HTCTTKQG – Giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
I. Giá trị xuất khẩu hàng hóa
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam đưa ra nước ngoài, làm giảm nguồn của cải vật chất của đất nước. Giá trị xuất khẩu hàng hóa được tính theo giá loại FOB hoặc tương đương, là giá của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất (không gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế), được tính cho một thời kỳ nhất định và tính theo một loại tiền thống nhất là đô la Mỹ.
Hàng hoá xuất khẩu gồm toàn bộ hàng hoá có xuất xứ trong nước và hàng tái xuất, được đưa ra nước ngoài trong đó:
– Hàng có xuất xứ trong nước là hàng hoá được khai thác, sản xuất, chế biến trong nước theo quy tắc xuất xứ của Việt Nam;
– Hàng tái xuất là hàng xuất khẩu có xuất xứ nước ngoài mà trước đó đã được thống kê là hàng nhập khẩu.
Phương pháp tính:
– Hàng hóa thuộc các loại hình xuất khẩu:
+ Kinh doanh: Hàng hóa bán theo các hợp đồng thương mại thông thường ký với nước ngoài;
+ Đầu tư: Hàng hóa xuất khẩu để tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là nguồn vốn ODA);
+ Gia công: Hàng hóa xuất khẩu theo các hợp đồng gia công, lắp ráp ký với nước ngoài, gồm thành phẩm hoàn trả sau gia công; nguyên liệu/vật tư xuất khẩu để gia công; hàng hóa làm mẫu phục vụ cho gia công; máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ gia công được thoả thuận trong hợp đồng gia công;
+ Tái xuất là hàng xuất khẩu có xuất xứ nước ngoài mà trước đó đã được thống kê là hàng nhập khẩu.
– Hàng hóa thuộc loại hình hàng đổi hàng với nước ngoài, không sử dụng các hình thức thanh toán bằng tiền;
– Hàng hóa thuộc giao dịch giữa doanh nghiệp mẹ với doanh nghiệp con, chi nhánh đầu tư trực tiếp ở nước ngoài;
– Hàng hoá thuộc loại hình vay nợ, viện trợ chính phủ, phi chính phủ;
– Hàng hóa thuộc hợp đồng thuê tài chính, theo đó người thuê có quyền lợi, trách nhiệm, chịu rủi ro… liên quan đến hàng hóa. Nếu trong hợp đồng không xác định rõ các nội dung trên thì căn cứ vào thời hạn thuê là 12 tháng trở lên;
– Hàng trả lại trong kinh doanh xuất nhập khẩu;
– Hàng hoá đưa ra nước ngoài để tham dự hội chợ, triển lãm, chào mẫu và được bán ở nước ngoài;
– Hàng hoá bán, trao đổi của cư dân biên giới, không có hợp đồng thương mại, hàng của người xuất cảnh vượt quá mức quy định và phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật;
– Các hàng hóa đặc thù:
+ Vàng phi tiền tệ: vàng ở các dạng thanh, thỏi, bột, vụn, vảy… do các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại (trừ ngân hàng nhận ủy quyền thực hiện giao dịch của Ngân hàng Nhà nước) xuất khẩu cho mục đích kinh doanh, gia công, chế tác… theo quy định của pháp luật;
+ Tiền giấy, chứng khoán chưa phát hành, tiền xu không hoặc chưa đưa vào lưu thông; các bộ sưu tập tiền xu hoặc tiền giấy;
+ Phương tiện lưu giữ thông tin, hình ảnh: băng từ, đĩa từ, CD-ROM, thẻ thông minh… đã hoặc chưa ghi âm, ghi hình, dữ liệu hoặc phần mềm máy tính, được sản xuất để dùng chung hoặc để mua/bán thông thường (trừ loại được sản xuất theo yêu cầu riêng của khách hàng nước ngoài);
+ Hàng hoá gửi ra nước ngoài qua đường bưu chính hoặc chuyển phát, có giá trị vượt quá quy định miễn thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật;
+ Hàng hóa xuất khẩu sử dụng phương thức thương mại điện tử: việc trao đổi thông tin, đặt hàng, ký kết hợp đồng thương mại và thanh toán với nước ngoài được thực hiện qua mạng Internet nhưng hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thực hiện các thủ tục hải quan thông thường;
+ Điện;
+ Hàng hóa, nhiên liệu bán cho các phương tiện vận tải nước ngoài sử dụng trong hành trình giao thông quốc tế;
+ Khoáng sản được khai thác trong khu vực thềm lục địa, hải phận quốc tế, vùng chồng lấn… và bán cho nước ngoài;
+ Thiết bị giàn khoan bán ngoài khơi;
+ Máy bay, tàu thuyền và phương tiện vận tải khác thuộc các giao dịch không thực hiện tờ khai hải quan.
