghe lời bố mẹ, chưa chăm lo được cho con mình. Chứ anh em ngoài đời, tôi nghĩ tôi không còn nợ ai nữa. Từ khi tôi lên trại Xuân Lộc, hầu như bữa cơm nào tôi cũng vừa ăn cơm vừa chan nước mắt. Vì lúc đó tôi bắt đầu lớn tuổi rồi, bắt đầu nghĩ về gia đình nhiều hơn. Bữa cơm nào ăn cơm tôi cũng nhớ nhà, vừa ăn cơm vừa tủi thân vừa khóc.

Tôi ân hận với cha mình!

Khi tôi bị bắt, bố tôi không biết. Ông hỏi tôi đi đâu thì cả nhà nói dối ông, bảo tôi ở TP.HCM. Khi vụ Năm Cam tràn lan trên mặt báo, người rao báo đứng ở cửa nhà tôi rao to bán báo, luôn miệng nhắc tên Hải Bánh, lúc đó bố tôi mới biết.

Ngày tôi gặp ông ở phiên tòa cuối cùng mà tôi được tuyên án tù chung thân, tôi hứa với bố “con nhất định sẽ trở về”. Nhưng năm 2006, bố tôi đi, khi tôi chưa kịp thực hiện lời hứa của mình…

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 19

Tôi ân hận với con gái mình! Năm tôi đi tù, con gái tôi mới hơn 10 tuổi. Con gái trưởng thành mà không có tôi bên cạnh. Ngoài an ủi con rằng bố còn sống ở một góc nào đó, tôi không làm được gì cả. Ngày con tôi cưới chồng, tôi khóc suốt. Tôi gọi điện về mời từng người bạn thân thiết đi ăn đám cưới, cứ gọi một lần là khóc một lần, nức nở nói với bạn tôi:

– Vân nhà tôi nó đi lấy chồng rồi…

Bạn tôi lại an ủi:

– Bạn không ở nhà, tớ sẽ coi Vân như con mình.

Càng nghĩ, tôi càng ân hận với mẹ mình!

Mẹ tôi nổi tiếng thương con. Các anh chị lớn đều đã có gia đình hết, nhà tôi chỉ còn tôi và Long tròn (em trai tôi) là con trai. Nhưng tôi và Long tròn đều quá nghịch. Mà hễ hai anh em tôi bị bắt ở đâu thì chỉ hôm trước hôm sau là đã thấy mẹ tôi quang gánh lên thăm con.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 21

Trước khi tôi bị đưa ra xét xử, mẹ tôi xin với cán bộ công an:

– Các anh cho tôi ôm con tôi một lần, trước khi cháu nó xử; cho tôi ôm cháu một cái, vì không biết cháu sống chết thế nào…

 Rồi mẹ tôi ôm tôi, cứ kêu Hải ơi, Hải ơi. Tôi cũng ôm mẹ vào lòng, miệng ngoài câu xin lỗi nói liên tục thì không biết nói gì nữa. Rồi bà nhét vào tay tôi một cái khăn mùi xoa, bảo với tôi:

– Hải ơi, con cầm cái khăn này, cho có hơi của mẹ…

Khi ấy, mẹ nghĩ tôi nhất định sẽ bị tử hình. Bà không thể ở cạnh tôi, nên đưa cho tôi cái khăn đó để tôi thấy luôn có bà bên cạnh!

Trước khi bị bắt, lần cuối cùng tôi vào TP.HCM, mẹ tôi không muốn tôi đi nên cứ tìm cách ngăn lại:

– Hải ơi, nghe lời mẹ, vứt bỏ hết đi, về đây ở với mẹ. Nhà không cần tiền của con. Về đây với mẹ, đừng đi nữa.

Nhưng hôm đó tôi nói với mẹ:

– Con đi một ngày thôi rồi con ra.

Nhưng tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về…

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 22

Tô Lan Hương: Cha mẹ anh đều mất khi anh ở trong trại giam Z30A. Những nỗi đau lớn nhất đời người ấy, anh đã trải qua như thế nào?

Hải Bánh: Tôi không biết dùng từ nào để miêu tả nỗi đau ấy.

