HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MĂNG CỤT

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MĂNG CỤT

  26/05/2020

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MĂNG CỤT

 

I/-GIỚI THIỆU

Là cây ăn quả nhiệt đới, trên thế giới được trồng nhiều ở Thái lan, Mã lai, Philipin, Indonesia. Ở Việt Nam được trồng nhiều ở các tỉnh đông nam bộ như Đồng nai, Bà rịa, Bến Tre, Tiền giang …ở khu vực miền trung có Quảng Nam, Huế…;

Măng cụt được nhiều người ưa chuộng và được mệnh danh là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới bởi lẽ dáng trái đẹp và chứa nhiều chất bổ dưỡng, vitamin, khoáng chất tự nhiên, ăn măng cụt thường xuyên tốt cho hệ tim mạch, chống lão hóa, đẹp da và có khả năng chữa nhiều bệnh về tim mạch và bồi bổ sức khỏe.

Hiện nay, măng cụt ở Việt Nam chỉ cho trái khi cây trồng từ 8 -10 tuổi hay lâu hơn nữa  tuỳ vào phương thức chăm sóc. 

II/- KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

1./ Nơi trồng:

– Cây măng cụt có thể sinh trưởng ở nhiều loại đất khác nhau nhưng tốt nhất là ở thịt nhẹ, đất pheralit giàu hữu cơ, tầng canh tác dầy, thoát nước tốt và gần nguồn nước tưới. 

– Măng cụt là loại cây đòi hỏi khí hậu nhiệt đới với nhiệt độ và ẩm độ cao, lượng mưa dồi dào.

– Ở Tiên Phước măng cụt phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Sơn và một số xã khác…

2./ Giống:

Cây măng cụt là loại cây có hạt, nhưng hạt bất thụ, mầm phát triển từ phôi cái không qua thụ phấn, nên cây trồng từ hạt cũng có đặc tính giống như cây mẹ, không bị lai tạp. Hiện nay cây măng cụt chỉ có 1 giống, do đó nhà vườn yên tâm sản xuất.

3./ Nhân giống:  

-Trồng bằng hạt:  chọn hạt to (trọng lượng hạt >1g) theo kinh nghiệm thì trái to, méo một bên thì sẻ có hạt to dùng gieo ươm nẫm mầm tốt, một hạt có thể nãy ra 2-3 mầm và ươm hạt trong môi trường tro trấu hoặc mụi xơ dừa.

Cần làm nhà lưới hoặc làm dàn để che nắng cho cây măng cụt vì cây rất kém chịu ánh nắng trực tiếp, gây cháy lá. Có rào kín giữ côn trùng và các loại sinh vật gây hại.

Khi cây con đạt 4 – 5 tháng tuổi  mới chuyển sang bầu, đến khi cây con được 1 tuổi lại chuyển sang bầu to hơn, lúc này bầu phải có kích thước 25cm x 30cm để rễ măng cụt phát triển thuận lợi trong năm thứ 2.

Cả 2 giai đoạn này cần chọn vật liệu thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng làm bầu cho cây, có thể dùng hỗn hợp như xơ dừa + phân HCVS + đất = 3:1:1, tưới nước điều đặn và che mát cho cây. Đặc điểm cây măng cụt mới nãy mầm bộ rễ phát triển rất chậm, do đó chưa hút được nhiều dinh dưỡng, rất chậm phát triển nên cần phải bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng các loại phân bón lá cao cấp hoặc tưới dung dịch hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho cây kịp thời.

Cần tưới nhẹ phân 2 tháng/lần, chọn phân có tỷ lệ N:P:K theo công thức 15:15:15, hoặc có thể chọn phân NPK sao Việt 16:19:12+6S+TE kết hợp thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh nấm giúp cây phát triển tốt.

+ Ghép cây: cây măng cụt có thể ghép được bằng phương pháp ghép nêm, tuy nhiên qua thực tiển cây măng cụt ghép sinh trưởng phát triển kém hơn so với cây trồng bằng hạt, quả nhỏ hơn, do vậy hiện nay vẫn sử dụng cây trồng bằng hạt là tốt nhất.

4./ Thiết kế vườn trồng, cải tạo đất, chuẩn bị hố trồng: 

– Trước khi trồng các loại cây ăn quả nói chung và cây măng cụt nói riêng nhất thiết cần có thiết kế cụ thể cho từng lô, từng khoảnh. Thực hiện cải tạo đất bằng thủ công hoặc cơ giới tạo thành thửa bậc thang, chất bờ đá, bậc đá để chống xói mòn, đồng thời thiết kế hệ thống tưới nước và thoát nước một cách bài bản, khoa học.