2. Phân tổ chủ yếu
a) Kỳ tháng phân tổ theo:
– Loại hình kinh tế (khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài);
– Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam;
– Nước/vùng lãnh thổ cuối cùng hàng đến là nước/vùng lãnh thổ mà hàng hoá sẽ được chuyển đến theo thoả thuận với khách hàng nước ngoài và tại thời điểm xuất khẩu biết rằng sẽ không xảy ra giao dịch thương mại hay hoạt động nào làm thay đổi tình trạng pháp lý của hàng hoá;
– Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương: căn cứ vào số liệu xuất khẩu của các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký mã số thuế tại tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
b) Kỳ quý, năm phân tổ theo:
– Loại hình kinh tế: gồm khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
– Ngành kinh tế;
– Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam;
– Nước/vùng lãnh thổ cuối cùng hàng đến là nước/vùng lãnh thổ mà hàng hoá sẽ được chuyển đến theo thoả thuận với khách hàng nước ngoài và tại thời điểm xuất khẩu biết rằng sẽ không xảy ra giao dịch thương mại hay hoạt động nào làm thay đổi tình trạng pháp lý của hàng hoá;
– Hàng tái xuất;
– Phương thức vận tải: phương tiện vận tải được sử dụng để đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ đất nước, gồm vận tải bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường ô tô;
– Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ vào số liệu xuất khẩu của các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký mã số thuế tại tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu
– Đối với hàng hóa phải thực hiện tờ khai hải quan tại Việt Nam: Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;
– Đối với hàng hóa không thực hiện tờ khai hải quan tại Việt Nam: Điều tra doanh nghiệp; điều tra xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; tờ khai bổ sung đăng ký ở các nước khác qua trao đổi số liệu thống kê hải quan.
5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
– Chủ trì: Bộ Tài chính;
– Phối hợp: Tổng cục Thống kê.
II. Giá trị nhập khẩu hàng hoá
1. Khái niệm, phương pháp tính
Toàn bộ giá trị hàng hóa đưa từ nước ngoài vào Việt Nam, làm tăng nguồn của cải, vật chất của đất nước. Giá trị nhập khẩu được tính theo giá loại CIF là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được tính cho một thời kỳ nhất định, tính theo một loại tiền thống nhất là Đô la Mỹ.
Hàng hoá nhập khẩu gồm toàn bộ hàng hoá có xuất xứ nước ngoài và hàng tái nhập, được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó:
– Hàng hoá có xuất xứ nước ngoài là hàng hóa được khai thác, sản xuất, chế biến ở nước ngoài theo quy tắc xuất xứ của Việt Nam;
– Hàng hóa tái nhập là hàng nhập khẩu có xuất xứ trong nước mà trước đó đã được thống kê là hàng xuất khẩu.
Phương pháp tính:
– Hàng hóa thuộc các loại hình nhập khẩu:
+ Kinh doanh: Hàng hóa phục vụ mục đích sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, kinh doanh thông thường, theo các hợp đồng thương mại ký với nước ngoài;
+ Đầu tư: Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA;
+ Gia công: Hàng hóa nhập khẩu theo các hợp đồng gia công, lắp ráp ký với nước ngoài gồm nguyên liệu/vật tư nhập khẩu để gia công; hàng hóa làm mẫu phục vụ cho gia công; máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ gia công được thoả thuận trong hợp đồng gia công;
+ Tái nhập là hàng nhập khẩu có xuất xứ trong nước mà trước đó đã được thống kê là hàng xuất khẩu.
– Hàng hóa thuộc loại hình hàng đổi hàng với nước ngoài, không sử dụng các hình thức thanh toán bằng tiền;
– Hàng hóa thuộc giao dịch giữa doanh nghiệp mẹ với doanh nghiệp con, chi nhánh đầu tư trực tiếp ở nước ngoài;
– Hàng hoá thuộc loại hình vay nợ, viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ;
– Hàng hóa thuộc hợp đồng thuê tài chính, theo đó người thuê có quyền lợi, trách nhiệm, chịu rủi ro… liên quan đến hàng hóa. Nếu trong hợp đồng không xác định rõ các nội dung trên thì căn cứ vào thời hạn thuê là 12 tháng trở lên;
– Hàng trả lại trong kinh doanh xuất nhập khẩu;
– Hàng hoá đưa vào Việt Nam để tham dự hội chợ, triển lãm, chào mẫu và được bán ở Việt Nam;
– Hàng hoá mua, trao đổi của cư dân biên giới, không có hợp đồng thương mại, hàng của người nhập cảnh vượt quá mức quy định và phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
– Các hàng hóa đặc thù:
+ Vàng phi tiền tệ: Vàng ở các dạng thanh, thỏi, bột, vụn, vảy… do các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại (trừ ngân hàng nhận ủy quyền của Ngân hàng Nhà nước) nhập khẩu cho mục đích kinh doanh, gia công, chế tác, lưu giữ giá trị… theo quy định của pháp luật;
+ Tiền giấy, chứng khoán chưa phát hành, tiền xu không hoặc chưa đưa vào lưu thông; các bộ sưu tập tiền xu hoặc tiền giấy;
+ Phương tiện lưu giữ thông tin, hình ảnh: Băng từ, đĩa từ, CD-ROM, thẻ thông minh… đã hoặc chưa ghi âm, ghi hình, dữ liệu hoặc phần mềm máy tính, được sản xuất để dùng chung hoặc để mua/bán thông thường (trừ loại được sản xuất theo yêu cầu riêng của khách hàng);
+ Hàng hoá nhận qua đường bưu chính hoặc chuyển phát, có giá trị vượt quá quy định miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
+ Hàng hóa nhập khẩu sử dụng phương thức thương mại điện tử: Việc trao đổi thông tin, đặt hàng, ký kết hợp đồng thương mại và thanh toán với nước ngoài được thực hiện qua mạng Internet nhưng hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam thực hiện các thủ tục hải quan thông thường;
+ Điện;
+ Hàng hóa, nhiên liệu mua của nước ngoài để sử dụng trong hành trình giao thông quốc tế;
+ Khoáng sản được mua của nước ngoài tại khu vực thềm lục địa, hải phận quốc tế, vùng chồng lấn… với nước ngoài;
+ Thiết bị giàn khoan mua ngoài khơi;
+ Máy bay, tàu thuyền và phương tiện vận tải khác thuộc các giao dịch không thực hiện tờ khai hải quan.
2. Phân tổ chủ yếu
a) Kỳ tháng phân tổ theo:
– Loại hình kinh tế: khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
– Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam;
– Nước/vùng lãnh thổ cuối cùng hàng đến;
– Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
b) Kỳ quý, năm phân tổ theo:
– Loại hình kinh tế: khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
– Ngành kinh tế;
– Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam;
– Nước/vùng lãnh thổ cuối cùng hàng đến;
– Hàng tái xuất;
– Phương thức vận tải: phương tiện vận tải được sử dụng để đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ đất nước, gồm vận tải bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường ô tô;
– Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu
– Đối với hàng hóa phải thực hiện tờ khai hải quan tại Việt Nam: Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;
– Đối với hàng hóa không thực hiện tờ khai hải quan tại Việt Nam: Điều tra doanh nghiệp; điều tra xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
– Chủ trì: Bộ Tài chính;
– Phối hợp: Tổng cục Thống kê.