H. Bình Chánh (TP.HCM): Hoang vu Khu dân cư Vĩnh Lộc B

H. Bình Chánh (TP.HCM): Hoang vu Khu dân cư Vĩnh Lộc B

Nguyễn Tuấn

 – 

Thứ sáu, 07/08/2020 10:05 (GMT+7)

Hàng chục tòa nhà chung cư phục vụ chương trình tái định cư với sức chứa hơn 2.000 căn hộ xây dựng trên khu đất mênh mông, nhưng chỉ có vài trăm căn có người ở đìu hiu, quạnh quẽ.

Dự án (DA) Khu dân cư Vĩnh Lộc B, thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh- TP.HCM có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được khởi công xây dựng năm 2008, có diện tích 30,9 ha, bao gồm 45 lô nhà chung cư với 2.240 căn hộ. DA căn hộ chung cư này được hoàn thành từ  năm 2011 với một số hạng mục khác như hệ thống công viên cây xanh, đường giao thông nội bộ, đèn chiếu sáng công cộng, trường tiểu học, siêu thị mi ni, trạm xử lý nước thải… Đây là nơi bố trí tái định cư cho những hộ dân có nhà, đất bị giải tỏa thuộc DA cải tạo kênh Tân Hóa, Lò Gốm, rạch Nước Lên, đường Võ Văn Kiệt trong chương trình nâng cấp, chỉnh trang đô thị của thành phố. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, Khu dân cư Vĩnh Lộc B không thể hiện được chức năng tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa.

Gian nan đường vào

Đường chính vào khu tái định cư Khu dân cư Vĩnh Lộc B thiết kế rộng 20m, nối từ đường Trần Văn Giàu vào đường số 5 của khu dân cư này. Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh chưa đầu tư xây dựng vì còn vướng công tác giải phóng mặt bằng nên hiện nay con đường dẫn vào Khu dân cư Vĩnh Lộc B chỉ là đường đá dăm rộng 4m, đầy “ổ gà”, bụi bặm khi trời nắng và nhếch nhác lúc trời mưa với cỏ dại, rác rưởi dọc 2 bên lề. Đường phụ vào Khu dân cư Vĩnh Lộc B cũng chỉ là con đường đất đỏ ngang 3m, không thể đảm trách chức năng giao thông, nhất là vào mùa mưa với chi chít những bãi lầy, trơn trợt.

Đường chính vào khu tái định cư từ đường Trần Văn Giàu

Đường vào đã gian nan vất vả, một số đường nội giữa các lô chung cư cũng loang lổ, lởm chởm gạch đá. Hiện tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B chỉ có một số hộ dân ở rải rác thưa thớt trong các lô C, D, các lô A, lô B, lô E hoàn toàn bỏ trống. Toàn bộ những căn hộ không người ở, không được quản lý nên đã xuống cấp trầm trọng, phần lớn đều bị nứt tường, bong tróc sơn, thấm nước loang lổ, nền bị sụp nghiêm trọng. Mặt tiền những căn hộ tầng trệt trông càng hoang vu, thảm hại với hàng cửa sắt rỉ sét, mất ổ khóa, bị phủ kín um tùm bởi dây leo, cỏ dại. Nhiều căn bị vở nát cửa kính một cách hoang tàn. Cầu thang bộ lên các tầng trên đầy bụi bặm, rác thải ngổn ngang do lâu ngày không ai thu gom.

 Đường nội bộ khu dân cư

Cỏ dại um tùm phủ mặt tiền nhà

Nỗi lòng người dân tái định cư

Bà Thu, ở  tầng 3 lô D 1, Khu dân cư Vĩnh Lộc B cho biết gia đình bà trước ở quận 5, bị giải tỏa trong dự án cải tạo kênh Lò Gốm nên về đây sống. Trước kia ở chổ cũ còn bán quán ăn có đồng ra đồng vào, bây giờ ở đây dân cư thưa thớt làm sao bán buôn gì, không biết làm gì để sống. Không biết vì sao mà người ta xây lên nhiều nhà như vậy mà không được mấy người ở ? Ban ngày còn đỡ vắng vẻ vì có người đưa đón học sinh đi học qua lại chứ ban đêm thì cả khu rộng lớn này không một bóng người.

Bà Thu trần tình sự đìu hiu của khu tái định cư

Bà Thu còn cho biết thêm, nhà bỏ trống thì nhiều, nhưng để có được một suất tái định cư, hoặc thuê để ở thì không phải dễ. Như trường hợp của gia đình bà, bị giải tỏa ở quận 5 hơn 100 m2 đất, nếu đúng tiêu chuẩn, bà được bố trí 2 căn hộ tái định cư ở tậng trệt,  nhưng người ta chỉ cho bà có 1 căn tầng 3! Nếu có nhu cầu ở thêm, bà phải mua với giá cao hơn rất nhiều. Có lẽ đây là một trong nhiều lý do vì sao những gia đình thuộc diện tái định cư ở đây vẫn từ chối, chưa chịu nhận nhà, bỏ mắc hàng loạt các căn hộ chung cư ngày càng hoang phế theo thời gian. Một phần trong số những người đang sống phải thuê trung với giá từ 3 đến 5 triệu đồng/ tháng/ một căn hộ.

Cảnh hoang tàn, xuống cấp

Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các dự án (DA) đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) dưới hình thức phân lô, bán nền khi đáp ứng các điều kiện:

1. Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện;

2. Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm: các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt;

3. DA phải đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực và cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;

4. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của DA: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai;

5. DA thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng QSDĐ dưới hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực không nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị…