HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG VỀ GIÁO DỤC STEM
Mục Lục
HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG VỀ GIÁO DỤC STEM
Cho rằng Giáo dục STEM với nhiệm vụ cung cấp các kiến thức và kỹ năng liên ngành, cần thiết cho học sinh thế kỷ 21 thực sự sẽ là mô hình giáo dục hiện đại trong tương lai gần của thế giới, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đưa ra những lưu ý quan trọng trong dạy học STEM hiện nay trong nhà trường.
Dạy học STEM là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của GD trải nghiệm Dạy học STEM là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của GD trải nghiệm
1. Nhiều cấp độ tổ chức dạy học STEM
– Có người coi, dạy STEM là phải dạy lập trình hay lắp ráp robot; hay tiếp cận công nghiệp 4.0 là phải dạy STEM. Ông nghĩ sao về những quan điểm này?
– Trả lời: Việc tổ chức dạy học STEM có nhiều cấp độ khác nhau. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của từng trường mà lựa chọn cấp độ dạy học STEM sao cho đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất. Chẳng hạn:
Dạy học coi trọng theo cách tiếp cận dạy học mới với các môn học STEM; trong đó đặc biệt chú trọng tới các môn học bản lề cho thời đại kỹ thuật số và ứng dụng khoa học. Tất nhiên phương pháp dạy học các môn khoa học phải thay đổi, lấy phát triển năng lực, nhân cách học sinh làm mục tiêu của hoạt động dạy và hoạt động học. Qua đó rèn luyện cho học sinh những kỹ năng các môn khoa học; kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm hay kỹ năng làm việc hợp tác, giao tiếp.
ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF)
“Giáo dục STEM là một quan điểm giáo dục, trong đó các môn học STEM được liên kết hợp lý, giảng dạy tích hợp và được áp dụng trong bối cảnh cụ thể của thế giới thực. Từ đó, mở rộng nhà trường, kết nối với cộng đồng, phát triển các năng lực người học trong các lĩnh vực STEM. Ngày nay, quan điểm mới của Giáo dục STEM là không chỉ phát triển các năng lực người học trong lĩnh vực khoa học mà cả các lĩnh vực xã hội. Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam cũng định hướng tương đồng với quan điểm mới của Giáo dục STEM”.
Với cách dạy tập trung học liên môn này, kiến thức học các môn STEM chắc chắn; khả năng sáng tạo, tư duy logic; hiệu suất học tập và làm việc vượt trội; có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn. Học sinh THPT với việc theo học các môn học STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Có thể hiểu và gọi cấp độ này là dạy học hướng theo STEM.
Thứ 2: Dạy học Công nghệ, học Robotics – đây chính là các môn học điển hình cho dạy học STEM.
Thông qua việc lập trình và lắp ráp robot, học sinh có thể học được: Nguyên lý cơ bản về lập trình và các công nghệ mới hiện nay; có thể tiếp thu được các kỹ thuật lắp ráp, đồng thời phát triển tính tư duy kỹ thuật. Học Công nghệ thông qua thực hành và thông qua hoạt động dưới dạng các trò chơi làm tăng sự hứng thú và không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh. Có thể hiểu và gọi cấp độ này là dạy học bổ trợ môn học STEM.
Thứ 3: Dạy học tích hợp, lồng ghép liên môn của STEM theo một giáo trình được được nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm túc, hiệu quả.
Học sinh được thực hành thông qua xem các video trong không gian ảo. Tuy nhiên, cách dạy học này mới đảm bảo được một mặt: Những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, lồng ghép và bổ trợ cho nhau trong một giáo trình có chủ đích. Còn về mặt ứng dụng thực tiễn của STEM chưa được đề cập, học sinh chưa được trực tiếp làm, mới được thấy thực tế ở mức độ mô tả, hình dung. Có thể hiểu và gọi cấp độ này là dạy học bán STEM.