– Do cây măng cụt có tầng táng lớn, tuổi thọ cao nên để tận dụng đất đai, không gian, ánh sáng, công lao động và lấy ngắn nuôi dài, hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Phước chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân nên thiết kế cây trồng xen với cây măng cụt giữa khoảng cách 2 cây măng cụt với một loại cây khác có tần tán thấp, tuổi thọ ngắn hơn cây măng cụt để khai thác trước và thanh lý nhanh cây trồng xen và về sau để lại cây măng cụt phát triển lâu dài về sau. Có thể chọn một số cây trồng xen như cây chuối, cam, chanh, các loại cây dược liệu như sả, đinh lăng, ba kích…

– Do cây măng cụt có tầng lá dày, nên bộ rễ phát triển rất mạnh và ăn sâu, rộng. Cây còn có khả năng chịu hạn, chịu gió bão. Để tạo điều kiện cho cây phát huy được đặc tính đó, ngay từ đầu chúng ta phải đào hố, cải tạo đất thật kỹ. Hố được đào với kích thước 60 x 60 x 60cm, bón lót 10-15 kg phân chuồng hoai mục hoặc 5-10 kg phân HCVS kết hợp với 50-100g phân NPK K/gốc.

5./ Khoảng cách trồng:

Cây măng cụt có tuổi thọ rất cao trung bình trên 100 năm, có cây 300 năm (malaisia), cây có tầng tán rộng trên 3-4m; do vậy khi trồng cần bố trí mật độ thưa để cây đến tuổi trưởng thành không bị giao tán, cây vẫn phát triển tốt và cho năng suất cao. Vì vậy nên trồng măng cụt với khoảng cách 8-10 m/cây (100-160 cây/ha) theo kiểu hình vuông hoặc nanh sấu.

 

6./ Kỹ thuật trồng cây: 

Tiêu chuẩn cây giống: theo tiêu chuẩn ngành 10 TCN 475:2001 của Bộ Nông nghiệp&PTNT (ban hành theo Quyết định số 106/2001/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 12 tháng 11 năm 2001)

Khi cây con đạt tiêu chuẩn mới đưa ra ruộng sản suất (cây 2 năm tuổi và có khoản 12- 13 cặp lá).

Đặt cây vào hố và lấp đất ngang mặt bầu, cắm cọc, giúp cây khỏi đổ ngã và che bóng cho cây.

7./ Che bóng:

          Măng cụt là cây ưa bóng, đặc biệt trong giai đoạn từ 1-4 năm đầu.

Việc che bóng cho cây là điều cần thiết (giảm bớt 50- 60% ánh sáng) trong giai đoạn cây con phải dùng mái che, khi trồng nên che mát cho cây bằng vật liệu hay trồng chuối xung quanh đến cuối năm thứ 4, trồng chuối cách gốc măng cụt ít nhất 1m.

8./ Tưới nước: 

Măng cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn, tuy nhiên cần điều khiển nước một cách hợp lý theo từng gia đoạn. Thời kỳ cây con chưa cho quả (KTCB) cây cần nước liên tục quanh năm đủ ẩm để sinh trưởng tốt, ra lá nhiều đợt thì sẻ nhanh lớn và nhanh cho quả.

Thời kì kinh doanh cần phải điều khiển đúng thời điểm, để cây ra hoa nhiều và đồng loạt thì trước thời vụ chính ra hoa cây cần có một thời kỳ khô hạn để phân hóa mầm hoa. Ở Tiên Phước, Quảng Nam thường rơi vào tháng 6-7 dương lịch và cũng thường đúng vào tháng khô hạn nhất trong năm nên rất thuận lợi cho cây măng cụt phân hóa mầm hoa và sang tháng 8, đầu tháng 9 khi thời tiết có mưa đầu mù thì cây măng cụt sẻ ra hoa, nếu ít mưa thì phải tưới nước bổ sung 2-3 ngày/lần để duy trì độ ẩm cho cây ra hoa và đậu quả. Tuy nhiên nếu mưa nhiều, hoặc tưới quá nhiều nước thì sẻ gây rụng quả, còn nếu thiếu nước ở giai đoạn này thì trái nhỏ và giảm phẩm chất.

9./ Tỉa cành tạo tán:  

Mục đích tỉa cành, là tạo sự thông thoáng cho cây để ánh sáng đến được tất cả các lá giúp quang hợp tốt, cắt bỏ những cành sống nhờ là những cành phía bên trong tán, hạn chế sự phát triển của rong rêu làm hại cây.

Khi cây còn nhỏ cần tỉa bỏ cành dày đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau… để tạo cho cây có tán cân đối sau này.

Khi cây cho trái vào mỗi cuối vụ trái cần tỉa bỏ các cành bị sâu bệnh, cành già không còn khả năng cho trái, cành vô hiệu bên trong tán cây.

