Hà thành Thập tam trại

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên cho biết: Mùa thu, tháng 7-1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ và đổi tên thành Thăng Long. Sau khi xây dựng một số cung điện chính, Lý Thái Tổ cho dựng kho tàng và đắp thành đào hào. 4 mặt thành mở 4 cửa: Phía Bắc là cửa Diệu Đức; phía Nam là cửa Đại Hưng; phía Đông là cửa Tường Phủ, phía Tây là cửa Quảng Phúc. Trong đó vùng phía Tây-Quảng Phúc của kinh thành Thăng Long thời đó hoang sơ, vắng vẻ nhất nên triều đình chiêu mộ để nhân dân về đây sinh cơ. Tuy nhiên Thập tam trại (làng) thực sự hình thành và dần phát triển từ thời vua Lý Thái Tông.

Qua khảo sát thực tế của nhiều sử gia, người dân vùng Thập tam trại hầu hết tự nhận mình là con cháu dòng dõi họ Hoàng ở Lệ Mật, Gia Lâm (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên). Lập công lớn và được vua ban thưởng tước lộc song ông đã không nhận mà tâu vua cho dân nghèo ở bản quán được vượt sông Nhị Hà sang khai hoang lập ấp ở phía tây thành Thăng Long, lập ra 13 trại cũng là 13 ấp quân cơ để bảo vệ kinh đô. Trong thần phả đình Vĩnh Phúc Thượng (còn gọi là đình Thái Tể) cũng ghi lại lịch sử khai khẩn khu vực này tương tự như vậy. Đình thờ một vị thần họ Hoàng gốc ở làng Lệ Mật, có công chiêu tập một số gia đình người cùng làng sang lập nghiệp ở khu vực phía tây thành Thăng Long. Dân 13 trại còn giữ nhiều truyền thống nghề nghiệp của quê cũ Lệ Mật là nghề làm thuê đi tìm lá thuốc Nam và nghề bắt rắn…

leftcenterrightdel

Đình làng Lệ Mật, nơi thờ Thành hoàng họ Hoàng – ông tổ có công khai phá Thập tam trại. Ảnh: TUẤN TÚ

Trải qua nhiều biến đổi, Thập tam trại được biết đến gồm: Cống Vị, Giảng Võ, Liễu Giai, Vạn Phúc, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc, Thủ Lệ, Đại Yên (An), Cống Yến (An), Kim Mã, Ngọc Khánh, Vạn Bảo. Những trại này, lúc đầu chỉ do một vài dòng họ khai khẩn, sau đông mới lập thành làng xã. Tuy vậy, giữa nơi ở mới (kinh quán) và quê cũ (cựu quán) vẫn có sợi dây liên kết. Chính vì vậy, hằng năm, cứ vào ngày 23-3 âm lịch, tại hội làng Lệ Mật, người dân Thập tam trại cũng tổ chức mừng ngày đức “Thánh tổ” đưa dân sang khai hoang lập ấp phía tây kinh thành. Các trại đều cử người và đem lễ vật về cúng tế. Ứng với câu đồng dao cổ vẫn được người dân Thập tam trại truyền tai nhau: Đến ngày hăm ba tháng Ba/ Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê/ Kinh quán cựu quán đề huề/ Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.

Theo tác giả Vũ Kiêm Ninh trong cuốn “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” (NXB Văn hóa thông tin, 2010), người Thập tam trại tuy có cùng chung thờ người khai sáng ra đất trại, nhưng tại mỗi làng cũng thờ thành hoàng riêng. Như làng Cống Yên từ năm Trung Hưng đời Trần được vua sắc phong vị tướng có công đánh trận Bạch Đằng là Quảng Hồng linh ứng Đại vương làm Thượng đẳng phúc thần thành hoàng làng. Làng Đại Yên lại thờ Ngọc Hoa công chúa là Đường cảnh thành hoàng…

Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” (NXB Hà Nội, 2010), nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn đã có những khảo cứu về “nghề” ở Thập tam trại. Cả vùng lúc đầu làm nông nghiệp nhưng sau chuyển sang trồng hoa, trở thành nổi tiếng nên có thêm tên mới là Trại Hàng Hoa. Nghề trồng hoa của hai làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp là lâu đời nhất. Thời kỳ đầu, hai làng chỉ trồng hoa cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, cúc, ngâu. Khi người Pháp đem các giống hoa nước ngoài tới, nhiều người Ngọc Hà, Hữu Tiệp làm công cho họ và đem nghề trồng hoa mới này về làng. Không rõ bí quyết gì khiến người Ngọc Hà trồng hoa rất khéo, lại đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của người Hà Nội nên nói đến làng hoa, người ta hay nghĩ đến Ngọc Hà trước. Còn làng Hữu Tiệp nằm sát phố Đường Thành (phố Hoàng Hoa Thám hiện nay), rồi Vĩnh Phúc, Cống Vị… cũng phát triển cả nghề trồng rau và trồng hoa nhưng chưa đạt đến “độ” như làng Ngọc Hà. Làng Hào Nam nổi tiếng với nghề trồng rau. Làng Đại Yên còn được gọi là làng thuốc, có nghề trồng cây thuốc và đi hái thuốc Nam. Nhiều gia đình chuyên bán thuốc lá ở các chợ khu phố cổ. Nghề trồng hoa ở Đại Yên có sau do học theo người làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Làng Kim Mã không lớn, đất đai lại rải rác thành nhiều nơi cách nhau và người làng Kim Mã sống về nghề làm ruộng. Một số đông vì ở gần phố nên làm thêm các nghề thợ nề, thợ mộc… vì thế cuộc sống có khấm khá hơn các nơi khác chỉ trông vào đồng ruộng. Giảng Võ là trại lớn nhất nằm ở phía nam Thập tam trại. Người làng Giảng Võ có truyền thống thượng võ…

Ngày nay, cùng với sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội, hầu hết các làng trong Thập tam trại đều đã được đô thị hóa, trở thành những khu phường sầm uất. Tuy nhiên, nếp nghề truyền thống của cha ông như Ngọc Hà, Hữu Tiệp vẫn nổi tiếng như thuở xưa với danh thơm là “làng hoa Hà thành”.

BẢO LINH