HỌC NGHỀ, TẬP NGHỀ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT – LegalTech

“Học việc” có thể là cụm từ không còn mới đối với xã hội và thị trường lao động hiện nay. Trên thực tế, từ Bộ luật lao động năm 2012 đến Bộ luật lao động năm 2019 đều không có khái niệm “học việc” mà chỉ có “học nghề” và “tập nghề”. Vậy học nghề, tập nghề là gì? Bộ luật lao động năm 2019 có quy định gì về học nghề, tập nghề?

1. KHÁI NIỆM HỌC NGHỀ, TẬP NGHỀ

1.1. Khái niệm học nghề

Theo Khoản 1 Điều 61 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

“Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc.”

Theo đó, không có khái niệm “học việc” mà chỉ có “học nghề” ở Bộ luật lao động năm 2019. Học nghề, cũng có thể hiểu là học việc là hoạt động mà người sử dụng lao động thực hiện đào tạo nghề nghiệp chuyên môn cho người lao động, được thỏa thuận dưới hình thức hợp đồng đào tạo. Học nghề khác thử việc bởi hợp đồng học nghề là hợp đồng đào tạo trong khi hợp đồng thử việc thì không, người thử việc không hề được đào tạo như người học nghề, mà chỉ thử việc, làm những công việc như thỏa thuận hợp đồng.

1.2. Khái niệm tập nghề

Theo Khoản 2 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019:

“Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc”

Tập nghề cũng tương tự với học nghề, điều khác biệt là đối với tập nghề, người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí làm tại nơi làm việc chứ không dậy kiến thức chuyên môn, lý thuyết. Tức là tập nghề thiên về thực hành và làm việc hơn so với học nghề. So với Bộ luật lao động năm 2012, Bộ luật lao động năm 2019 đã có khái niệm rõ ràng hơn về tập nghề, bởi Bộ luật lao động năm 2012 chỉ định nghĩa về học nghề mà không định nghĩa về tập nghề.

2.THỜI GIAN HỌC NGHỀ, TẬP NGHỀ

2.1. Thời gian học nghề

Theo quy định Khoản 1 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019:

“Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”

2.2. Thời gian tập nghề

Theo quy định Khoản 1 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019:

“Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng”

3. ĐIỀU KIỆN HỌC NGHỀ, TẬP NGHỀ

3.1. Điều kiện khi người sử dụng lao động tổ chức học nghề, tập nghề:

– Không được thu học phí: Nếu sử dụng lao động đào tạo người học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không được thu phí đối với người lao động, ngược lại, người sử dụng lao động sẽ không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Khoản 3 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019)

– Chi trả chi phí đào tạo: Theo Khoản 3 Điều 62 Bộ luật lao động năm 2019, các khoản chi phí này bao gồm: Các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

– Phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp (theo Khoản 3 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019: Nếu không ký hợp đồng đào tạo thì không thể coi đó là hoạt động học nghề, tập nghề, đồng thời do không có hợp đồng lao động nên cũng không thể coi là quan hệ lao động. Vì vậy, quyền lợi của người học nghề, tập nghề sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức học nghề, tập nghề, không được lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật (Theo Khoản 4 Điều 8 Bộ luật lao động năm 2019)

3.2. Điều kiện đối với người học nghề, tập nghề:

a. Trường hợp 1: Đối với các nghề, công việc thông thường (Khoản 4 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019)

– Có đủ 14 tuổi trở lên: Do người dưới 14 tuổi đang trong quá trình đào tạo phổ thông cơ bản. Pháp luật Việt Nam ưu tiên sự phát triển của trẻ em về thể chất và tinh thần. Nếu thực hiện học nghề trước 14 tuổi, trẻ em không thể có đủ thời gian vừa học tập kiến thức phổ thông cơ bản, vừa thực hiện học nghề, vừa có thời gian vui chơi.

– Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề: Việc chưa có quy định chính xác về đánh giá sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người sử dụng lao động có thể tự đặt ra các yêu cầu về sức khỏe phù hợp nhất với công việc.

b. Trường hợp 2: Đối với các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành (trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao) (khoản 4 điều 61 Bộ luật lao động năm 2019)

– Đủ 18 tuổi trở lên: Người dưới 18 tuổi không được làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020. Tuy nhiên đối với các trường hợp như lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao, cần đào tạo lâu dài và thường xuyên nên trở thành trường hợp ngoại lệ.

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LegalTech.