Hà Nội xây dựng bản đồ số hoá về ngập lụt, đề án thoát nước thông minh
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, từ đầu năm đến nay xuất hiện hàng chục lần mưa ngập gây ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của nhân dân.
Khí hậu biến đổi phức tạp, đô thị hoá tăng nhanh
Sở Xây dựng phối hợp với Sở NN&PTNT, các Sở GTVT, Quy hoạch – Kiến trúc, KH&ĐT cùng các đơn vị liên quan vừa rà soát các quy hoạch chuyên ngành (thoát nước đô thị và ngoài đô thị), rà soát các điểm úng ngập, xem xét nguyên nhân, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài phòng chống úng ngập trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội cứ mưa là ngập, các phương tiện chật vật lưu thông
Các cơ quan này đều thống nhất biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội. Tần suất các cơn bão có xu thế tăng, mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán theo quy hoạch trong các tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng dần.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ khoảng trên 70mm/h xuất hiện 11 điểm úng ngập, với lượng mưa trên 100mm/h xuất hiện tới 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính. Đó là chưa kể đến một số điểm ngập nhỏ lẻ khác tại các ngõ ngách khu dân cư và một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.
Đáng chú, hệ thống thấm nước cũng bị giảm sút sau quá trình đô thị hoá. Nhiều ao hồ trong nội thành bị san lấp làm mặt bằng xây dựng làm giảm tối đa dung tích điều hoà.
Mặt khác hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy, các nguồn xả, trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch. Lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán và khả năng của hệ thống thoát nước hiện trạng.
TS. Hoàng Minh Sơn – chuyên gia giao thông đô thị cho rằng: Mấy năm gần đây, đặc biệt từ thời điểm Hà Nội có chủ trương lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên thay các loại gạch khác trên 900 tuyến phố, Hà Nội hễ mưa là ngập nặng.
Theo ông Sơn, do khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp hơn, song, cũng do hàng trăm vỉa hè bị triệt tiêu lớp thấm hút nước nên mới dẫn đến tình trạng đã ngập lại càng ngập hơn.
“Theo tôi tìm hiểu, quy trình lát đá tự nhiên đang được triển khai là đổ một lớp bê tông dày rồi lát đá lên trên thay vì lớp cát như trước. Điều này vô tình bịt kín, không cho nước mưa thấm xuống đất”, ông Sơn nói và nhấn mạnh thêm: Vỉa hè có vai trò quan trọng là nơi thoát nước trên địa bàn TP, không chỉ nuôi cây xanh trên mặt đất, bổ sung nguồn nước ngầm khi thẩm thấu lâu dài, khi bốc hơi tạo nên vùng khí hậu dễ chịu hơn rất nhiều. Việc lát đá tự nhiên không những không có được điều đó còn gây hiệu ứng gia tăng nhiệt khi nung nấu bê tông.
Đại lộ Thăng Long thường xuyên xuất hiện tình trạng ngập sâu khi mưa lớn, nhất là ở khu vực hầm chui
Sẽ xây dựng bản đồ số hoá, đề án thoát nước thông minh
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để khắc phục úng ngập trong thời gian tới trên địa bàn đơn vị này đang yêu cầu Công ty Thoát nước xây dựng bản đồ số hoá về ngập lụt, nghiên cứu xây dựng đề cương đề án thoát nước thông minh.
Trước mắt, Sở này sẽ thiết lập đường dây nóng giữa các đơn vị để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các sự cố thoát nước gây úng ngập; tổ chức ứng trực 24/24h, tập kết và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị để đảm bảo thoát nước tại các vị trí xảy ra úng ngập.
Tăng cường duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông; duy trì, thu dọn rác thải trên các tuyến phố tránh để rác làm tắc các ga thu nước, cống rãnh, thải ảnh hưởng đến thoát nước khi mưa to.
Kiểm soát thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống các hồ điều hoà thoát nước: Khai thác triệt để năng lực các hồ điều hoà, việc quản lý, vận hành các hồ phải đáp ứng nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo môi trường hồ đồng thời đảm bảo công tác điều tiết mực nước phòng chống úng ngập đô thị.
Bảo dưỡng sửa chữa kịp thời các trạm bơm, công trình đầu mối đảm bảo vận hành 100% công suất; thực hiện cải tạo sửa chữa, khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố.
“
Các chuyên gia về đô thị, thuỷ văn cho rằng Hà Nội cần xây dựng tiêu chuẩn đô thị theo hướng nhìn vào thực tế hiện nay. Ví như đối với việc thoát nước đô thị khi các toà cao ốc mọc lên, tình trạng đô thị hoá tăng cao cần phải giao cho đơn vị xây dựng, khai thác phải chịu trách nhiệm trong việc xử lý úng ngập. Yêu cầu họ xây hồ điều hoà, bố trí cây xanh, tăng thêm diện tích thoát nước.
”
Cùng đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị thuỷ lợi vận hành theo quy trình đối với các trạm bơm thoát nước đô thị và các trạm bơm tiêu nông nghiệp như: Yên Nghĩa, Khê Tang, Ngoại Độ, Vân Đình… đảm bảo thoát nước cho sông Nhuệ.
Rà soát kỹ các trạm bơm tiêu thoát nước, hệ thống kênh mương phục vụ nông nghiệp tại các khu vực đã đô thị hoá đề xuất chuyển sang phục vụ tiêu thoát nước đô thị, đôn đốc nạo vét lòng kênh La Khê để đảm bảo tiêu thoát nước.
Kiểm tra, bổ sung ga thu nước mưa, thay đổi miệng thu nước của ga thu để tăng khả năng thu nước vào hệ thống, bổ sung hệ thống thoát nước mặt tại các đường ven sông, hồ bằng phương pháp hạ hè với các nơi có vỉa hè thấp hặc hay sử dụng kết cấu rãnh xương cá dưới mặt hè cho nước mưa trên mặt đường thoát thẳng xuống sông, hồ.
Một trong những giải pháp là điểm nhấn được đơn vị này đưa ra là sớm nghiên cứu bổ sung các bể điều tiết ngầm để giảm thiểu úng ngập tại nơi có địa hình trũng và xa nguồn xả. Trước mắt khảo sát và đề xuất phương án xử lý thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long.
Rà soát thống kê toàn bộ hệ thống hồ điều hoà trên địa bàn quản lý (bao gồm cả các hồ chưa kết nối vào hệ thống thoát nước đô thị trong các khu đô thị mới) để có giải pháp liên thông giữa các hồ điều hoà. Nghiên cứu đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới tham gia điều hoà thoát nước đô thị hoặc đầu tư xây dựng mới các hồ chứa nước dự kiến triển khai theo quy hoạch.
Về lâu dài, theo các Sở ban ngành của Hà Nội, sẽ tập trung ngồn lực triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội với 7 dự án lớn như: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; dự án đầu tư xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa và hệ thống kênh dẫn – kênh xả lưu vực Hữu sông Nhuệ; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu vực Hữu sông Nhuệ; Xây dựng cụm công trình đầu mối trạm bơm Liên Mạc; Dự án xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hoà và tuyến mương Thượng Thanh; Dự án xây dựng trạm bơm Cự Khối lưu vực Long Biên; Dự án cải tạo thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Sở Xây dựng sẽ tổ chức lại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và đổi tên thành Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội trực thuộc Sở Xây dựng. Theo đó, đơn vị này có chức năng là đầu mối xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho thành phố, số hoá hệ thống thoát nước…, cung cấp thông tin, dữ liệu cho tổ chức, cá nhân phục vụ việc đầu tư phát triển,cải tạo nâng cấp duy tu, duy trì để đảm bảo quy về một mối đồng bộ, hiệu quả.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty Thoát nước khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan rà soát tập hợp đầy đủ hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công… hệ thống thoát nước tại các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập, tiếp tục kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ thiết kế, cao độ cốt nền đường so với độ cao cốt nền quy hoạch, đánh giá nguyên nhân cụ thể đề xuất hướng giải pháp khắc phục”, ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội thực trạng hệ thống thoát nước đô thị hiện nay như sau: Khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận, có diện tích hơn 312,19 nghìn km2. Trong đó, hệ thống thoát nước Thành phố bao gồm: Hơn 3 triệu km cống rãnh, hơn 236 nghìn km mương, sông, kênh, hơn 34,8 nghìn ga thu, 57 nghìn ga thăm các loại; 50 hồ điều hoà, 58 trạm bơm thoát nước. Hệ thống thoát nước Hà Nội gồm 4 lưu vực: Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Long Biên.
Khu vực ngoại thành bao gồm các thị trấn thuộc huyện, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ hệ thống quản lý thoát nước với khối lượng là hơn 616 nghìn km cống rãnh, hơn 5,8 nghìn km ga thu các loại, hơn 6,7 nghìn km ga thăm và hơn 48 nghìn km kênh mương.