Ngày bố tôi chết, tôi thấy mồ côi một chút. Nhưng mẹ mất thì tôi mới hiểu thực sự mồ côi nghĩa là gì.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 24

Hai bức ảnh vẽ chân dung cha mẹ được Hải Bánh gửi về từ trong trại giam Z30A

Mẹ tôi mất buổi chiều thì sáng hôm sau, lúc mở cửa phòng giam, một cán bộ đi sau lưng tôi nói nhỏ vào tai tôi:

– Hải Bánh ơi, mẹ anh mất rồi…

Thế là tôi lập tức đi ra góc riêng của mình. Tôi là phạm nhân chịu sự quản chế đặc biệt, ban đêm ngủ trong phòng giam cùng các phạm nhân khác, ban ngày sẽ không được ra khỏi công trại đi lao động. Trại Z30A cấp cho tôi một khu đất rộng độ vài chục mét vuông, tôi làm một cái nhà lá ở trên khu đất đó, cứ ban ngày ở đó vẽ tranh, điêu khắc, cắt tỉa cây cảnh của trại. Ngày mẹ tôi mất, tôi chui vào góc nhà lá đó, cố thu mình lại, càng nhỏ càng tốt, càng bé càng tốt, đến đèn cũng không bật, chỉ lẩm nhẩm gọi mẹ ơi, mẹ ơi…

Tôi bỏ thuốc đã nhiều năm rồi, nhưng hôm đó tôi đi xin người ta một điếu thuốc, rồi tôi châm điếu thuốc lên, cứ thế ngồi im trong góc nhà hút thuốc. Tôi không dám khóc, chỉ ngửa mặt lên, để nước mắt chảy ngược vào trong cổ. Vì nếu tôi khóc thì người cán bộ kia sẽ bị ảnh hưởng. Về nguyên tắc, ông ấy không được báo cho tôi biết nhà tôi có tang khi chưa có thông báo chính thức từ Ban Giám thị trại, nhưng vì tình người, ông ấy đã làm thế.

Bởi vậy mà dù lòng tôi rất muốn khóc mẹ nhưng không thể khóc, chỉ nấc trong ngực. Hút xong điếu thuốc thứ nhất, tôi lại xin điếu thuốc thứ hai, cậu phạm nhân trẻ thấy lạ quá chạy vào hỏi tôi:

– Có chuyện gì anh, chuyện bà già phải không?

Nhưng tôi cứ lắc đầu, vừa lắc đầu vừa nấc lên: không có gì, không có gì…

Đến 19h30 hôm đó tôi nhận được tin báo chính thức về việc mẹ qua đời. Đến lúc đó mới dám khóc mà không phải kiềm chế nữa. Tôi xé tờ lịch ngày mẹ mất, giữ lại đến tận bây giờ.

Ngày ra tù tôi cũng mang theo tờ lịch đó về nhà. Trên mặt sau tờ lịch, tôi ghi dòng chữ: “Con ân hận lắm mẹ ơi! Mẹ hãy tha thứ cho con bất hiếu. Con thương mẹ lắm mẹ ơi…”.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 26

Những tờ lịch ngày mẹ mất và ngày giỗ mẹ ghi đầy những dòng chữ ân hận của đứa con trai tù tội

Tô Lan Hương: Anh làm gì vào những ngày giỗ mẹ khi anh ở trong tù?

Hải Bánh: Tôi chỉ ngồi nhớ mẹ. Lần cuối cùng tôi gặp mẹ, mẹ tôi đi vào thăm tôi cùng các chị, nhưng bà lẫn rồi, hai mẹ con chỉ ôm nhau, hầu như không nói được gì nhiều. Sau năm 2011 thì tôi không được gặp mẹ nữa, vì bà không còn nhận ra tôi. Mỗi lần gọi điện về nhà, bà cứ nói: Hải à, mẹ để phần bún chả cho con đấy nhé.

Thật ra, tôi nghĩ mẹ tôi lẫn cũng tốt. Vì thà bà nhớ ít thì bà sẽ đỡ khổ, nếu không bà sẽ dằn vặt đến chết vì tôi.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 28

Có năm ngày giỗ mẹ, có người bạn tù tên Hậu biết đã lẳng lặng đi mua trái cây, nhờ người thịt gà rồi để đó cho tôi, để tôi cúng mẹ. Nhưng tôi không làm cơm mời mẹ ở trong tù, vì không bao giờ muốn mẹ tôi phải vào trong cái nhà tù tôi ở. Mỗi ngày giỗ mẹ, tôi lại xé một tờ lịch, ghi vào đằng sau đó lời xin lỗi của tôi với bà.

Sự dằn vặt, đau khổ trong 21 năm tù, nó vô cùng khủng khiếp, chị không hình dung được đâu!