Đặc biệt phải tỉa ngắn lại những cành ở mặt ngoài tán, nhằm không cho tán cây giao nhau đồng thời kích thích cây ra đọt nhanh và nhiều hơn, công tác tỉa cành phải tiến hành sau khi thu hoạch quả và trước đợt bón phân lần 1.

Dụng cụ tỉa ở giai đoan này là loại kéo lớn.

Ở cây có cành phát triển tốt hoặc cành chạm đất, cần thiết phải dùng dây kéo cành lên trên, nhánh măng cụt dòn nên dùng dây nilon chắt kéo cành vào thân chính để tránh gãy nhánh.

10./ Bón phân:  

* Giai đoạn cây con (thời kỳ KTCB): Mỗi năm  nên bón 5-10 kg phân chuồng hoai, hoặc phân hữu cơ vi sinh HCVS cho mỗi cây và phân vô cơ NPK Sao Việt 18:8:10+6S+TE hỗ hợp với NPK Sao Việt 16:19:12+6S+TE và ở giai đoạn cây chưa cho trái như sau:

Tuổi cây

Liều lượng(kg/cây/lần bón)

Số lần bón(lần/năm)

1

0,05-0,10

3 – 4

2

0,10 – 0,15

3 – 4

3

0,15 – 0,2

2 – 3

4 – 7

0,3-0,5

2 – 3

 

                                                                                                                   

* Giai đoạn cây cho trái (thời kỳ kinh doanh): phân bón được áp dụng làm 3 lần như sau:

– Lần 1: Ngay sau khi thu hoạch xong, cần tỉa cành tạo tán và bón 1,5 – 3,0 kg phân NPK Sao Việt 18:8:10+6S+TE kết hợp với 10-20 kg phân chuồng hoai, hoặc phân HCVS/cây bổ sung dinh dưỡng cho cây tái tạo vật chất cho năm sau.

– Lần 2: Khoảng tháng 4-5 khi thời tiết có mưa dông, bón 1,0 – 2,0  phân NPK Sao Việt 18:8:10+6S+TE kết hợp với 10-20 kg phân chuồng hoai, hoặc phân HCVS/cây để cây tập trung ra lá non.

– Lần 3: Trước khi ra hoa 20 ngày bón 2,0-4,0 kg phân NPK Sao Việt 16:19:12+6S+TE và các loại phân vi lượng, kích thích ra hoa để tạo điều kiện cây ra hoa, thụ phấn, thụ tinh tăng đậu quả và hạn chế rụng quả do thiếu hụt dinh dưỡng và gặp thời tiết mưa lớn, bất lợi cho cây, khi cây đậu quả non tưới hoặc phun sản phẩm Canxi-bo để hạn chế rụng quả và bổ sung thêm Sunphatkali để tăng phẩm chất, mẫu mã quả.

BẢNG TÓM TẮC BÓN PHÂN NHƯ SAU

Tuổi cây

Lần 1

 ( sau thu hoạch quả, tháng 11-12)

NPK Sao Việt 18:8:10+4S+Mg+TE

Lần 2

 ( tháng 4-5)

NPK Sao Việt 18:8:10+4S+Mg+TE

Lần 3

 (trước khi ra hoa

 tháng 7-8)

NPK Sao Việt 16:19:12+6S+TE

8-15 tuổi

1 kg

0,5-1 kg

1,5-2 kg

+ 0,5kg sunphatkali

16-25 tuổi

1,5-2 kg

1,0-1,5 kg

2-3 kg

+ 1,0kg sunphatkali

> 25 tuổi

3-4 kg

2-3 kg

3-4 kg

+ 1,5kg sunphatkali

Trường hợp bón phân đơn thì nên trộn hỗ hợp với tỷ lệ theo công thức N:P:K = 8:24:24 pha trộn để đạt đúng với tỷ lệ như sau:

Urê(46%N): 1,7 kg + Super lân(16,5% P2O5): 14,5 kg + Kali (50 %K2O): 4,8 kg

Đối với cây có đường kính tán 7-8 m đang phát triển bình thường thì có thể bón 3-4kg hỗn hợp đã phối trộn hư trên cho 1 cây.

Trong giai đoạn này tránh bón nhiều phân đạm vì sẽ kích thích ra lá mới làm chậm quá trình ra hoa và gây rụng trái.

 

Kết quả hình ảnh cho cây măng cụt

 

III/- PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH

1/ Sâu hại:

3.1/ Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella): 

Sâu non mới nở ăn biểu bì lá, tấn công mặt dưới lá tạo thành những đường ngoằn ngoèo và có thể gây cháy từng mãng trên lá ảnhhưởng sức khoẻ của cây.

