Hà Lan: Làm giàu nhờ trồng hoa như thế nào?
Đất nước Hà Lan với diện tích 41.528 km2, thuộc Tây Âu, trong đó có 26% diện tích thấp hơn mực nước biển. Hà Lan là đất nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên và cũng là nước có mật độ dân số cao nhất Châu Âu, ở mức 475 người/km2. Tuy nhiên, kinh tế Hà Lan rất phát triển với tổng sản phẩm quốc nội năm 2012 là 709,5 tỷ đô la Mỹ với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thấp, thặng dư tài khoản vãng lai lớn.
Với việc tận dụng thế mạnh dựa trên vị trí địa lý nằm ở cửa của 3 con sông lớn tại Tây âu, Hà Lan chú trọng phát triển mạnh các hoạt động kinh tế ngoại thương. Hà Lan cũng đã tận dụng đất đai mầu mỡ để phát triển nông nghiệp và ngành công nghiệp thực phẩm.
Nền nông nghiệp của Hà Lan được biết đến trên thế giới với các sản phẩm sữa, ngũ cốc, cây ăn trái, đặc biệt là ngành trồng hoa, hoa tulip mang lại danh tiếng và sự thịnh vượng cho đất nước Hà Lan.
Hà Lan có khoảng 2 triệu héc ta đất nông nghiệp, bao gồm hơn 109.000 héc ta đất trồng hoa, quả, làm vườn, 12.200 héc ta trồng hoa và rau trong nhà kính với khoảng 135.000 người lao động làm việc thường xuyên.
Sản xuất nông nghiệp Hà Lan được cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ cao, sản xuất ngoài trời chỉ chiếm 6% diện tích đất nông nghiệp, sản xuất trong nhà kính rất phát triển. Các thiết bị trong nhà kính đều được điều hành bằng hệ thống tin học, sản xuất được tự động hoá ở các công đoạn khác nhau như làm ấm, thông gió, hạ nhiệt, tưới nước, bón phân, phun thuốc, thanh trùng v.v… Có những nhà kính sử dụng công nghệ thủy canh, không dùng đất.
Riêng về mặt hàng hoa, hiện nay sản lượng hoa xuất khẩu của Hà Lan chiếm gần 50% sản lượng hoa cắt cành và 33% sản lượng cây cảnh trong chậu sản lượng hoa trên toàn thế giới.
Với công nghệ lai tạo và sản xuất giống nổi bật, hàng năm Hà Lan cung cấp gần 7 tỉ củ hoa các loại, giá trị 750 triệu USD, trong đó có 3 tỷ củ hoa tulip với hơn 200 giống tulip. Việc trồng hoa cũng được cơ giới hóa ngay từ khâu làm đất, lên luống, gieo củ, tưới tiêu, chăm bón, cắt hoa, thu hoạch củ giống cho đến khâu phân loại, đóng gói, đấu giá, và xuất cảng.
Với sự sáng tạo và cần cù kiên nhẫn, người Hà Lan đã biến vùng đất thấp ngập nước thành những cánh đồng hoa tươi đẹp. Trong đó, có vườn hoa Keukenhof được thành lập năm từ năm 1949 dưới đề xuất của thị trưởng thành phố Lisse. Các nông gia và thương gia đã đồng tâm hợp tác sản xuất và phát triển thành một ngành thương mại đặc biệt, chuyên sản xuất và xuất khẩu hoa và củ tulip sang các nước trên toàn thế giới. Vườn hoa Keukenhof rộng 32 héc ta, trồng gần 7 triệu cây hoa tulip, với trên 100 giống khác nhau của các công ty sản xuất giống tại Hà Lan.
Vườn hoa Keukenhof chỉ mở cửa cho khách tham quan trong vòng 6 tuần từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 hàng năm vì đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng hoa tulip, mỗi năm thu hút gần một triệu du khách khắp nơi trên thế giới về để thưởng lãm. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh mỗi năm của Keukenhof đạt hàng trăm triệu euro.