Nó không phai nhạt đi mà mỗi ngày một lớn lên khi mỗi lần tôi nghĩ về bố mẹ, về con gái, về gia đình, về cô út ốm yếu bệnh tật nhà tôi mà tôi luôn thương nhất nhà, về những người anh em đã vì tôi mà chết trong vụ án Dung Hà năm đó. Cái sự trừng phạt đó, với những người sống nội tâm như tôi, là sự trừng phạt khủng khiếp, còn đáng sợ hơn cả cái chết. Nên ở trong trại giam, nhiều đêm tôi ngủ dậy, mới biết mình đã khóc cả trong mơ, đến gối ngủ cũng ướt đẫm cả rồi.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 30

Tô Lan Hương: Anh có mang tư thế của một “đại ca” giang hồ lừng lẫy vào trại giam không? Vì tôi nhớ năm đó, ở Z30A, khỏi phải nói tôi đã ngạc nhiên thế nào khi các cán bộ trại giam nói rằng anh là một trong những phạm nhân cải tạo gương mẫu và hoạt động phong trào tích cực ở đó?

 Hải Bánh: Tôi vẫn vậy, buộc lòng phải vậy. Tôi vẫn phải là người như vậy thì mới sống được trong nhà tù. Nếu tôi tỏ ra yếu hèn thì tôi sẽ khó tồn tại. Tôi phải làm cho những phạm nhân khác hiểu rằng tôi là người không dễ trêu chọc, có vậy mới sống yên được.

Tôi có thể nhường suất cơm của mình cho người khác, nhưng tôi cũng phải làm cho họ hiểu là Hải Bánh không động vào ai thì cũng đừng ai động vào Hải Bánh; Hải Bánh không đến gần ai thì cũng đừng ai đến gần Hải Bánh. Có lần tôi nói với bạn tù: “Đến tuổi tao, lẽ ra giờ này phải được gần con cháu, được uống chén trà rồi thong thả đánh cờ, nhưng tao phải ở đây với chúng mày, nên chúng mày đừng có trêu vào tao”. 

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 32

Nhưng tôi luôn cố gắng cải tạo và gương mẫu đầu tiên. Vì lúc đó tôi thực lòng đã chấp nhận trại giam Z30A là nhà, mà tôi nghĩ rằng môi trường sống của tôi phải trong sạch, phải trật tự. Chị thử tưởng tượng, ở phường nhà chị, chỉ cần có 1-2 kẻ lưu manh là đã rối loạn, thì trong tù là thế giới của cả 1.000 tên lưu manh, nên phức tạp thì khỏi nói. Nếu muốn trại giam trật tự, thì tôi phải làm gương trước.

Cán bộ yêu cầu làm gì, tôi phải là người đầu tiên làm gương cho những phạm nhân khác, đến cả đẩy xe phân tôi cũng làm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, đã vào trại giam thì tôi chấp nhận, chỉ đơn thuần là cải tạo. Tôi chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy, vì nếu không chấp hành thì không có ngày về.

Ở trong trại giam, tôi tổ chức một đội lân sư rồng. Tôi chọn vào đội múa lân đó những phạm nhân bị kỷ luật nhiều nhất, những ai hạnh kiểm kém nhất. Vì 1 đầu gấu trong trại giam có thể ảnh hưởng đến cả trăm người khác. Chỉ cần cảm hóa 1 cá nhân thì có thể cảm hóa được 100 người khác.

Nhưng tôi không bắt nạt người yếu thế hơn mình, mà sẽ chọn che chở họ. Có lần, tôi xin bảo lãnh với quản giáo cho một phạm nhân mắc lỗi, để cán bộ đừng lập biên bản họ. Tôi nói: “Cán bộ mà kỷ luật cậu ta là giết đời cậu ta. Vì bị kỷ luật là không có ngày về, bị kỷ luật thì người ta sẽ buông tay. Nên khi tha cho họ, thì họ sẽ càng có động lực cải tạo hơn”.

Cũng có lần, tôi gặp một phạm nhân nghèo, chỉ vì thiếu 30 triệu tiền khắc phục hậu quả, nên lẽ ra có thể chỉ phải ở tù 8 năm (nếu được giảm án) thì sẽ phải ở tù 15 năm. Nên tôi tập hợp các phạm nhân trong phân trại lại, yêu cầu mỗi người đóng góp một ít, số còn lại thiếu bao nhiêu tôi đóng, để giúp người tù đó sớm được tự do.