Thứ 4: Dạy học cấp độ bán STEM và đồng thời học sinh được thực hành thông qua các các dự án STEM.
Dự án trong dạy học là một phương pháp nhằm tạo cơ hội cho học sinh tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập khác nhau và áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc sống. Dự án ở đây là một bài tập tình huống, một chủ đề mà người học phải giải quyết bằng các kiến thức STEM. Hoạt động trong Dự án gồm các hành động học tập và được tham gia của cả nhóm học sinh. Có thể hiểu và gọi cấp độ này là dạy học tiếp cận hoàn toàn quan điểm STEM.
2. Những lưu ý quan trọng khi dạy học STEM
– Giáo dục STEM hiện nay đang được nhắc đến rất nhiều, nhưng theo ông, Việt Nam đã có một chương trình dạy học STEM thực sự?
Ở Việt Nam chưa có Chương trình dạy học STEM, mà chỉ là định hướng dưới dạng mở, linh hoạt và không tường minh. Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có quy định: Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc. Hoạt động trải nghiệm nhấn mạnh tới sự huy động tổng hợp các kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau, hướng dẫn học sinh áp dụng vào thực tế đời sống trong trường và xã hội.
Từ đó, có thể hiểu Chương trình STEM được ẩn chứa và có tính pháp lý, nằm trong phạm vi khái niệm và nội hàm của hoạt động giáo dục trải nghiệm. Vì vậy, khi áp dụng STEM, các nhà trường phải thực hiện trong khuôn khổ quy định của hoạt động giáo dục trải nghiệm của Bộ GD&ĐT.
Điều này khác với nhiều trường học ở Mỹ, đó là trong tuần có 5 ngày thì 2 ngày dành cho dạy học các môn học theo chương trình quy định, 3 ngày còn lại tổ chức dạy học và thực hành làm dự án về STEM.
– Vậy làm thế nào để giáo dục STEM có hiệu quả, thưa ông?
Giáo dục STEM nói chung và dạy học STEM nói riêng không phải là để học sinh trở thành những nhà khoa học mà là xây dựng cho học sinh có kỹ năng cần thiết, để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại, trong tương lai.
Như đã đề cập ở trên, có người coi dạy STEM là phải dạy lập trình hay lắp ráp robot; hay tiếp cận công nghiệp 4.0 là phải dạy STEM – đó chỉ là cách hiểu một chiều hay cổ súy, quá đề cao STEM. Thậm chí, có đơn vị dành nhiều tiền để mua sắm công cụ học tập, thiết bị công nghệ, tin học, điện tử để phục vụ cho học STEM.
Chúng ta hoàn toàn tận dụng những cơ sở vật chất sẵn có của mỗi trường để sáng tạo công cụ dạy học STEM. Dạy học STEM chỉ là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của giáo dục trải nghiệm. Không thể coi STEM là tất cả mà bỏ qua các phương pháp dạy học hiệu quả cũ. Hay coi nhẹ dạy các môn học xã hội, nhân văn hoặc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Để Giáo dục STEM có hiệu quả, trước hết cần xây dựng được Chương trình STEM và nội dung dạy học STEM. Ngoài ra, việc đưa STEM vào chương trình giáo dục phổ thông cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và là câu chuyện dài. Chúng ta phải thay đổi, xây dựng lại quy định thi cử, đánh giá chất lượng cho phù hợp; đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy STEM. Đặc biệt, với điều kiện cơ sở vật chất sơ sài ở các trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thì rất khó dạy học STEM có hiệu quả.
Theo: GD&TĐ
TPA là đơn vị kinh nghiệm trong ngành STEM, chúng tôi đồng hành cùng giáo dục STEM tại Việt Nam: cung cấp robot giáo dục STEM, thiết bị STEM trong phòng Lab tại các trường.
Quý trường/quý khách hàng có nhu cầu về robot giáo dục, hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn giải đáp mọi thắc mắc của quý khách hoàn toàn miễn phí