Giúp trẻ nhút nhát trở lên bạo dạn hơn

Những trẻ em nhút nhát có thể gặp nhiều bất lợi trong xã hội năng động và cởi mở như hiện nay, bởi các bé sẽ mất nhiều thời gian hơn để cảm thấy thoải mái trong việc giao lưu tiếp xúc với mọi người. Sự nhút nhát sẽ ngăn trở khả năng tiếp thu những kỹ năng sống của bé, khiến bé khó hòa nhập với các bạn hơn, thậm chí là gây khó khăn cho các bé trong học tập và cuộc sống sau này.

Một số cách giúp trẻ tự tin hơn

 

Trò chuyện với trẻ nhiều hơn: Nỗi lo sợ của bé có thể rất buồn cười và vô lý, nhưng đó là điều có thật và quan trọng đối với bé. Vì vậy nên nghiêm túc nói chuyện về nỗi sợ đó, giải thích cho con một cách đơn giản, vui vẻ nhất về cái mà con đang sợ. Cuối cùng, khẳng định với trẻ: “Điều đó chẳng đáng sợ chút nào.”

 

Biến nỗi sợ thành niềm vui: Nếu trẻ sợ bóng tối, hãy chơi bịt mắt trốn tìm, tắt đèn vui đùa cùng bố mẹ. Nếu trẻ sợ bác sĩ, bạn hãy để trẻ đóng vai bác sĩ. Còn nếu bé sợ ma, hãy để trẻ và bạn bè hóa trang thành những con ma và chơi các trò chơi vui nhộn…

Tạo cảm giác quen thuộc: Khi  bắt đầu đi nhà trẻ hoặc ngủ riêng, nên để trẻ mang theo bên mình những “bảo bối” thân thiết như gối ôm hoặc gấu nhồi bông. Chúng có tác dụng an ủi lúc trẻ cảm thấy lo lắng.

 

Xây dựng tính tự lập: Ngay khi 2 tuổi, nếu trẻ có ý thức tự làm một việc gì đó như đòi tự mang giày, tự mặc áo, tự xúc cơm… hãy vui mừng và động viên trẻ. Đây là biện pháp tốt để chống lại căn bệnh nhút nhát, xây dựng tính chủ động cho trẻ.

 

Hạn chế thể hiện nỗi sợ hãi trước mặt trẻ: Hãy nên tỏ ra là một ông bố/ bà mẹ bạo dạn, can đảm. Đừng bao giờ trở thành tấm gương nhút nhát khiến trẻ học theo. Nếu có, hãy cố gắng đừng thể hiện trước mặt trẻ.

 

 

Tăng cường cho trẻ giao tiếp: nên thường xuyên cho trẻ đến chơi ở công viên, nhà người thân… để trẻ tự do vui đùa và giao tiếp với các trẻ cùng trang lứa. Vui chơi và quan sát nhiều sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày.

 

 

Các chuyên gia cho rằng nhút nhát là một vấn đề khá nghiêm trọng ở trẻ và cần được khắc phục càng sớm càng tốt bằng các biện pháp sau:

 

Không chụp mũ: Nếu thường xuyên nhắc đến tính hay e ngại của con, trẻ sẽ cảm thấy bạn chỉ nhận ra điều ấy ở trẻ. Nên nhắc lại những tình huống con đã thể hiện mình một cách kiên quyết để tăng tính tự tin. Để tạo cảm giác nhẹ nhàng hơn, nên gọi tính nhút nhát của trẻ là thận trọng.

 

Thay vì hay quở trách con vì sự nhút nhát, hãy dùng những từ ngữ trung dung, tránh những từ xúc phạm. Chẳng hạn, nếu trẻ bám lấy chân mẹ mà không chơi với bạn, hãy nói “hình như hôm nay con không được vui”.

 

Kích thích trẻ giao tiếp: Để cho trẻ mời bạn cùng lớp về nhà, không cấm con đến chơi nhà bạn. Khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm giao tiếp, bé sẽ đỡ ngại hơn. Ngoài ra khi con còn nhỏ, bạn cũng nên mời khách đến nhà chơi, tổ chức các bữa ăn cùng bạn bè và con cái họ nhằm giúp trẻ quen với giao tiếp xã hội.

 

Đừng nóng vội: Trẻ nhút nhát thường sợ chốn đông người. Bạn không thể đơn giản đưa con đến nơi nhiều người tụ tập và thả nó một mình giữa đám đông. Nên cầm tay khi trẻ chưa nhìn khắp xung quanh. Đừng vội đi; hãy tiến lại đứa trẻ khác hoặc nhóm trẻ và nói chuyện với chúng, chờ đến lúc con bạn tham gia câu chuyện. Con bạn cần sự hỗ trợ và biết rằng bạn ở ngay bên cạnh khi nó cần đến.

 

Để con chia sẻ những thành tích của mình: Sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ, nên để con kể về tất cả những gì dễ chịu xảy ra trong ngày với nó. Việc nghe hết những gì con kể và hỏi han một cách trân trọng giúp trẻ tự tin hơn.

 

Chuẩn bị cho sự thay đổi: Một tình huống mới sẽ là chuyện khủng khiếp với những trẻ nhút nhát. Nếu bé đi chơi nhà người lạ, lần đầu tiên đến lớp mới hay chuyển trường, bạn nên nói chuyện với con để bé hình dung trước mình sẽ thấy gì hay phải làm gì ở đó. Nếu có thể, nên đến trường trước cùng trẻ, nói chuyện với các thầy giáo mới, liên kết con với những đứa trẻ khác. Càng làm cho trẻ quen với tình huống mới, nỗi sợ của nó càng ít đi.

 

Hãy bình tĩnh: Ngay cả khi tình huống mới làm bạn lo ngại thì cũng đừng để điều đó thể hiện khi có con bạn, vì sự lo ngại đó có thể truyền sang bé.

 

Chia sẻ kinh nghiệm: Tất cả mọi người đều có lúc e ngại về vấn đề nào đó. Trẻ cần biết rằng đó là một phần của cuộc sống hằng ngày và bạn có thể giúp đỡ nó.

 

Đừng đòi hỏi sự hoàn thiện: Những người nhút nhát tin rằng việc biết giao tiếp một cách nhẹ nhàng là do thế mạnh, năng lực đặc biệt của cá nhân. Nên làm trẻ hiểu rằng quan hệ bạn bè không đòi hỏi sự hoàn thiện, và bạn cũng đừng đòi hỏi ở con qúa nhiều.

 

Đề nghị giáo viên giúp đỡ: Một giáo viên tinh tế và sẵn lòng giúp đỡ đôi khi làm đứa trẻ nhút nhát trở nên mạnh dạn hơn.

 

Đồng hành cùng con trong việc xóa bỏ đi sự nhút nhát, giúp con tự tin hơn và việc mà các bậc cha mẹ cần phải làm. Nhưng không phải người cha người mẹ nào cũng thành công, vì mỗi trẻ có một tính cách khác nhau sẽ có những cách phản ứng khác nhau trước sự giúp đỡ của bố mẹ. Vậy nên việc cần làm của cha mẹ luôn là sự kiên nhẫn.