HỒ SƠ VÀ QUI TRÌNH VỀ XUẤT KHẨU GẠO

HỒ SƠ VÀ QUI TRÌNH VỀ XUẤT KHẨU GẠO

Đăng ngày: 06-12-2019

Gạo là một mặt hàng xuất nhập khẩu chủ đạo của Việt Nam. Năm 2017, Gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Vậy hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về thủ tục xuất khẩu gạo ở Việt Nam sang các nước trên thế giới cần những thủ tục và giấy tờ như thế nào nhé !

Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể xuất khẩu được gạo, mà trước đó họ phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, từ 1/10/2018 các điều kiện, thủ tục về kinh doanh xuất khẩu gạo thay đổi khá nhiều.

I. Hồ sơ hải quan mẫu xuất khẩu lô hàng gạo điển hình gồm có:

  •  Vận đơn xuất khẩu gạo

  •  Chứng nhận chất lượng gạo xuất khẩu

  •  Chứng nhận nguồn gốc gạo xuất khẩu

  •  Giấy hun trùng gạo xuất khẩu

  •  Chứng nhận an toàn khi tiêu dùng gạo

  •  Bảo hiểm vận chuyển xuất khẩu gạo

  •  Báo cáo dinh dưỡng trong gạo

  •  Kiểm dịch thực vật gạo xuất khẩu

  •  Phiếu đóng gói gạo xuất khẩu

  •  Hóa đơn mua bán gạo

II.  Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

1. Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.

3. Thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.

4. Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn.

III. QUI TRÌNH ĐỂ XUẤT KHẨU GẠO

III.1. Kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Bước 1: Thương nhân tự kê khai hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã kê khai, về các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận và việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định nêu trên.

Bước 2: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) và gửi kèm theo biên bản kiểm tra.

Bước 3: Theo kế hoạch định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân. 

III.2.   Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo

Để đăng ký được hợp đồng xuất khẩu gạo doanh nghiệp cần:

– Văn bản đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với hiệp hội lương thực Việt Nam

– Hợp đồng xuất khẩu gạo đóng đầy đủ giáp lai (bản sao kèm bản chính để đối chiếu)

– Báo cáo tồn kho, có sản lượng gạo ít nhất 50% lượng gạo trong hợp đồng xuất khẩu đăng ký

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo do Bộ công thương cấp (bản sao)

III.3. Thủ tục hải quan xuất khẩu gạo

Sau khi làm xong 2 bước trên mới có đủ điều kiện làm thủ tục hải quan xuất khẩu gạo. Thủ tục hải quan khi xuất khẩu gạo như hàng thông thường nhưng các nước nhập khẩu thường yêu cầu bên xuất khẩu có thêm kiểm dịch thực vật, phân tích thành phần (đặc biệt là độ ẩm), chứng nhận chất lượng, giấy hun trùng hay chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế.

 

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến bài viết !