Có thể cắt tỉa đầu cành, để cây ra đọt non đồng lọat, khi đọt non dài khỏang 2-3 Cm

Phòng trị bằng cách phun  các loại thuốc sau: Con fidor, Sherzol, Dầu khóang SK Enspray, vào thời điểm sâu non theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

3.2/ Bọ trĩ (Thrips spp):  

Thời kỳ trái non bù lạch làm chảy nhựa trên vỏ trái.

Trị bằng Sumialpha, sumicidin  Sherpa, theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì.

Có thể dùng dầu khóang SK 99 theo liều lượng khuyến cáo (hỗn hợp Dầu khóang 0,25 % + thuốc trừ sâu) được sử dụng hiệu quả đối với Thrips.

3.3/ Ruồi đục trái:

Khi trái sắp chín ruồi đục trái làm rí nhựa trên vỏ trái phòng trị bằng cách dùng bẫy ruồi đục trái cây với hợp chất dẫn dụ và duyệt ruồi Vizubond… mật độ bẫy 3-5 bẫy/1000m2.

3.4/ Nhện đỏ: 

Thành trùng rất nhỏ, màu vàng lợt hay nâu, có 8 chân.

Nhện ăn phá vỏ trái gây sần sùi như da cám.

Làm giảm chất lượng và giá trị thương phẩm của trái Phòng trị bằng cách phun nước có công suất mạnh trên cây, trái để nhện bị cuốn trôi hoặc phun các loại thuốc trừ nhện như Saipromite, Danitol, Dầu SK Enspray 99, vào giai đoạn cây mang trái non.

2/ Bệnh hại:

2.1/Bệnh thán thư (do nấm Collectotrichum):

Bệnh có thể phát sinh trên lá, cành và trái. Trên lá, bệnh tạo thành các đóm cháy màu nâu, nhiều đóm có thể liên kết với nhau làm khô cả một mảng lá. Trên trái bệnh tạo thành những đóm màu nâu đen, có thể làm trái thối khô và rụng.

Nấm gây bệnh tồn tại trên các lá và trái bị bệnh, phát tán lây lan do gió và nước.

Bệnh phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, thời tiết ẩm thấp, ẩm độ cao.

Phòng trị bằng các biện pháp tỉa cành tạo tán, để cây thông thóang, nhiều ánh sáng và khô ráo.

Khi phát hiện mới có bệnh, dùng các lọai thuốc như Carbenzim, Antra Col, Dinthane M45, Mexyl MZ…theo liều lượng hướng dẫn, phun ướt đều lên tán lá, trên trái lúc còn non.

2.2/ Bệnh chết nhánh (do nấm Pestaliotopsi sp):  

Triệu chứng là nấm tấn công gây cháy lá và làm chết từng nhánh nhỏ trên cây, bệnh có thể lây lan rất nhanh trong điều kiện ẩm độ cao, lúc mưa nhiều.

Phòng trị bệnh chết nhánh bằng cách tỉa bỏ các cành nhánh trong tán cây, giúp cho cây thông thóang, kết hợp phun xịt các lọai thuốc sau: Carben zim, Bendazol, Benomyl, theo liều hướng dẫn trên bao bì.

2.3/ Bệnh chảy mủ vàng trên trái:

Do chưa xác định chính xác được nguyên nhân gây bệnh chảy mủ vàng trên trái măng cụt.

Vì vậy, hiện nay chưa thể đề ra biện pháp phòng trừ nào thích hợp bằng thuốc trừ sâu, trừ bệnh, mà trước mắt chỉ có thể khuyến cáo bà con cần phải giữ đảm bào thóat nước tốt trong mùa mưa và có thể xử lý cho cây ra hoa sớm, để cho thu họach trái, trước khi mùa mưa đến.

 

IV/ THU HOẠCH- BẢO QUẢN

– Hái lúc trái có màu hồng chuyển sang tím, khi hái phải thật cẩn thận và giảm đến mức thấp nhất sự xây xát và va chạm mạnh trên trái, nên dùng vợt để hái trái tránh rơi xuống đất làm dập nát và nhiễm bẩn.

– Bảo quản nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao.

 

                                                                         KS NN Tống Phước Thuần

                                                                         CV Phòng Nông nghiệp&PTNT

                                                                   Email: [email protected]

                                                                                      ĐT 0981154440

 

 

Tài liệu tham khảo :

  • Kỹ thuật trồng, thâm canh cây măng cụt – Ths Trần Văn Phúc
  • Kỹ thuật trồng măng cụt – Trần Văn Minh – Nguyễn Lân Hùng
  • Chọn và nhân giống cây măng cụt : TS Trần Vĩnh
  • Một số tài liệu khác và ứng dụng từ thực tế địa phương