Gộp taxi công nghệ với taxi truyền thống: Cần trọng tài cho sân chơi bình đẳng | Thời sự
>> Có nên gộp taxi công nghệ với taxi truyền thống thành một?
Không thể phủ nhận được hiệu quả thời gian, kinh tế… khi công nghệ thông tin đưa các ứng dụng vào cuộc sống. Đường truyền tốc độ cao, dữ liệu lớn, các phần mềm ứng dụng…, đã giúp cuộc sống sinh hoạt cũng như việc sản xuất của con người có bước tiến bộ vượt bậc.
Ở Việt Nam, giai đoạn phát triển mạng internet bắt đầu từ năm 2000, đến nay mạng Internet đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, giúp ích cho đời sống kinh tế, văn hóa, tri thức, tinh thần, giải trí… có sự phát triển nhanh gấp nhiều lần tốc độ trước nếu so sánh với thập niên 80, 90.
Từ người già, thanh niên, đến cả trẻ nhỏ đã quen dần với công nghệ, sử dụng thành thạo các ứng dụng trong đó có phần mềm gọi xe Uber, Grab, Be, Go-Viet, FastGo… dù chỉ mới xuất hiện trong mấy năm gần đây.
Các loại hình kinh doanh mới bùng nổ với tốc độ nhanh, số lượng lớn, trong khi luật, chế tài, thể chế phải chạy theo sau, dẫn đến tình trạng lúng túng trong quản lý, chưa đảm bảo được công bằng cho hai loại hình kinh doanh vận tải giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.
Các chuyên gia cho rằng, cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo kilômét nhưng 2 loại hình taxi công nghệ và truyền thống lại chịu 2 điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng.
Các nhà hoạch địch chính sách loay hoay trong việc ra quy định cho một sân chơi bình đẳng, công bằng cho loại hình mới với loại hình kinh doanh truyền thống, đảm bảo lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp; đồng thời, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, người dân sẽ được hưởng lợi trong việc sử dụng dịch vụ tốt với giá cả hợp lý.
Thực tế cho thấy, dù đi sau nhưng loại hình taxi công nghệ chiếm nhiều ưu thế và lấn lướt loại hình truyền thống về lối tiếp cận khách hàng, cạnh tranh về giá do tận dụng được thời điểm bùng nổ phương tiện giao thông cá nhân.
>> Grab, Be, Gocar… sẽ được quản lý như taxi vì quá nhiều bất cập?
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.
Qua đánh giá, việc phân loại này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là từ khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe. Đến năm 2020, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được ban hành, trong đó xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh. Đáng chú ý, Nghị định 10/2020/NĐ-CP cho phép taxi và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
Nghị định này cũng không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn, nhưng yêu cầu dán phù hiệu phản quang bên trong xe. Nghị định mới quy định niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe. Theo đó, xe hợp đồng như Grab hay BE phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe.
Nhìn nhận ở góc độ kinh tế, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng việc định danh những xe như Grab là công ty vận tải, yêu cầu doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một hãng taxi truyền thống sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi.
Khi đó, các doanh nghiệp như Grab sẽ phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên… Tất cả chi phí “đội” lên sẽ triệt tiêu lợi ích của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ.
Tương tự, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, xe Grab là kết quả của thời đại công nghệ 4.0, không thể bắt nó gắn mào hay bị quản lý như taxi truyền thống. “Như vậy cũng chẳng khác gì thế kỷ 21 rồi vẫn bắt phụ nữ mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ”, ông Liên ví von và cho rằng quản lý nhà nước “muốn làm gì thì làm nhưng phải ủng hộ sự tiến bộ của công nghệ thông tin, có như vậy người dân, người tiêu dùng mới được lợi”.
Cùng với sự gia tăng chóng mặt về số lượng phương tiện, điều kiện kinh doanh đối với loại hình tương đồng với taxi này cũng được cho là thiếu công bằng so với taxi truyền thống. Trong khi taxi truyền thống phải chịu các quy định rất chặt chẽ về giá cước, nhận diện phương tiện, số lượng xe, nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với người lao động thì loại hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử lại không phải chịu các quy định này, từ đó tạo ra mâu thuẫn.
Đến thời điểm hiện tại, câu chuyện gom hay không gom các xe chở khách dưới 9 chỗ về một loại hình taxi vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Song, nói như chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc gom hay không gom các xe chở khách dưới 9 chỗ về một loại hình taxi không quan trọng, vấn đề là tìm cách quản lý như thế nào cho phù hợp với tình hình mới. Bộ GTVT không thể quản lý taxi công nghệ như cách đã quản lý taxi truyền thống và ngược lại. Hiện nhiều hãng taxi đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để tăng năng lực cạnh tranh. Mục tiêu quan trọng của việc sửa luật là, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, vừa phát huy được lợi ích của công nghệ, và hơn hết là đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, trước khi văn bản hóa nên chăng nên tập hợp, tổ chức các hội thảo với các chuyên gia và doanh nghiệp vận tải để lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ chính doanh nghiệp mà đại diện là các hiệp hội taxi, vận tải, rồi từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Làm sao để luật hay nghị định, quy định phải là trọng tài để tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, nhất là thời điểm này – rất cần sự hỗ trợ để phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Đánh giá của bạn: