HIỂM HỌA KHÔNG NGỜ TỪ VIỆC … BẤM LỖ TAI – Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM
Với sự phát triển của xã hội hiện nay thì nhu cầu làm đẹp của con người, đặc biệt là đối với các bạn trẻ, ngày càng được chú trọng và quan tâm. Có rất nhiều cách thức và phương tiện làm đẹp khác nhau, bấm lỗ tai để đeo bông tai (khuyên tai) là một trong những cách thức làm đẹp này.
Ngoài dái tai (phần da vành tai không só sụn) là một vị trí bấm lỗ tai kinh điển, nhiều bạn trẻ ngày nay lại có sở thích bấm lỗ tai ở nhiều vị trí khác trên vành tai để tạo sự khác biệt hoặc thể hiện cá tính riêng của mình.
Giải phẫu vành tai
Tuy nhiên, những vị trí khác của vành tai đều chứa sụn bên trong, nên việc bấm lỗ tai ở những vị trí này đều phải bấm qua lớp sụn vành tai. Điều này dẫn đến nguy cơ viêm sụn vành tai rất cao nếu dụng cụ không được đảm bảo vô trùng và không được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín. Hơn nữa, nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu (viêm gan siêu vi B, HIV…) cũng có thể xảy ra khi dụng cụ bấm lỗ tai không được xử lý theo đúng quy định.
Viêm sụn vành tai do bấm lỗ tai
Theo một thống kê tại bệnh viện Tai Mũi Họng Thành Phố Hồ Chí Minh vào năm 2020, trong số 81 trường hợp viêm sụn vành tai phải nhập viện điều trị, có đến 62 trường hợp là do bấm lỗ tai (chiếm gần 80%). Đa số các trường hợp bấm lỗ tai là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 16 – 30, trong đó có 70% các trường hợp là nữ.
Hầu hết các trường hợp nhập viện do người bệnh đến khám muộn, bệnh đã tiến triển thành áp xe vành tai, phải rạch dẫn lưu mủ, thậm chí có khoảng 25% trường hợp sụn vành tai bị hoại tử do viêm, phải phẫu thuật để nạo vét sụn hoại tử. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ vành tai bị biến dạng, co rút lại khi khỏi bệnh, gây mất thẩm mỹ. Một số trường hợp phải phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ lại vành tai sau đó.
Vì vậy, những ai muốn bấm lỗ tai để thỏa mãn nhu cầu làm đẹp hay thể hiện cá tính bản thân thì nên đến các cơ sở có uy tín để vừa được làm những điều mình thích và vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, tránh được những nguy cơ viêm sụn vành tai và nhiễm các bệnh lây qua đường máu, cũng như là các di chứng của bệnh. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm sụn vành tai (như đỏ da vành tai, sưng đau hoặc đọng ít mủ quanh lỗ bấm tai) thì nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Khoa Tai-Tai thần kinh