Tại thị trường hoa Hà Lan, việc lai tạo giống mới là kỹ năng sống còn và dân trồng hoa Hà Lan thực sự đã rất sáng tạo trọng việc tạo giống cây hoa mới, ví dụ như loại hoa hồng Edith Piaf có màu hồng của hoa anh đào, loại hoa hồng Black Beauty có màu đỏ thắm như tấm màn nhung của rạp hát opera, loại hoa hồng Papillon có màu hồng vàng kem, loại hoa hồng Grand Prix với cánh hơi nhọn, hình ngôi sao và có thể tươi suốt 2 tuần. Do hạn chế diện tích đất nước và cũng không có khí hậu tốt quanh năm nên chính phủ Hà Lan cũng có chính sách đầu tư sâu rộng và kêu gọi sự hỗ trợ của giới khoa học cho ngành công nghiệp nổi tiếng nhất của mình.
Hà Lan hiện là trung tâm của thị trường hoa thế giới. Tại Hà Lan có công ty Floraholland nổi tiếng trên toàn thế giới, chuyên bảo quản, phân phối và xuất khẩu hoa thông qua sàn giao dịch hoa. Ví dụ một trong những sàn giao dịch hoa của công ty Floraholland là sàn Aalsmeer với lượng hoa giao dịch trên các bảng thanh toán điện tử ở đây chiếm khoảng 60% tổng sản lượng giao dịch hoa trên toàn thế giới.
Sàn giao dịch Aalsmeer được ví như sàn giao dịch cổ phiếu Wall Street dành cho hoa. Giá hoa ở đây chi phối giá hoa trên toàn cầu. Các phòng bán đấu giá trong khu Aalsmeer cũng giống như nơi buôn bán những mặt hàng khác, với hương thơm ngào ngạt hơn, với những dòng người mua ngồi đối diện với đồng hồ, đếm ngược thời gian xác định giá giao dịch hoa. Việc buôn bán được tính theo giây, có hơn 20 triệu bông hoa được bán ra mỗi ngày tại sàn giao dịch này. Tính tổng số lượng các sàn giao dịch hoa mà Floraholland quản lý thì có trên 50 triệu bông hoa được bán ra mỗi ngày.
Công ty Floraholland có lịch sử hơn 100 năm, với 3.000 nhân viên, hệ thống kho có diện tích khoảng 100 héc ta, trong đó, khu vực kho lạnh bảo quản hoa có diện tích 10 héc ta. Floraholland hợp tác với 25.000 nông dân trồng hoa và các nhà phân phối hoa trên toàn thế giới. Floraholland phân phối hoa theo hai hình thức: đấu giá trực tiếp và nhập khẩu từ các khách hàng quen biết. Các sản phẩm hoa từ nhà vườn nhập vào kho đều được mã hoá và đưa thông tin lên mạng một ngày trước ngày đấu giá.
Có hai khu vực đấu giá: khu vực dành cho khách hàng thường xuyên và khách hàng không thường xuyên. Các loại hoa bán tại FloraHolland được chuyển tới từ nhiều nước xa xôi như Kenya, Etiopia, Israel và Đức… Hoa được bảo quản lạnh trước khi được chuyển đi khắp thế giới.
Mỗi năm FloraHolland bán khoảng hơn 12 tỷ cành hoa, ước tính trung bình lợi nhuận của riêng FloraHolland vào khoảng 4 tỷ euro mỗi năm.
Như vậy, có thể nói chỉ riêng mặt hàng hoa đã đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế Hà Lan. Nếu tính chung kim ngạch thương mại của các mặt hàng thì doanh số giao dịch lên đến 1.100 tỉ USD, Hà Lan là nền kinh tế đứng thứ 16 thế giới. Có thể nói trong thời gian mấy chục năm vừa qua, Hà Lan đã xây dựng thành công nền kinh tế tri thức. Hà Lan chú trọng phát triển bền vững, cân bằng sinh thái, môi trường, chất lượng cuộc sống, xây dựng lối sống học tập suốt đời, tuổi thọ trung bình của người dân Hà Lan là 80 tuổi, chỉ số phát triển con người HDI 95,8%, đứng thứ 6 trên thế giới.
Nhật Hạ tổng hợp
Xem thêm: