HRBP là gì? Vai trò chiến lược đối với doanh nghiệp | ITD Vietnam
Trước đây, vai trò của bộ phận Nhân sự trong doanh nghiệp thường chỉ gói gọn trong các công việc hành chính như: phỏng vấn – tuyển dụng, tính lương, chấm công, đào tạo, giải quyết khiếu nại… Tuy nhiên, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang dần ý thức được tầm quan trọng của bộ phận này đối với chiến lược kinh doanh tổng thể. Cùng với thời gian, quá trình tham gia vào hoạt động doanh nghiệp của Nhân sự đã dẫn đến sự ra đời của một chức vụ mới – HRBP.
HRBP là gì?
HRBP là viết tắt của từ Human Resource Business Partner – Đối tác nhân sự chiến lược kinh doanh. Nhiệm vụ của vị trí này là phát triển các chương trình nhân sự nhằm trực tiếp hỗ trợ mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Khác với bộ phận Nhân sự truyền thống, công việc của HRBP không tập trung nhiều vào mục quản trị, tuân thủ, đào tạo và xử lý phúc lợi nhân viên. Thay vào đó, họ được kỳ vọng phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo cấp cao để thấy được “bức tranh toàn cảnh”. Thay vì chỉ làm việc trong văn phòng, họ sẽ thường xuyên tham gia các buổi họp về tương lai, sứ mệnh, mục tiêu và chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Ý kiến của họ sẽ được cấp lãnh đạo cân nhắc để phục vụ việc định hướng và phát triển công ty.
Một HRBP thực thụ sẽ không phụ trách các hoạt động như phỏng vấn tuyển dụng, C&B hay training – nhưng tập trung vào các công việc liên quan đến phát triển tổ chức (Organizational Development – OD). Lấy ví dụ, thay vì trực tiếp tìm kiếm ứng viên, họ sẽ hướng dẫn để bộ phận tuyển dụng (Recruiter) nắm được yêu cầu của vị trí cần tuyển, những điểm thú vị của công việc này, nguồn ứng viên tiềm năng ở đâu, v.v… Trong quá trình tuyển dụng, HRBP sẽ cộng tác cùng Hiring Manager và Recruiter để đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với cấp quản lý và văn hóa doanh nghiệp. Đối với hoạt động coaching và training, HRBP là người nắm rõ nhu cầu đào tạo của nhân viên, những kỹ năng nào cần thiết cho lộ trình phát triển sự nghiệp của họ – từ đó hướng dẫn bộ phận training và L&D (Learning & Development) lên kế hoạch phù hợp.
Đọc thêm: Phân biệt coaching và training
Sự ra đời của Mô hình nhân sự HRBP
Ý tưởng về mô hình HRBP được đề xuất lần đầu tiên bởi Dave Ulrich vào thập niên 1990. Theo Ulrich, bộ phận nhân sự đóng vai trò sống còn đối với lợi ích của doanh nghiệp – chính họ là những người quản trị thay đổi và định hướng đi cho toàn bộ tổ chức, đặc biệt trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh như hiện nay. Trong tác phẩm ‘HR Champions’ của mình, Ulrich đã tổng hợp 4 vai trò chính của nhân sự là:
- Đối tác chiến lược.
- Tác nhân thay đổi.
- Hình mẫu nhân viên.
- Chuyên gia hành chính.
“Điều quan trọng nhất mà HR hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có thể trao cho nhân viên là gì? Chính là ý thức về mục đích, ý nghĩa, cảm giác thân thuộc, làm việc theo nhóm, tiền thưởng, cơ hội, tầm nhìn, cộng đồng và nhiều điều khác nữa. Đây là những điều tuyệt vời mà bộ phận Nhân sự có thể mang lại cho nhân viên” – Dave Ulrich
Từ khi ra đời cách đây hơn 20 năm, kỳ vọng đối với vai trò của HRBP nói riêng và bộ phận Nhân sự nói chung đã trải qua những biến đổi đáng kể. Giờ đây, Nhân sự không còn chỉ dừng lại ở những công việc đơn giản như chấm công, tính phúc lợi… nữa – thay vào đó, doanh nghiệp cần đến những người có khả năng mang đến giá trị cho các bên liên quan (khách hàng, đối tác…). Cũng vậy, công việc của HRBP không đơn thuần là quản lý nhân viên, nhưng quan trọng nhất là giúp doanh nghiệp đảm bảo và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
GS. Dave Ulrich bàn về vai trò của Nhân sự nói chung và HRBP nói riêng