Những chuyện này, chị ghi hình lại làm bằng chứng, tôi nói sai câu nào người ta sẽ cười tôi câu đó.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 33

Tô Lan Hương: Ngày anh bước vào trại giam Z30A, anh đã đạt được mục tiêu “nhất định sống” rồi. Thế còn mục tiêu “nhất định về” thì sao?

Hải Bánh:  Tôi là một người tù chung thân. Chung thân là án tù mà khi ra tòa, thẩm phán tuyên “cách ly vô thời hạn với xã hội”. Đã mang án chung thân thì có nghĩa phía trước là mờ mịt, mình chỉ biết sống ngày nào hay ngày đó, cứ lần hồi bò dần về phía trước.

Ở trong tù, tôi đặt ra từng mốc từng mốc để phấn đấu. 5 năm đầu tiên qua đi, tôi thở phào một cái, tự động viên mình trong lòng, vậy là giữ được 5 năm rồi, thôi cố gắng giữ tiếp 5 năm nữa nhé. 5 năm thứ 2 qua đi, lại thở phào một cái, lại động viên mình giữ thêm 2 năm nữa nhé. Vì nếu vượt qua 12 năm cải tạo không vi phạm gì, tôi sẽ được giảm án từ tù vô thời hạn xuống 30 năm. Nhưng chỉ cần một vi phạm nhỏ thì tôi sẽ nhận 1 cái biên bản và mất đi toàn bộ 12 năm phấn đấu trước đó.

12 năm tù đầu tiên là khó khăn nhất với tôi, và lúc gặp chị ở Z30A 11 năm trước chính là thời khắc khó khăn ấy, vì tôi sống ở trong một môi trường mà nói nôm na là toàn “thằng mất dạy” ở với nhau. Càng khi đến gần kề mốc giảm án, sẽ càng có nhiều phạm nhân kiếm chuyện với tôi. Đó là những người vì vi phạm nên không được giảm án năm đó. Họ sẽ thường khiêu khích những phạm nhân đang trong thời kỳ nhạy cảm, để hủy hoại toàn bộ nỗ lực phấn đấu của người ta trước đó. Nên tôi hay nói những người đến mốc giảm án giống như những con cua lột, là thời kì dễ bị tổn thương nhất.

Tô Lan Hương: Có bao giờ ở thời khắc quyết định đó, anh rơi vào cảnh gần như không kiềm chế được bản thân và phải nỗ lực đấu tranh với chính mình?

Hải Bánh: Có chứ! Có những lúc ở thời điểm đó, tôi bị người ta thách thức, bị khiêu khích, tôi phải đi ra một chỗ, ngửa mặt lên trời, nuốt nước bọt, để kiềm chế cơn giận dữ trong lòng. Vì nếu buông bỏ giảm án, thì có nghĩa là buông bỏ cả mạng mình. Còn nếu tôi giữ được, thì còn có thể trở về với con cháu.

 Ngày bố tôi còn sống, tôi hứa với ông “con nhất định sẽ về”. Nên những năm ở trong tù, tôi chuyên tâm cải tạo. Tôi viết một chữ NHẪN to đùng treo ngay ở bức tường chính trong cái lán nhỏ của tôi trong trại giam. Dưới chữ NHẪN đó, tôi ghi một dòng chữ nhỏ “để mà về”.

Những lúc bị khiêu khích, tôi sẽ liên tục lẩm nhẩm trong đầu, đôi khi đến mức nghiến răng nghiến lợi gầm lên: “Phải NHẪN, để mà về”.  Nó như câu thần chú, để tôi kiên trì hết ngày này qua năm khác.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 35

Có thể coi đó là những thời khắc tôi phải đấu tranh với con chó điên trong lòng mình. Con chó điên cứ chui ra thì tôi ấn nó vào. Một bên là cái tôi của bản thân, một bên là giấc mơ đoàn tụ với gia đình. Những lúc đó, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi, nghĩ đến con tôi, nghĩ đến cô em út bệnh tật mà tôi yêu thương nhất nhà luôn mong tôi trở về. Mà những đấu tranh đó không phải một ngày. Nói thật với chị, đã có lúc tôi cầm dao lên, cầm rìu lên rồi, nhưng rồi lại buông xuống, rồi tôi lại quay mặt vào tường, để mặc nước mắt chảy ra.

Tôi không muốn giết người nữa!

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 37Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 38

Tô Lan Hương: Nỗ lực như thế, kiên trì như thế, nhẫn nhịn như thế, vào ngày nhận trên tay quyết định giảm án từ tù chung thân xuống án tù 30 năm, anh đã trải qua những cảm xúc gì?

Hải Bánh: Khi nhận được quyết định giảm từ án vô thời hạn xuống án 30 năm, tôi ngồi khóc. Tôi gửi tờ quyết định giảm án về nhà rồi gọi về cho em gái út: “Phượng ơi, Phượng thắp hương cho bố, Phượng bảo bố anh đã làm được rồi. Anh hứa với bố là anh sẽ về, anh phải về, anh đã làm được rồi. Phượng thắp hương cho bố rồi gấp tờ giấy giảm án của anh để dưới bát nhang bố cho anh”.

Với tôi đó là dấu mốc đỉnh điểm nhất, vì không phải ai cũng dễ dàng giữ được 12 năm đâu, nhất là một người như tôi. Nhưng vào mỗi lần giảm án sau này, tôi đều giữ lại các tờ quyết định giảm án, vừa làm động lực, nhưng cũng vừa làm kỷ niệm.

21 năm ở tù dài lắm. Có hôm tôi nằm trong song sắt, nhìn thấy một con bướm bay vào trong phòng giam. Con bướm cứ loay hoay mà không có cách nào tìm được cửa sổ. Tôi nằm nhìn con bướm đó, trong miệng cứ lẩm bẩm: bay lên trên, sang trái một chút, nhích lên tí nữa…

Tôi chỉ mong con bướm được tự do. Rồi khi nó bay đi rồi, tôi lại buột miệng: “Bướm ơi, tao chỉ muốn được là mày để bay ra khỏi đây…”.

Hải Bánh: Tôi đi là đi hơn 20 năm, mất mẹ luôn, không kịp về - 40

 Tô Lan Hương: Ở trong tù anh đã khóc rất nhiều lần: khóc khi bố mẹ qua đời, khi con gái cưới, khi phải nhẫn nhịn bạn tù, khi nhận được quyết định giảm án… Vậy ngày được cầm trong tay quyết định đặc xá, anh đã trải qua những cảm xúc gì?

Hải Bánh: Ngày được đặc xá tha tù, tôi rất bất ngờ, vì tôi cứ nghĩ người nhiều tiền án tiền sự như tôi thì rất khó. Tôi nhớ buổi sáng hôm rời trại, lúc đứng ngoài sân để làm thủ tục tha tù, biết mình chắc chắn sẽ về, cũng đã mặc sẵn một bộ thường phục trên người, mà lòng tôi vừa vui mừng vừa hoang mang. Tôi không biết mình trở về sẽ sống ra sao, liệu sự trở về của tôi có làm xáo trộn cuộc sống của gia đình tôi hay không? Tôi không biết điều gì chờ đón tôi phía trước? Nhưng đến ngày về thì phải về chứ, có muốn ở lại cũng không được, trong khi tôi đã phấn đấu 21 năm cho giây phút này.

Để lòng mình bình tĩnh lại, tôi vẫn ngồi cố vẽ bức tranh cuối cùng, đó là bức tranh hai đứa bé, con của một cán bộ trại. Rồi sau đó khi cán bộ bảo tôi “Hải ơi, đi về thôi”, thì tôi buông cọ, vừa lúc bức tranh kịp hoàn thành. Một cán bộ lấy xe máy đưa tôi ra cổng trại. Khi nhìn thấy các em tôi đứng đó chờ tôi sẵn, thì hai chân tôi nhũn ra, ôm lấy các em mình và khóc, không dám tin mình đã được về. Rồi tôi móc túi, đưa cho bà bán vé số ở cổng trại 1,8 triệu đồng mà Nhà nước cho tôi ngày tôi ra tù.

Tôi đã khép lại cuộc đời tù tội của mình như thế!

Kỳ II: Những ngày tháng đầu trở về nhà sau 21 năm tù, có người đề nghị Hải Bánh quay lại cuộc đời giang hồ. Người đàn ông này trả lời: “Anh hết thời rồi! Nửa đời trước anh dành cho anh em, nửa đời sau này chỉ muốn sống vì gia đình nhiều hơn”.

Nội dung: Tô Lan Hương

Ảnh: Mạnh Quân

Video: Phạm Tiến – Minh Hoàng

Thiết kế: Khương Hiền

31/10/2022